Tâm điểm

"Then chốt" của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy

Nguyễn Văn Đáng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh 12/02/2025 05:06

Kỳ họp Quốc hội bất thường thứ 9 được triệu tập từ ngày 12 đến 18/2, để xem xét, cho ý kiến nhiều vấn đề quan trọng liên quan công tác nhân sự và sắp xếp tổ chức bộ máy.

cqth 2
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét 27 nội dung, gồm: 16 nội dung để trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín, trọng tâm là phục vụ sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy. (Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét 27 nội dung, gồm: 16 nội dung để trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín, 2 nội dung sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ chín thường lệ, 9 nội dung về vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trọng tâm là phục vụ sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy.

“Quý hồ tinh...”

Từ cuối tháng 11 năm 2024, cả hệ thống chính trị nước ta đã quyết liệt triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW, sắp xếp lại tổ chức bộ máy để cải thiện chất lượng hoạt động, đáp ứng nhu cầu phát triển bứt phá của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Có thể nói, ý chí và quyết tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như sự chuyển động thần tốc của cả hệ thống chính trị trong hơn hai tháng vừa qua đang trở thành sự kiện truyền cảm hứng và niềm tin tích cực về khát vọng đổi mới, nỗ lực cùng hành động để thay đổi vị thế của đất nước.

Cho đến hiện nay, nhiều cơ quan từ trung ương đến các địa phương đã hoàn thành việc sáp nhập, hợp nhất về đầu mối tổ chức và phân bố nhân sự theo đơn vị mới. Trên cơ sở đó, từ ngày 12 đến 18 tháng 2, Quốc hội sẽ tiến hành kỳ họp bất thường, trong đó có nội dung cho ý kiến về việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thông qua cơ cấu tổ chức cũng như số thành viên Chính phủ nhiệm kỳ khóa 15.

Khi những nhiệm vụ về phương diện tổ chức bộ máy đã cơ bản hoàn thành thì một vấn đề thách thức hơn, nan giải hơn là bảo đảm chất lượng nhân sự cho những vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị mới. Bởi lẽ, đặt trong truyền thống lịch sử, văn hóa, bối cảnh thể chế chính trị và hành chính của nước ta hiện nay thì yếu tố con người vẫn luôn giữ vai trò “then chốt của then chốt”, được coi là cái “gốc của mọi công việc”, quyết định sự thành hay bại của các hoạt động quản trị cộng đồng, cho dù ở cấp độ địa phương, đơn vị, hay cấp độ quốc gia.

Điều kiện tiên quyết của cuộc cách mạng tinh gọn

Trên phương diện văn hóa, khác với người dân ở nhiều nước phương Tây và Mỹ vốn quan tâm nhiều hơn đến những điều kiện thể chế hay chính sách, đa số người dân Việt Nam cho đến hiện nay vẫn quan tâm trước hết đến phẩm chất, năng lực của cá nhân để đưa ra nhận định về khả năng làm việc và đóng góp, từ đó tạo ra thay đổi tích cực cho cơ quan, đơn vị, địa phương, hay quốc gia.

Vì thế, chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị sẽ phụ thuộc vào điều kiện then chốt nhất là chất lượng của đội ngũ nhân sự của từng vị trí việc làm, đặc biệt là các vị trí lãnh đạo và quản lý.

Tiến trình Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng nước ta từ đầu thế kỷ 20 cho đến hiện nay cũng khẳng định vai trò then chốt của yếu tố con người. Trước năm 1945, khi chưa giành được chính quyền, sự tồn tại và phát triển của phong trào đấu tranh cách mạng vì nền độc lập của dân tộc hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực của từng cá nhân cán bộ, đảng viên. Thành công của Cách mạng tháng 8 năm 1945, thống nhất đất nước vào năm 1975 hay quyết định Đổi Mới vào năm 1986 cũng ghi dấu ấn hàng đầu, nổi bật với vai trò của yếu tố con người.

Hiện nay, đặc trưng “tập trung và thống nhất về quyền lực” của hệ thống chính trị ở nước ta cũng đòi hỏi vai trò quyết định của yếu tố con người, cụ thể là ý thức, phẩm chất, và năng lực của đội ngũ công chức, viên chức, cán bộ lãnh đạo và quản lý. Cho dù đó là cấp độ địa phương, đơn vị, hay cấp độ quốc gia, nguyên tắc “quyền lực tập trung và thống nhất” của hệ thống chính trị khiến nguy cơ lạm quyền vụ lợi luôn hiện hữu với các cơ quan công quyền. Vì thế, yếu tố con người với các phẩm chất đạo đức và tài năng sẽ trở thành những điểm tựa vững chắc nhất cho sự vận hành vì lợi ích chung của hệ thống chính trị.

Nhận thức rõ vai trò then chốt của đội ngũ cán bộ với sự nghiệp cách mạng và phát triển đất nước, các văn kiện đại hội Đảng gần đây luôn khẳng định “Công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ”. Vì thế, từ nhận thức lý luận cũng như những thành công trên tiến trình phát triển của đất nước, chúng ta có thể khẳng định rằng cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay sẽ chỉ thành công trọn vẹn khi và chỉ khi chúng ta chứng kiến sự cải thiện rõ rệt về chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, trong đó đặc biệt quan trọng là những người đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo và quản lý.

Để từng bước cải thiện chất lượng của đội ngũ nhân sự trong hệ thống chính trị khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới, trước hết cần tái bố trí nhân sự dựa trên sự cạnh tranh năng lực, thể hiện thông qua những kết quả và đóng góp cụ thể. Về lâu dài, cạnh tranh năng lực phải trở thành nguyên tắc vận hành của quy trình công tác cán bộ áp dụng với đội ngũ công chức, viên chức, và được thực hiện bởi các đầu mối tập trung ở trung ương và địa phương, thay vì các đơn vị riêng lẻ như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Then chốt" của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO