Du khách đến TP Hạ Long (Quảng Ninh) nhưng không xuống biển mà lên rừng. Đó là một nét độc đáo tại khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng với nét văn hoá độc đáo của người Dao.
>>>Quảng Ninh sắp mở đường bay Hạ Long ra Cô Tô
Không xuống biển mà lên rừng
Theo chị Nguyễn Thị Thu – hướng dẫn viên Công ty tour Liên minh Đông Bắc: Du khách đến thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, ngoài những điểm đến nổi tiếng như vịnh Hạ Long, Yên Tử,... còn 1 nơi khác chờ đón du khách khám phá với nét văn hoá độc đáo của người Dao.
Đó là Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng với diện tích tự nhiên 15.593,8 ha nằm trên địa phận 5 xã bao gồm: Đồng Sơn, Kỳ Thượng, Đồng Lâm, Vũ Oai và Hoà Bình thuộc TP Hạ Long. Nơi đây có 546 loài, thuộc 332 chi của 97 họ các loài cây thân gỗ khác nhau. Đối với nhóm thực vật thân thảo cũng rất phong phú với tổng 617 loài, thuộc 380 chi của 119 họ.
Ở đây còn là môi trường sống của 64 loài thực vật quý hiếm thuộc 52 chi, 38 họ, trong đó, có 43 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam; 31 loài được ghi trong Danh mục sách đỏ của IUCN. Bên cạnh đó, trong Khu bảo tồn với nhiều cây thuốc, trong đó, có nhiều loài cây thuốc quý hiếm, với 428 loài cây thuốc mọc tự nhiên, thuộc 330 chi, 125 họ khác nhau.
Khu bảo tồn hiện có 56 loài thú, trong đó, có 16 nằm trong Sách đỏ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN); 135 loài chim, có 12 loài nằm trong sách đỏ của IUCN; 31 loài bò sát, có 8 loài nằm trong Sách đỏ của IUCN và 22 loài ếch nhái khác. Đặc biệt, nằm trong hệ động vật phong phú, khu bảo tồn có 2 loài đặc hữu là thằn lằn cá sấu và cá cóc Việt Nam.
Được biết, từ cuối năm 2019, con đường mòn vào thôn Khe Lương, xã Kỳ Thượng được bê tông hoá; điện và nước sạch thì đã có từ lâu. Nhờ đó, một số thanh niên trong thôn đã cùng nhau phát triển mô hình du lịch cộng đồng - Am Váp Farm để phục vụ du khách và cũng tạo thêm sinh kế cho bà con trong thôn.
Quy mô của điểm du lịch chỉ rộng tầm 300 m2, với 2 khối nhà sàn lưu trú, có thể phục vụ cho 40 du khách cùng lúc và 1 nhà hàng với các món ăn được chế biến từ chính những nông sản, sản vật của địa phương. Đặc biệt, du khách sẽ có những trải nghiệm ẩm thực theo mùa khi đến với Kỳ Thượng.
Theo lãnh đạo TP Hạ Long: Từ đầu năm 2020, huyện Hoành Bồ và thành phố Hạ Long đã được sáp nhập lại. Nhờ đó, vùng miền múi xa xôi như Kỳ Thượng đang nhận được nhiều sự đầu tư. Thêm nữa tăng tính kết nối Cầu Tình Yêu đã được khánh thành, Cầu Cửa Lục 3 cũng sắp hoàn thành. Sắp tới, đường bê tông từ phường Hoành Bồ (thị trấn Trới trước đây) đến Kỳ Thượng được mở rộng lên 15 m, đồng bào người Dao tại xã Kỳ Thượng và các xã còn lại của Khu bảo tồn thiên nhiên Đông Sơn - Kỳ Thượng sẽ không chỉ có thu nhập từ trồng rừng mà còn từ làm dịch vụ du lịch.
Đánh thức "nàng công chúa" ngủ say
Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng có thể ví như một “lá phổi xanh” của tỉnh Quảng Ninh. Với nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác, khám phá, Khu bảo tồn như một “nàng công chúa” vẫn ngủ say, chờ được đánh thức để khoe ra những nét đẹp của mình.
