Chuyên đề

Tìm hướng tăng doanh thu, doanh nghiệp chuẩn bị thích ứng mức thuế nhất định

Lê Mỹ 13/04/2025 11:00

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 12/4/2025 về việc thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ.

Quyết định được đông đảo các doanh nghiệp có chế biến chế tạo và sản xuất, xuất khẩu hàng sang thị trường Mỹ vô cùng mong đợi. Các doanh nghiệp cũng đang theo dõi thông tin các chính sách của Mỹ những bước tiến đàm phán kế tiếp.

Một tin mừng khác là Tổng thống Donald Trump cũng đã quyết định các mặt hàng laptop, điện thoại, chip vào Mỹ được miễn trừ trong chính sách thuế đối ứng - đây là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam.

Ong Thu Nha dam
Để chuẩn bị vốn kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh, ĐHĐCĐ GCF đã thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ cho đối tác chiến lược. Theo đó, đại diện AIG - nhà cung cấp nguyên liệu cho chuỗi F&B với các đối tác lớn như Masan, Vinamilk, TH, Nestle, Unilever, Acecook, Trung Nguyên, Nutifood, Uni-President... xác nhận đã chốt mua cổ phần GCF với giá 30.000đ/cp. Ảnh: Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch GC Food.

Đối với nhiều doanh nghiệp sản xuất có hàng hóa tập trung vào các nhóm có thể được miễn trừ thuế đối ứng, trong quy định của Nhà Trắng tại 2/4, thậm chí thuộc nhóm ngoại lệ miễn trừ… thực tế họ đã và đang luôn theo dõi những biến động trong chính sách thuế quan của Mỹ, bởi các thay đổi liên tục trong công bố thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT GC Food (UpCOM: GCF) cho biết ở góc độ gián tiếp hay trực tiếp, doanh nghiệp có thể sẽ bị ảnh hưởng nhất định bởi chính sách thuế quan do có những nhà nhập khẩu nhập nguyên liệu nha đam và dừa từ GC Food để chế biến. Bản thân GC Food cũng xuất khẩu hàng hóa là sản phẩm nông sản 100% nguyên liệu Việt Nam vào Mỹ để “thử nghiệm” thị trường này từ năm 2024, bên cạnh 22 thị trường với các điểm chủ lực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông.

“Năm 2024 chúng tôi xuất khẩu vào Mỹ khiêm tốn, chỉ một vài đơn hàng ban đầu để giới thiệu và thử nghiệm phản ứng người tiêu dùng, mức độ đóng góp chỉ khoảng 1-2% trên tổng doanh thu. Năm 2025, theo kế hoạch đặt ra cuối năm trước là chúng tôi muốn xuất 1-2 triệu USD vào Mỹ. Hiện chính sách thuế quan căng thẳng nhưng chúng tôi chưa thay đổi mục tiêu. GC Food đang thuyết phục đối tác để đối tác xúc tiến nhập khẩu hoàn thành các đơn hàng nhanh nhất trong vòng 90 ngày (thời gian được hoãn để đàm phán thuế quan). Cùng với đó, chúng tôi cũng sẽ liên tục cập nhật các thông tin thị trường để xem tình hình tiêu thụ như thế nào”, ông Thứ chia sẻ.

“Vua nha đam” Việt Nam với sản phẩm chủ lực nha đam, thạch dừa, có nhà máy gắn với vùng trồng nguyên liệu lớn nhất về nha đam tập trung tại Ninh Thuận cũng cho biết, nhìn chung, nếu chính sách thuế quan cao được áp cho các thị trường, thì người tiêu dùng đều bị ảnh hưởng. Do các doanh nghiệp có thể cắt giảm lượng hàng hóa xuất đi, người dân giảm việc làm, giảm thu nhập, từ đó giảm tiêu dùng.

“Chúng tôi hy vọng với sản phẩm của GC Food có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nguyên liệu 100% từ Việt Nam, thì có thể được Mỹ xếp vào nhóm ngoại lệ miễn trừ hoặc chỉ áp mức thuế quantừ 0-5% cho nông sản.

Chúng ta phải quen với việc chấp nhận một số loại thuế, nhưng hy vọng đây là sản phẩm không cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất của Mỹ nên sẽ được ưu tiên”, ông Thứ bày tỏ.

Theo Chủ tịch GC Food, để đảm bảo mục tiêu kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025, trong đó doanh thu hướng đến +23,8%, lợi nhuận trước thuế 38,1% so với năm 2024, công ty đã lên chiến lược khai thác thị trường đông dân. Các thị trường như Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ… đông dân đều đã được công ty đăng ký tham dự các hội chợ lớn, xúc tiến thương mại để đẩy mạnh đưa hàng hóa vào trong những tháng tới. Bên cạnh đó, công ty sẽ xây dựng khung quản trị và điều chỉnh theo biến động chứ không “cài đặt” một khung quản trị rủi ro dài hạn trong bối cảnh hiện nay.

huba.jpg
Chủ tịch HUBA cho rằng Việt Nam cần tìm cách thương lượng để có mức thuế phù hợp, không áp mức cao cho tất cả nhóm hàng. Chẳng hạn, thủy sản là ngành cực kỳ thuần Việt, cố gắng kéo mức thuế xuống. Ảnh: Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh,

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA), để chủ động trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp phải liên tục theo dõi các thông tin đàm phán được cơ quan quản lý cập nhật. Trên tinh thần việc áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam của Hoa Kỳ là đều sẽ diễn ra, nhưng chiến lược đàm phán làm sao để đạt được mức thuế phù hợp nhất có thể.

Lãnh đạo HUBA cũng kiến nghị trong thời gian chờ đàm phán với Mỹ, cần có chương trình hỗ trợ lãi suấtcho doanh nghiệp với một số ngành hàng, đồng thời giải quyết vấn đề minh bạch nguồn gốc hàng hóa.

"Rất cần sự chủ động của doanh nghiệp trong chuyển đổi theo hướng sản phẩm theo phân khúc thị trường cao hơn, đặc trưng hơn, để đáp ứng điều này phải chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Muốn làm được vậy cũng phải có đầu tư", ông Hòa nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tìm hướng tăng doanh thu, doanh nghiệp chuẩn bị thích ứng mức thuế nhất định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO