Đây là góp ý của VCCI với Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025…
Năm 2025, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới cũng như kinh tế trong nước vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động bất lợi đến việc hoàn thành các mục tiêu về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ổn định, Bộ Tài chính đề xuất cần tiếp tục thực hiện giải pháp giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025 nhằm góp phần bình ổn giá bán xăng dầu trong nước, kiềm chế CPI.
Do vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng trong năm 2025 như mức thuế quy định tại Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15.
Tại Dự thảo Nghị quyết, cơ quan này đề xuất, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, trừ etanol giảm từ 4.000 đồng xuống còn 2.000 đồng/lít (tương đương giảm 50%); nhiên liệu bay giảm từ 3.000 đồng xuống còn 1.000 đồng/lít; (giảm gần 70%); dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm còn 1.000 đồng/lít (giảm 50%); mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg (giảm 50%); dầu hỏa giảm còn 600 đồng/lít (giảm 40%).
Để đảm bảo tính liên tục và kịp thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 31/12/2025. Từ ngày 1/1/2026, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng này được thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14.
Theo tính toán của cơ quan soạn thảo, với dự kiến sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2025 tương đương năm 2024, số thu thuế bảo vệ môi trường trong năm 2025 giảm khoảng 40.204 tỷ đồng và tổng thu ngân sách Nhà nước (bao gồm cả phần giảm thuế VAT) giảm khoảng 44.224 tỷ đồng.
Liên quan đến nội dung này, sau khi tham khảo ý kiến các doanh nghiệp và một số chuyên gia, mới đây Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 11859/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025 (Dự thảo).
Tại văn bản góp ý, VCCI đồng tình với nội dung của Dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu trong năm 2025. Và cho rằng, đây là giải pháp thiết thực nhằm đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên, theo VCCI, giá xăng dầu thế giới trong năm 2025, đặc biệt là giai đoạn đầu năm, được dự đoán là sẽ có biến động mạnh do các yếu tố chính trị và xung đột vũ trang.
Do đó, VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục theo sát diễn biến giá xăng dầu thế giới để có các phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời.