Trung Quốc gần như qua mặt Mỹ trong cuộc đua AI

Nguyễn Long 01/02/2019 04:30

Trong công bố của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Trung Quốc và Mỹ hiện là hai nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo.

Trung Quốc và Mỹ đang đứng đầu thế giới về nghiên cứu AI.

Trung Quốc và Mỹ đang đứng đầu thế giới về nghiên cứu AI.

Theo WIPO, gã khổng lồ công nghệ Mỹ IBM là công ty có nhiều bằng sáng chế về AI nhất hiện nay với 8.920 bằng. Tiếp theo đó là Microsoft với 5.930 bằng sáng chế và các tập đoàn công nghệ Nhật Bản có số bằng sáng chế về AI nhiều thứ 3.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại đang dẫn đầu thế giới trong việc cấp bằng sáng chế AI. Theo đó, Trung Quốc đang chiếm 17 trong số 20 tổ chức học thuật hàng đầu liên quan đến việc cấp bằng sáng chế AI và đặc biệt mạnh cũng như phát triển nhanh trong lĩnh vực "học sâu" (deep learning) - một kỹ thuật học của máy móc bao gồm các hệ thống nhận dạng giọng nói.

Phát biểu họp báo, Tổng giám đốc WIPO Francis Gurry nhấn mạnh: "Mỹ và Trung Quốc rõ ràng đã giành lấy sự thống trị. Hai cường quốc đang dẫn đầu về lĩnh vực này, xét về số lượng các ứng dụng và về các ẩn bản khoa học".

Ông Gurry thừa nhận Trung Quốc đã chiếm lĩnh hệ thống sở hữu trí tuệ toàn cầu, với việc sở hữu văn phòng sáng chế và số lượng các ứng dụng sáng chế trong nước lớn nhất thế giới. Ông Gurry nhấn mạnh: "Họ (Trung Quốc) là những người chơi nghiêm túc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo".

Công bố của WIPO không quá bất ngờ. Bởi từ năm 2016, một báo cáo từ Nhà Trắng đã nhấn mạnh rằng, hiện tại Trung Quốc đang xuất bản nhiều bài báo trên tạp chí về kỹ thuật học sâu hơn cả Mỹ, trong khi các đơn xin cấp bằng sáng chế liên quan đến AI của các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tăng 200% trong những năm gần đây.

Nghiên cứu của WIPO cũng nhận thấy một thực tế là số hồ sơ đăng ký bằng sáng chế AI từ năm 2013 nhiều tương đương số hồ sơ trong một nửa thế kỷ qua kể từ khi khái niệm này xuất hiện trong những năm 50 của thế kỷ trước. Số đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực máy học, bao gồm các công nghệ sử dụng trong dịch vụ xe chung nhằm giảm tắc đường, đã tăng trưởng trung bình 28%/năm từ năm 2013 -2016. Đa số sự tăng trưởng này đến từ công nghệ học sâu, vượt qua công nghệ robot, với 2.399 đăng ký bằng sáng chế trong năm 2016 so với mức 118 đăng ký sáng chế của năm 2013. Ứng dụng AI đơn lẻ nổi tiếng nhất là thị giác máy tính, sử dụng trong các xe tự lái.

Trong năm 2018, Trung Quốc đã làm chấn động giới khoa học công nghệ thế giới khi lần đầu tiên đưa một người dẫn chương trình là AI lên sóng truyền hình. Mặc dù, thành tựu này được nhiều nhà khoa học đánh giá không thực sự là một AI, bởi nó chỉ đơn giản đọc lại một bản tin đã soạn thảo trước.

Quốc gia đông dân nhất thế giới đang tỏ rõ tham vọng đến năm 2030 sẻ trở thành quốc gia dẫn thế giới về khoa học AI. Họ đã đưa ra một lộ trình rõ ràng cho tham vọng này. Mục tiêu gồm 3 bước: Đầu tiên là rút ngắn khoảng cách trong việc dẫn đầu công nghệ và ứng dụng AI nói chung vào năm 2020; sau đó sẽ có những thành công lớn vào 2025, và trở thành người dẫn đầu thế giới trong 5 năm sau.

Anthony Mullen, giám đốc nghiên cứu của hãng phân tích Gartner, cho biết Trung Quốc đang có mọi yếu tố cần thiết để đi trước trong cuộc đua này. Chúng bao gồm: nguồn tài trợ từ chính phủ, lượng dân số khổng lồ, cộng đồng nghiên cứu sôi nổi, và một xã hội dường như luôn ưa chuộng các thay đổi công nghệ. Tất cả những điều này đang đặt ra một câu hỏi hàng nghìn tỷ USD: trong cuộc đua AI đang diễn ra, liệu Trung Quốc có thể đánh bại Mỹ?. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc gần như qua mặt Mỹ trong cuộc đua AI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO