Tập đoàn Aeon của Nhật Bản đang muốn tăng gấp 3 lần số trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2025.
>>AEON thêm thời trang nhanh
Theo Euromonitor, khu vực Đông Nam Á đang có một tiềm năng tăng trưởng kinh tế rất lớn. Trong đó, thị trường chế biến thực phẩm và đồ ăn sẵn tại 6 nền kinh tế hàng đầu của khu vực này dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 60% từ nay đến năm 2026, đạt khoảng 112,7 tỷ USD. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong sáu nước này, đạt gần 90%.
Tại Việt Nam, Aeon đẩy mạnh xây dựng các trung tâm thương mại ở các quận ngoại thành, thay vì các trung tâm thương mại ở thành phố, đồng thời định hình việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho cộng đồng, kết hợp hàng hóa địa phương với các sản phẩm nhập khẩu khác. Trong đó, các trung tâm thương mại sẽ vẫn là một phần không thể thiếu trong tầm nhìn phát triển của tập đoàn này. Đặc biệt, với những kinh nghiệm ở Đông Nam Á và tâm lý tiêu dùng khá cởi mở với hàng Nhật, Aeon đang rất thành công với các trung tâm thương mại trên khắp cả nước.
Tuy nhiên, Aeon sẽ gặp những thách thức đáng kể từ các đối thủ hàng đầu trong khu vực. Trong đó, Central Retail, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan, vừa có kế hoạch chi 30 tỷ Baht (790 triệu USD) để mở rộng gấp đôi quy mô tại Việt Nam, với mạng lưới bán lẻ tăng mạnh từ 340 cửa hàng lên ít nhất hơn 700 cửa hàng vào năm 2026. Bên cạnh đó, Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc, vốn có thế mạnh vận hành các trung tâm mua sắm đô thị lớn, đang lên kế hoạch tập trung vào thị trường Việt Nam sau khi rút khỏi Trung Quốc.
Chưa hết, tại Việt Nam, không chỉ có các “ông lớn” nước ngoài, mà còn có những tập đoàn bán lẻ lớn trong nước, như Masan, BRG Retail, Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh,... cũng đang đầu tư mạnh mẽ để thúc đẩy các chiến lược mở rộng. Do đó, Aeon có thể sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn khi mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm