Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được kỳ vọng sẽ làm minh bạch thị trường này.
Tác động tiêu cực từ COVID-19
Ông Hoàng Công Tuấn-Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô Công ty Chứng khoán MBS, cho biết dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô Việt Nam, tăng trưởng GDP quý 1/2020 chỉ đạt 3,8%, mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Thị trường TPDN trong kỳ cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh nayyf khi tổng giá trị phát hành chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, thị trường có 65 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với giá trị đạt 46.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái; không có TPDN được niêm yết mới trong kỳ. Thanh khoản bình quân thị trường TPDN trên sàn HSX sụt giảm 23%, đạt hơn 3.300 tỷ đồng/tháng.
Lãi suất phát hành sơ cấp TPDN khá ổn định (9%-11%) mặc dù lãi suất tiết kiệm có xu hướng giảm. Trong đó, lãi cao nhất thuộc về nhóm doanh nghiệp bất động sản (BĐS) và hàng không với khoảng 11%, nhóm ngân hàng ghi nhận khoảng 9,3%.
Các doanh nghiệp BĐS là nhóm phát hành TPDN với giá trị lớn nhất, đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng, chiếm 44% tổng giá trị phát hành toàn thị trường. Gần 70% thị phần tư vấn phát hành TPDN tập trung tại 5 công ty lớn; tuy nhiên chỉ TCBS và SSI duy trì được thị phần trong tốp dẫn đầu, 3 vị trí còn lại đến từ HDBS, Apec và Aseansc...
Một số TPDN được phát hành trong thời gian gần đây phải kể đến: NVL huy động thành công 400 tỷ đồng kỳ hạn 1 năm, trả lãi 6 tháng/lần, lãi suất cố định 10,5%/năm; Hưng Thịnh Land phát hành 1.000 tỷ đồng kỳ hạn 3 năm, trả lãi 3 tháng/lần, lãi suất 4 kỳ đầu 11%/năm, các kỳ sau thả nổi ở mức lãi suất tham chiếu + 4,1%/năm...
Cần nới lỏng quy định cứng nhắc
Mặc dù thị trường TPDN đang trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp, nhưng theo Bộ Tài chính, thị trường TPDN đã xuất hiện một số rủi ro cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ tham gia ngày một nhiều hơn. Do đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ cho Nghị định 163 theo hướng nâng cao quy định về việc phát hành riêng lẻ TPDN.
Theo đó, TPDN phát hành riêng lẻ chỉ được giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và được áp dụng cho toàn bộ thời hạn của TPDN, chứ không chỉ giới hạn trong thời hạn 01 năm kể từ ngày phát hành như quy định cũ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc giới hạn số lượng nhà đầu tư tham gia có thể khiến cho việc phát hành TPDN của các doanh nghiệp khó khăn hơn rất nhiều. Do đó, chỉ cần quy định chặt chẽ các nhà đầu tư cá nhân tham gia phải là những nhà đầu tư có tổng tài sản đã trừ nợ vay cao và phải được mua qua các ngân hàng dành riêng cho họ.
Có thể bạn quan tâm
04:05, 11/03/2020
11:30, 10/03/2020
07:00, 03/03/2020
11:01, 09/02/2020
Bên cạnh đó, nâng cao yêu cầu về hệ số nợ TPDN/vốn chủ sở hữu khi phát hành riêng lẻ TPDN: Doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo dự nợ TPDN phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, đợt phát hành TPDN sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 06 tháng. Quy định này cũng quá cứng nhắc vì doanh nghiệp phát hành trái phiếu căn cứ vào nhu cầu thực tế và khả năng chi trả. Hơn nữa đã có các quy định khống chế khối lượng phát hành TPDN.
Về trần lãi suất TPDN không vượt quá mức lãi suất quy định tại Điều 468 Luật Dân sự năm 2015 (20%/năm), nhiều chuyên gia cũng cho rằng Bộ Tài chính cần xem xét lại quy định này, bởi theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng, thì các ngân hàng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng.
Đặc biệt, tổ chức lưu ký phải cung cấp thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán trong vòng 01 ngày làm việc sau khi hoàn tất giao dịch trái phiếu (ngoài nghĩa vụ báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý và hàng năm); Tổ chức tư vấn phát hành TPDN phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 06 tháng và hàng năm cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính về tình hình tư vấn phát hành TPDN…
Nhiều chuyên gia cho rằng, với việc siết chặt phát hành TPDN như trên, thị trường TPDN sẽ phát triển theo hướng công khai minh bạch, là kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế song song với các kênh tín dụng và chứng khoán. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần xem xét lại những kiến nghị nói trên để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc phát hành TPDN.