Trao quyền chủ động cho ngân hàng thương mại, rộng cửa vốn vay

PHẠM XUÂN HOÈ, Nguyên Phó viện trưởng viện Chiến lược, NHNN 18/04/2023 05:30

NHNN nên trao quyền chủ động cho các ngân hàng thương mại để họ đánh giá, phân tích, xem xét các doanh nghiệp khách hàng của mình nhằm rộng cửa cho vay vốn.

>>Độ trễ của hạ lãi suất cho vay là bao lâu?

Nền kinh tế vẫn “khan” tiền

Từ năm 2021-2023, sau giai đoạn Covid-19, các doanh nghiệp đã rất khó khăn bởi vì họ phải huy động hết nguồn lực để chống đỡ trong thời kỳ đại dịch. Với các gói hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, thì chỉ những gói giãn, hoãn mới thực hiện nhanh, còn hỗ trợ lãi suất, miễn thuế luôn rất khó, nên sức khỏe doanh nghiệp không hồi phục.

NHNN hạ lãi suất điều hành thì tiền phải được bơm ra, nếu tiền không bơm từ ngân hàng trung ương sẽ không có tiền cho nền kinh tế tăng lên

NHNN hạ lãi suất điều hành thì tiền phải được bơm ra, nếu tiền không bơm từ ngân hàng trung ương sẽ không có tiền cho nền kinh tế tăng lên

Nếu trên quan điểm về mặt chính sách, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn cho rằng không hạ chuẩn tín dụng, không xem xét vào những tình thế cụ thể, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn. Những doanh nghiệp đủ sức tiếp cận vốn, thì nguồn lực tài chính của họ đã khá tốt, đòn bẩy tài chính sử dụng ít hoặc họ đảo nợ tốt... Cũng không loại trừ trường hợp trái phiếu những giai đoạn trước phát hành thắng lợi, đã đảo nợ ngân hàng rồi và bây giờ rủi ro chuyển sang cho doanh nghiệp.

Từ năm 2022, chúng tôi đã nhận định rất rõ rằng, nền kinh tế Việt Nam luôn trong tình trạng “khan” tiền. Đến cuối năm 2022, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng trên 6% và tín dụng tăng 14,5%, như vậy dòng tiền đã bị chảy ra bên ngoài.

Mặc dù NHNN có động thái hai lần hạ lãi suất điều hành, cho thấy một thông điệp về việc phải hạ lãi suất của thị trường khiến mọi người tin rằng có một chút nới lỏng tiền tệ. Nhưng ở góc độ chuyên môn, những tín hiệu đó là tốt song chưa hẳn đã là như vậy. Bởi NHNN hạ lãi suất điều hành thì tiền phải được bơm ra, nếu tiền không bơm từ ngân hàng trung ương sẽ không có tiền cho nền kinh tế tăng lên, các ngân hàng thương mại chỉ huy động được ở một mức rất thấp. Ba tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế chưa đầy 1% cộng với tín dụng chỉ tăng hơn 2%, chứng tỏ nền kinh tế vẫn rất thiếu tiền.

NHNN có thể bơm tiền ra mua 4 tỷ USD ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, nhưng lại dùng biện pháp trung hòa để hút tiền về thì tiền sẽ không nằm trong nền kinh tế. 

Tôi cho rằng, chắc chắn dòng tiền cũng như khó khăn về vốn đối với doanh nghiệp vẫn còn đang treo lơ lửng, đặc biệt cho dù lãi suất huy động đã giảm xuống từ 0,1 - 0,5% thì với mặt bằng lãi suất hiện nay, không có một doanh nghiệp nào có thể có mức lợi nhuận hợp lý.

Trong nhiều kiến nghị của mình, tôi đã nhiều lần đề cập về việc ngân hàng trung ương các nước không quy định cụ thể các điều kiện về cho vay. Tất cả những gì cấm đều đã quy định trong luật, còn quyền cho vay là do ngân hàng, tuỳ vào khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng. Chính vì vậy, NHNN nên trao quyền chủ động cho hội đồng quản trị các ngân hàng thương mại để họ đánh giá, phân tích, xem xét các doanh nghiệp khách hàng của mình.

>>Cấp tập hạ lãi suất cho mục tiêu tăng trưởng GDP

Kiến nghị giải pháp

Trong thời gian qua, tôi đã nhiều lần đưa ra đề xuất liên quan đến chính sách và các gói hỗ trợ. Cụ thể như: Thứ nhất, chuyển 20.000 tỷ đồng sang làm quỹ bảo lãnh tín dụng ở tầm cỡ Trung ương và xuyên suốt gộp 26 quỹ địa phương lại (26 quỹ này đang nắm giữ 1.568 tỷ đồng). Như vậy có thể bảo lãnh cho các doanh nghiệp SME và các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn bằng tín chấp.

