Theo chuyên gia, cần nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ thiết thực hơn để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia vào thị trường carbon.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 232/QĐ-TTg (ngày 24/01/2025) về việc thành lập thị trường carbon tại Việt Nam. Lộ trình thành lập thị trường carbon Việt Nam được chia thành ba giai đoạn. Trước tháng 6/2025 là giai đoạn xây dựng khung pháp lý và hạ tầng kỹ thuật; từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028 là giai đoạn vận hành thí điểm; từ năm 2029 sẽ chính thức đưa thị trường vào hoạt động trên toàn quốc. Việc hình thành thị trường carbon được kỳ vọng là công cụ kinh tế hiệu quả giúp Việt Nam đạt được cam kết giảm phát thải khí nhà kính và tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Trong đó, sự tham gia của khu vực tư nhân là yếu tố then chốt để thị trường carbon phát triển bền vững và hiệu quả. Song các doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể, các doanh nghiệp còn hạn chế về nguồn tài chính và kiến thức chuyên môn; thiếu nhận thực về các tiêu chuẩn và cơ chế tín chỉ carbon. Bên cạnh đó là khó khăn trong nắm bắt các điều kiện tiêu chuẩn, yêu cầu về số liệu và thủ tục đăng ký dự án…
Nhận định khối tư nhân có vai trò quyết định trong việc thành công của thị trường, TS Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình chính sách, thương mại và tài chính lâm nghiệp (Tổ chức Forest Trends - Mỹ) cho biết, đối với thị trường carbon trong nước, khối tư nhân bao gồm người mua - là những cơ quan, tổ chức phải giảm hoặc muốn giảm mức phát thải thực hiện việc mua hàng hóa là tín chỉ carbon để làm giảm mức phát thải của mình. Người bán là những người đầu tư vào các hoạt động/dự án tạo tín chỉ. Thiếu người mua, người bán sẽ không hình thành thị trường.
Cũng theo ông Phúc, bên cạnh khu vực tư nhân, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo thị trường thông qua việc xây dựng và thực thi các chính sách, quy định pháp lý. Những quy định này cần xác lập rõ ràng ngưỡng phát thải trần đối với các doanh nghiệp phát thải lớn, đồng thời quy định cụ thể việc cho phép mua tín chỉ carbon để bù đắp phần phát thải vượt ngưỡng. Ngoài ra, hệ thống chính sách cũng cần hướng dẫn cụ thể quy trình triển khai dự án, từ huy động đầu tư, đăng ký, thẩm định đến phát hành tín chỉ và giao dịch trên sàn.
“Thị trường carbon vẫn là lĩnh vực còn khá xa lạ với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là khối tư nhân. Do vậy, cần có thời gian để các bên liên quan hiểu rõ khái niệm, cơ chế vận hành, cũng như lợi ích lâu dài. Việc bắt buộc các doanh nghiệp phát thải lớn tham gia thị trường, bên cạnh khuyến khích các mô hình thí điểm về thị trường làm nguồn thông tin đầu vào về các bài học thực tiễn về vận hành của thị trường cho các doanh nghiệp, là giải pháp cần thiết để thu hút sự nhập cuộc từ khu vực tư nhân”, TS Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng, để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia thị trường carbon, Nhà nước cần triển khai các chính sách hỗ trợ thiết thực như miễn, giảm thuế, hỗ trợ tài chính hoặc cung cấp các gói vay ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào các dự án tạo tín chỉ carbon, bao gồm trồng rừng, phát triển năng lượng tái tạo và áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Những chính sách này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro tài chính ban đầu mà còn tạo động lực nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện khung pháp lý minh bạch, rõ ràng là yêu cầu cấp thiết. Đồng thời, cần đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, hội thảo chuyên đề và truyền thông rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về giá trị kinh tế và môi trường của thị trường carbon. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần được cung cấp hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về quy trình xây dựng dự án, xác minh tín chỉ và tham gia giao dịch hiệu quả trên thị trường.
Được biết, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 theo hướng tiếp cận "kinh tế nâu sang chuyển đổi xanh". Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Nghị định về sàn giao dịch carbon trong nước, cũng như nghị định, quy định về các hoạt động trao đổi carbon quốc tế trong khuôn khổ Hiệp định Paris. Mục tiêu của các cơ quan quản lý là sớm phát triển thị trường carbon, đưa ra các công cụ định giá carbon phổ biến với thuế carbon, các cơ chế trao đổi tín chỉ.