Báo cáo của UBND TP.HCM cho biết, đã có thêm nhiều dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố được tháo gỡ vướng mắc.
>>Cấp bách “gỡ vướng” nguồn vốn
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 của UBND TP.HCM tính đến nay, Tổ Công tác đã tổ chức 5 cuộc họp để giải quyết các nội dung còn tồn tại vướng mắc dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công và các dự án đầu tư của nhà đầu tư không sử dụng vốn ngân sách Thành phố và ban hành 8 thông báo kết luận chỉ đạo.
Theo đó, có 3 dự án đã được giải quyết theo chỉ đạo của Tổ Công tác, gồm: Dự án Khu Phức hợp Sóng Việt (The Metropole Thủ Thiêm) của Công ty CP Quốc Lộc Phát; Dự án xây dựng khu nhà ở xã hội của Công ty CP VTHouse và Công ty CP Tâm Giao; Dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam.
12 dự án đang được các Sở, ngành rà soát, thực hiện theo chỉ đạo của UBND Thành phố, gồm: Dự án tại số 3A-3B Tôn Đức Thắng, quận 1; Dự án Căn hộ Lê Thành, Tân Tạo 2; Dự án Khu Nhà ở thấp tầng Tâm Đại Thành; Tổ hợp cao ốc thương mại, dịch vụ, văn phòng và căn hộ tại đường Ba Tháng Hai, phường 15, quận 11; Dự án tại số 100 đường Cô Giang, quận 1 hiện Sở Xây dựng đang tập trung thực hiện nội dung theo chỉ đạo của Tổ Công tác.
Dự án khu phức hợp căn hộ kết hợp thương mại - dịch vụ, khách sạn tại số 428-430 Nguyễn Tất Thành, phường 18, quận 4; Dự án Xây dựng chung cư 926 Võ Văn Kiệt và Cao ốc 727 Trần Hưng Đạo, quận 5; Dự án Đầu tư xây dựng cụm 8 chung cư lô số, cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh; Dự án Khu dân cư Nhơn Đức Nhà Bè tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè.
Còn dự án Khu dân cư NBB Garden III của Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy đã được tham mưu theo ý kiến chỉ đạo của Tổ Công tác nhưng vẫn còn nội dung vướng mắc. Riêng dự án Moonlight Centre Point, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được đầy đủ ý kiến của các cơ quan có liên quan và đang tổng hợp trình UBND Thành phố xem xét chủ trương đầu tư dự án theo quy định.
>>Cấp bách “gỡ vướng” nguồn vốn
Trong khi đó, dự án Khu chung cư và thương mại Metro Star tại số 360 đường Xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức), Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn tất việc bàn giao hồ sơ có ý kiến về các nội dung có liên quan của dự án để UBND Thành phố Thủ Đức có cơ sở xem xét quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo quy định.
Đối với 41 dự án không đáp ứng điều kiện có quyền sử dụng đất ở để được chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại, UBND TP.HCM đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc, thông báo đến các nhà đầu tư để nghiên cứu đề xuất thay đổi mục tiêu từ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại sang đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Chia sẻ trước đó, ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng Phòng phát triển Nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho hay, các nội dung vướng mắc chủ yếu liên quan đến yếu tố pháp luật, có tính chất liên ngành, một đơn vị không thể quyết định được mà cần sự thống nhất.
Một là,các dự án bất động sản trải qua nhiều thời kỳ, pháp luật đan xen, bản thân quy định pháp luật khi ban hành mới lại chưa thống nhất, đồng bộ với quy định chuyển tiếp. Việc tham mưu, đề xuất của các bộ, ngành khi chuyển tiếp cũng khác nhau. Việc này dẫn đến yếu tố chuyển tiếp cần trao đổi, nhìn nhận thống nhất và xin ý kiến của bộ, ngành, Tổ công tác chính phủ để áp dụng cho thống nhất.
Hai là,vướng mắc liên quan tới xác định giá đất, tiền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính bổ sung. Trong đó, từ việc điều chỉnh quy hoạch kiến trúc cũng phát sinh nghĩa vụ tài chính bổ sung.
Thực tế thì theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), vướng mắc pháp lý của thị trường bất động sản hiện nay là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản. Theo đó, có 156 dự án bất động sản gặp vướng, chủ yếu thuộc diện rà soát pháp lý nhưng đều có tính chất phức tạp, đã được xử lý qua nhiều thời kỳ, vướng nhiều quy định pháp luật.
Trong đó, có những dự án có nguồn gốc đất công, có dự án bị vướng phải rà soát lại việc tính tiền sử dụng đất, tiền sử dụng đất bổ sung dẫn đến bị dừng triển khai, dừng huy động vốn.
Có dự án vướng mắc trong việc điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 hoặc việc thực hiện trách nhiệm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10 ha phải dành 20% diện tích đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội được thực hiện nghĩa vụ này bằng tiền.
Hiệp hội bất động sản TP.HCM đánh giá, nếu xử lý dứt điểm, thị trường sẽ có thêm hàng chục nghìn căn hộ, giúp tạo dòng tiền cho doanh nghiệp, ổn định giá nhà.
Có thể bạn quan tâm