NHNN nên trao quyền chủ động cho hội đồng quản trị các ngân hàng thương mại để họ đánh giá, phân tích, xem xét các doanh nghiệp khách hàng của mình

NHNN nên trao quyền chủ động cho hội đồng quản trị các ngân hàng thương mại để họ đánh giá, phân tích, xem xét các doanh nghiệp khách hàng của mình

Thứ hai, với 20.000 tỷ đồng còn lại, thì có thể cấp bù hoặc san sẻ sang các khoản thuế và tiền thuê đất, giảm luôn cho doanh nghiệp. Hoặc chuyển số tiền này tới câu chuyện dài hơi hơn là đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam về công nghiệp phụ trợ. Nghĩa là có thể chuyển ủy thác cho các ngân hàng thương mại, công ty cho thuê tài chính mua các máy móc, thiết bị, dây chuyền đạt chuẩn của Nhật Bản hoặc Hàn Quốc về làm trong nước.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến trong nông nghiệp để tạo ra cú hích cho nền kinh tế Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, cả thế giới đang chìm trong câu chuyện khó khăn và có dự báo sẽ khủng hoảng, suy thoái. Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng đó trong bối cảnh chúng ta mở cửa và hội nhập sâu rộng, nên cần thiết phải phát huy nội lực của mình.

Cả quý 1 vừa qua, giải ngân đầu tư công của Việt Nam rất thấp, chỉ hơn 13%. Do đó, động lực phải đến từ ngân sách hơn 900.000 tỷ đồng, nằm ở ngân hàng trung ương được bơm ra thị trường thì dòng tiền mới thông thoát. Tuy nhiên mọi thủ tục, rào cản vẫn làm cho câu chuyện đầu tư công không giải ngân được, thì cũng chưa có cơ hội để thắp sáng nền kinh tế.

Thứ ba, khi Trung Quốc mở cửa sẽ rất tốt cho Việt Nam trong việc xuất khẩu nông sản và thu hút du lịch. Các hàng hóa nông sản của Việt Nam chính là một cực tăng trưởng lớn mà chúng ta cần cải tiến rất nhanh. Từ cách đây 10 năm, qua khảo sát của tôi, các đầu mối doanh nghiệp Trung Quốc cho biết họ đã bắt đầu chuẩn hóa truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, nên làm phải bài bản, căn cơ, chứ không thể dùng biện pháp “chữa cháy” như thời gian vừa qua mà không đạt được kỳ vọng dài hạn.

Thứ tư, hệ thống pháp luật của Việt Nam phải được minh bạch, ổn định, không nên liên tục sửa đổi. Thủ tướng Chính phủ đã nói rất nhiều lần về việc không được có chính sách sách giật cục, nhưng hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn rơi vào tình trạng này, khiến doanh nghiệp không có tư duy về việc làm ăn dài hạn hay có chiến lược dài hạn.

Thực tế tâm lý chờ đợi của doanh nghiệp sẽ mang đến ảnh hưởng về kinh tế vĩ mô rất lớn. Trước mắt, các doanh nghiệp không có kỳ vọng gì về tăng trưởng trong nay mai sẽ dẫn tới việc hạn chế vay ngân hàng và nợ xấu sẽ “ục” ra, cộng thêm với các khó khăn khác của nền kinh tế. Tôi nghĩ rằng, có cơ chế sáng tạo và đổi mới về mặt chính sách, thì có thể Việt Nam sẽ sớm đi qua khó khăn của thế giới.

Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục Chính phủ kiến tạo để doanh nghiệp phát triển. Chắc chắn Việt Nam có thể vươn lên được nếu chúng ta quyết liệt và đổi mới hơn nữa về mặt chính sách.

Có thể bạn quan tâm

  • Độ trễ của hạ lãi suất cho vay là bao lâu?

    05:00, 13/04/2023

  • NHNN hạ lãi suất, kỳ vọng cắt giảm thêm 50 điểm cơ bản trong quý II

    12:15, 01/04/2023

  • Hạ lãi suất và sự kiện SVB có đảo ngược chính sách tiền tệ chống lạm phát?

    05:24, 19/03/2023

  • Cấp tập hạ lãi suất cho mục tiêu tăng trưởng GDP

    05:30, 16/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trao quyền chủ động cho ngân hàng thương mại, rộng cửa vốn vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO