Đó là khẳng định của Phó Giám đốc VCCI HCM Nguyễn Hữu Nam tại Hội nghị "Cập nhật các quy định mới; Giải đáp và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu".
>>>Giải pháp truy xuất nguồn gốc và ứng dụng hỗ trợ bán hàng trên nền tảng số
Hội nghị do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP HCM (VCCI HCM) phối hợp với Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai và ICD Tân Cảng cùng Công ty CP Công nghệ Chống giả Việt Nam (ACTIV) phối hợp thực hiện.
Hội nghị có sự tham dự của các đại biểu đại diện lãnh đạo Cục Thuế, lãnh đạo Cục Hải quan... Các đại diện cơ quan ban ngành phổ cập đến doanh nghiệp về chính sách và thủ tục hành chính mới của thuế và hải quan. Theo đó, cung cấp thông tin chi tiết về các quy định mới, giải đáp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP.HCM (VCCI HCM) cho biết, nền kinh tế của Việt Nam hiện đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Mục tiêu lớn nhất của Việt Nam là trở thành nền kinh tế phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Để thực hiện mục tiêu này, theo ông Nam tính đến nay, Việt Nam đã ký kết 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó, đang thực hiện 15 Hiệp định. Tổng số các quốc gia trong 15 Hiệp định này là 54 quốc gia, chiếm gần 60% dân số của thế giới và chiếm 62% GDP của thế giới.
“Như vậy, cơ hội mà chúng ta có thể nhìn thấy ngay là các doanh nghiệp có thể tiếp cận với hơn 60% dân số thế giới. Khi tiếp cận được với các thị trường này, chúng ta sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Để thực hiện được các ưu đãi này, rất nhiều cơ quan của Việt Nam, trong đó có cơ quan Hải quan, cơ quan Thuế…là những đơn vị luôn đồng hành và sát cánh cùng các doanh nghiệp để làm thế nào định hướng cho các doanh nghiệp tuân thủ các quy định, các cam kết của quốc tế”, ông Nguyễn Hữu Nam chia sẻ.
Mục tiêu thứ hai mà Việt Nam đang hướng tới đó là mục tiêu Net zezo vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại COP26. Theo ông Nam, mục tiêu này cũng đang rất gần, chỉ còn 26 năm. Ông cho rằng, Net zezo là một phần rất quan trọng trong phát triển bền vững, và việc phát triển bền vững thì không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp.
Nói sâu hơn về phát triển bền vững, ông Nam cho rằng, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm hàng hóa đóng một vai trò rất quan trọng. Làm thế nào để có thể thâm nhập được vào các thị trường quốc tế, đảm bảo được hàng hóa đó đáp ứng được các yêu cầu của Việt Nam cũng như của quốc tế và làm thế nào để đảm bảo được người tiêu dùng có thể yên tâm về mức độ an toàn của các sản phẩm hàng hóa này…thì giải pháp để truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm này là đặc biệt quan trọng.
“Chúng ta có thể cung cấp các sản phẩm ra thị trường thế giới với chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ trong thời điểm hiện nay, khi cả thế giới đã thay đổi đễ làm thế nào tất cả các sản phẩm khi cung cấp ra thị trường mang tính chất nhân văn, có trách nhiệm với xã hội. Quy định IUU của châu Âu là một ví dụ điển hình đối với ngành thủy sản của Việt Nam về vấn đề truy xuất nguồn gốc”, ông Nguyễn Hữu Nam chia sẻ thêm.
Đồng thời, ông cũng cho rằng, để thực hiện được vấn đề này, cơ quan Thuế và cơ quan Hải quan đóng một vai trò rất quan trọng. Do đó, ông mong muốn hội nghị hôm nay sẽ mang đến những thông tin bổ ích, kịp thời để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đáp ứng được các yêu cầu, các quy định của Việt Nam cũng như của quốc tế để hàng hóa của Việt Nam khi tiêu thụ trên thị trường đảm bảo được yêu cầu trong mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Phạm Văn Thọ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Chống giả Việt Nam (ACTIV) cho biết, giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa TrueData là một giải pháp công nghệ tiên tiến, đáp ứng và thỏa mãn đầy đủ 10 tiêu chí quy định tại Thông tư 02/2024/TT-BKHCN, có hiệu lực từ 1/6/2024, đó là bộ tiêu chí bắt buộc của sản phẩm hàng hóa khi tham gia lưu thông trên thị trường.
“TrueData sẽ giúp tăng cường sự tin tưởng của người tiêu dùng và mở ra cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu rộng lớn. ACTIV cam kết tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc áp dụng công nghệ chống giả và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và an toàn”, ông Thọ khẳng định.
Tại Hội nghị, đại diện Phòng Pháp chế VCCI HCM và Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Đồng Nai cũng đã cập nhật các quy định mới về truy xuất nguồn gốc hàng hóa và giới thiệu các lưu ý quan trọng cho doanh nghiệp. Truy xuất nguồn gốc hàng hóa đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Giải pháp truy xuất nguồn gốc và ứng dụng hỗ trợ bán hàng trên nền tảng số
09:42, 30/05/2024
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm thúc đẩy bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp
14:41, 24/04/2024
Thúc đẩy xuất khẩu bền vững – Cần tăng cường ứng dụng truy xuất nguồn gốc
04:00, 19/03/2024
Dự thảo Thông tư về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa - Nguy cơ chồng chéo
02:50, 07/10/2023
Sức ép truy xuất nguồn gốc nguyên liệu với doanh nghiệp dệt may
04:00, 04/05/2023