Theo chị Nguyễn Lan Anh – Du khách Hà Nội: Để đến được những cánh rừng nguyên sinh thuộc khu bảo tồn, chúng tôi phải mất chừng 2 tiếng rưỡi chạy xe dọc lối mòn ôm sát từ chân đến đỉnh núi. Thật kỳ lạ, chỉ mới di chuyển ra khỏi phường Trới – TP Hạ Long, kiểu hình khí hậu, thời tiết hoàn toàn có sự thay đổi, mặc dù tất cả các địa điểm nói trên đều thuộc một địa phương.
Khu bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng mang trên mình những giá trị đặc biệt trong bảo vệ môi trường sinh thái, phục vụ giáo dục, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, cung cấp lâm sản, nguồn dược liệu quý... và là nơi lưu giữ, bảo tồn các nguồn gen quý, mẫu chuẩn hệ sinh thái có giá trị trong nước cũng như trên thế giới.
Theo chị Lan Anh, trải nghiệm nơi đây là một khung cảnh hùng vĩ xuất hiện, trung tâm TP Hạ Long thơ mộng với chiếc cầu Bãi Cháy, nhiều tòa nhà cao tầng ẩn nấp sau những lớp sương mờ từ từ tan ra. Khung cảnh hữu tình giữa non núi và biển cả tạo nên một phong cảnh hữu tình yên bình.
Được biết, với những giá trị đặc biệt của mình, Khu bảo tồn đã và đang mang lại lợi ích không chỉ cho cộng đồng dân cư trong khu vực, mà còn có giá trị to lớn trong bảo vệ môi trường sinh thái, phục vụ giáo dục, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, cung cấp lâm sản, nguồn dược liệu quý... Khu bảo tồn cũng là nơi lưu giữ, bảo tồn các nguồn gen quý, mẫu chuẩn hệ sinh thái có giá trị trong nước cũng như trên thế giới.
Bên cạnh giá trị đa dạng sinh học, một giá trị nữa cũng rất đặc sắc của Khu bảo tồn chính là giá trị cảnh quan. Trong Khu bảo tồn, các cánh rừng tự nhiên được đan xen bởi hàng trăm con suối, thác nước lớn nhỏ, tạo thành bức tranh sơn thủy hữu tình. Đi bộ dưới tán rừng, lội suối, băng thác, vượt đèo, chinh phục “nóc nhà” của Khu bảo tồn - đỉnh Thiên Sơn, nằm ở độ cao 1.096m so với mực nước biển cùng nhiều đỉnh núi cao mây phủ khác như Khe Ru, Đèo Kinh, Đồng Trà, Am Váp... là hành trình đầy ấn tượng.
Dù vẫn đang “ngủ vùi” ở dạng tiềm năng, nhưng trong tương lai, nếu được quy hoạch, khai thác theo hướng du lịch trải nghiệm mạo hiểm, chắc chắn những giá trị đặc biệt về cảnh quan thiên nhiên của Khu bảo tồn sẽ phát huy được tối đa, còn công tác giữ gìn, bảo tồn cũng được duy trì, đảm bảo tốt...
Theo ông Vũ Văn Mỳ - Giám đốc Khu bảo tồn, hiện nay, việc quản lý Khu bảo tồn mới chỉ dừng lại ở việc giữ gìn, bảo vệ nguyên trạng, còn vô vàn tiềm năng, lợi thế gần như vẫn “ngủ say”, chưa được khai thác hoặc chưa tìm ra hướng để khai thác hợp lý.
Ban Quản lý Khu bảo tồn hiện đã xây dựng báo cáo thực trạng và giải pháp quản lý, quy hoạch, phát triển bền vững Khu bảo tồn. Trong tương lai, để “nàng công chúa” này thức giấc, khoe ra những nét đẹp của mình, rất cần đến những chính sách lớn từ phía tỉnh và sự chung tay hợp tác, vào cuộc tích cực của các tổ chức, đơn vị, cá nhân.
Có thể bạn quan tâm