Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết trẻ mắc COVID-19 cũng có thể gặp các biến chứng hậu COVID-19. Các di chứng như chứng giảm tập trung, viêm đa cơ quan... đã được ghi nhận ở nhiều nơi.
Tại Hà Nội, hiện mỗi ngày có hàng chục ca mắc COVID-19 là trẻ em đến tư vấn tại Bệnh viện Nhi trung ương.
So với tỉ lệ tử vong chung (1,6%), tỉ lệ trẻ em mắc COVID-19 tử vong hoặc có biến chứng nặng thấp hơn nhiều lần. Tuy nhiên trả lời báo chí mới đây, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Phan Trọng Lân cho biết trẻ mắc COVID-19 cũng có thể gặp các biến chứng hậu COVID-19.
Ông Lân cho biết thực tế trẻ từ 5 - 12 tuổi mắc COVID-19 cũng ít triệu chứng và triệu chứng nhẹ hơn so với bệnh nhân là người trưởng thành.
"Tuy nhiên khi mắc COVID-19 ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể gặp các biểu hiệu "hậu COVID-19". Người ta gọi đây là các di chứng cấp tính sau mắc COVID-19, như viêm đa hệ ở trẻ em (viêm da, viêm khớp), giảm mức độ tập trung...", ông Lân nói.
Theo ông Lân, với chủng biến thể Omicron, qua theo dõi cho thấy lây nhiễm nhiều hơn ở trẻ em, đặc biệt là trẻ chưa được tiêm chủng.
Chính phủ đã có nghị quyết mua 21,9 triệu liều vaccine Pfizer để tiêm ngừa COVID-19 cho trên 10 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12.
Ông Lân cho rằng, việc tiêm chủng có 2 ý nghĩa, vừa giảm lây nhiễm cho các cháu, vừa giảm lây nhiễm cho những người trong gia đình, từ đó bảo vệ cho những người nguy cơ cao như người chưa đến tuổi tiêm chủng, người có chống chỉ định với tiêm chủng, người chưa tiêm vaccine...
"Việc hoàn thành tiêm chủng cũng giúp trẻ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác, như đi học trực tiếp hay tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời", ông Lân nói thêm.
Cho đến nay đã có 44 quốc gia/vùng lãnh thổ triển khai tiêm chủng cho trẻ lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo ông Nguyễn Thanh Long - bộ trưởng Bộ Y tế, trong số này có quốc gia/vùng lãnh thổ tiêm cho toàn bộ trẻ em trong độ tuổi, có quốc gia tiêm cho trẻ có nguy cơ cao gặp biến chứng nếu mắc COVID-19.
Theo tạp chí Today's Parent của Cananda, khi COVID-19 bắt đầu xuất hiện trên toàn cầu, các phụ huynh thấy yên tâm khi nhiều nghiên cứu cho rằng hầu hết trẻ em mắc bệnh nhẹ hơn người lớn.
Tuy nhiên, điều cũng trở nên rõ ràng hơn đến nay là nhiều trẻ em tiếp tục mắc các triệu chứng suy nhược có thể kéo dài hàng tháng.
Theo Danilo Buonsenso, bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Đại học Gemelli ở Rome (Italy), người đã xuất bản một số bài báo về di chứng COVID-19 kéo dài ở trẻ em, 1 - 4% trẻ em mắc COVID-19 có thể có các triệu chứng kéo dài hơn sáu tháng.
Susie Goulding, Giám đốc nhóm hỗ trợ Long Covid Kids Canada, cho biết hơn 200 gia đình trên khắp Canada đã liên hệ với nhóm này để được hỗ trợ kể từ khi đại dịch bắt đầu và con số này ngày càng tăng lên.
Cho đến nay, dường như hầu hết trẻ em phát triển di chứng sau khi khỏi COVID-19 đều bị nhiễm trùng ban đầu. Theo hai nghiên cứu được công bố có sự tham gia của bác sĩ Buonsenso, hơn 95% trẻ em có các triệu chứng dai dẳng đã không phải nhập viện khi mắc bệnh. Khoảng 3/4 số người bị nhiễm ban đầu có các triệu chứng nhẹ đến trung bình như sốt, đau họng, ho hoặc khó thở, có thể được điều trị tại nhà. Tùy thuộc vào nghiên cứu, 12-25% trẻ không có triệu chứng.
"Tất cả trẻ em được khám tại phòng khám của chúng tôi cho đến nay đều bị nhiễm trùng ban đầu nhẹ. Trong số 22 trẻ em đến phòng khám, hầu hết có triệu chứng giống cúm như ho có đờm, đau đầu, khó thở và sốt", Thanh Diem Nguyen, bác sĩ chuyên khoa hô hấp nhi tại Phòng khám Hậu COVID-19 tại Bệnh viện Ste Justine ở Montreal, cho biết.
Một số trẻ em tiếp tục triệu chứng ngay từ khi mắc bệnh, trong khi những trẻ khỏe hơn. Sau vài tuần, một loạt di chứng về thể chất hoặc thần kinh xuất hiện.
Theo thông tin được các thành viên của nhóm hỗ trợ Long Covid Kids Canada báo cáo, các triệu chứng của trẻ em là mệt mỏi, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, trào ngược, buồn nôn và nôn, đau khớp và cơ, sương mù não hoặc chóng mặt, phát ban, thay đổi tâm trạng và đau ngực.
Các triệu chứng khác được báo cáo bao gồm sốt, khó thở, cảm thấy yếu hoặc khó chịu sau khi gắng sức, giảm cân, nhịp tim bất thường, co giật, rụng tóc, đau tinh hoàn, bầm tím, ảo giác, tăng huyết áp nội sọ, rối loạn thân nhiệt, đau hoặc chảy máu nướu răng, các vết phồng rộp ở miệng hoặc loét, thay đổi thị lực.
Các chuyên gia nhận định bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể bị ảnh hưởng. Các nhà khoa học cũng chưa rõ liệu các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc di chứng sau COVID-19 ở trẻ hay không.
Theo India Times, trong số trẻ em được khảo sát ở Anh, 13% trường hợp 2-11 tuổi, 14,5% trẻ em 12-16 tuổi và 17% thanh niên tiếp tục biểu hiện các triệu chứng giống COVID-19 cho đến 5 tuần sau khi xét nghiệm âm tính.
Đối với những trẻ em có thể phải nhập viện vì COVID-19, nỗi lo về các di chứng kéo dài còn tăng lên. Các chuyên gia cũng lo ngại rằng một số triệu chứng kéo dài đối với trẻ em, có thể ảnh hưởng cuộc sống hàng ngày và sức khỏe lâu dài.
Có thể bạn quan tâm
21:56, 10/02/2022
20:15, 18/01/2022
22:28, 06/02/2022
18:40, 28/01/2022