Chuyên đề

Vai trò của vàng trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện

Andrew Naylor - Hội đồng Vàng Thế giới (*) 05/11/2024 03:58

Tăng cường tài chính toàn diện đã trở thành mục tiêu chính sách quan trọng đối với các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế trên toàn thế giới.

Andrew Naylor5
Ông Andrew Naylor

Tài chính toàn diện thường được định nghĩa là việc cho phép mọi người tiếp cận các sản phẩm tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm và hệ thống thanh toán. Việc tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức rất quan trọng vì an ninh tài chính là chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - khi các cá nhân và hộ gia đình có tài chính ổn định, họ có nhiều khả năng đầu tư hoặc khởi nghiệp, từ đó hỗ trợ phát triển kinh tế hơn nữa.

Tài chính toàn diện - tăng tốc

Trên thế giới, các sáng kiến hỗ trợ thúc đẩy tài chính toàn diện đang nhanh chóng được áp dụng. Một phần của sáng kiến này là cung cấp một loạt các sản phẩm tài chính sáng tạo. Tại nhiều thị trường bao gồm Trung Quốc, Singapore, UAE và Malaysia, các ngân hàng bán lẻ đang cung cấp các tài khoản đầu tư vàng, khai thác sự hấp dẫn tự nhiên và gắn kết về mặt văn hóa đối với vàng. Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ là 'ví dụ điển hình' với nhiều các sản phẩm dựa trên vàng hiện được các ngân hàng bán lẻ cung cấp bao gồm các tài khoản đầu tư, chương trình mua lại, trái phiếu vàng và séc vàng, cùng nhiều sản phẩm khác.

Tài chính toàn diện không chỉ là về khả năng tiếp cận mà còn là về sự hấp dẫn. Các sản phẩm được cung cấp phải thu hút người tiêu dùng vào hệ thống ngân hàng. Giáo sư Arvind Sahay, cựu chủ tịch của Trung tâm Chính sách Vàng Ấn Độ (IGPC) nói “Chúng ta đang ở một điểm uốn thú vị khi vàng kỹ thuật số cũng sẽ trở thành một phần của quá trình này. Vàng sẽ bổ sung thêm một chiều hướng cho tài chính toàn diện mà không có trong bộ công cụ tài chính hiện tại.”

gold.jpg

Vàng có thể phá vỡ rào cản tiếp cận tài chính toàn diện không?
Khi khả năng tiếp cận tài khoản ngân hàng thấp, vàng có thể và thường lấp đầy khoảng trống này. Điều này đặc biệt đúng đối với các cộng đồng không được phục vụ đầy đủ và bị thiệt thòi, bao gồm phụ nữ, người dân nông thôn và người lao động có thu nhập thấp.

Các rào cản đối với tài chính toàn diện bao gồm việc thiếu khả năng tiếp cận do những khó khăn về cơ sở hạ tầng, và sự thiếu niềm tin vào hệ thống ngân hàng chính thức. Đề xuất giá trị rất rõ ràng: Nếu các ngân hàng cung cấp các sản phẩm vàng, người tiêu dùng có nhiều khả năng tham gia vào hệ thống ngân hàng hơn, từ đó mở rộng tài chính toàn diện. Việc này cũng có thể mang lại kết quả tốt hơn cho người tiêu dùng vàng – các ngân hàng là các thực thể được quản lý và thường có khả năng tận dụng các quy mô kinh tế tốt hơn, từ đó hiệu quả có thể được chuyển giao cho người tiêu dùng cuối.

Tuy nhiên, đây không chỉ là việc bán vàng mà còn là việc sử dụng vàng. Tiềm năng của vàng như một tài sản thế chấp đã được đề xuất ở nhiều quốc gia trong một thời gian. Việc cho phép các ngân hàng chấp nhận gửi tiết kiệm vàng có khả năng đưa những người trước đây chưa từng sử dụng dịch vụ ngân hàng vào nền kinh tế chính thức, giúp họ tích lũy tiền tiết kiệm và xin vay vốn cũng như các dịch vụ tài chính khác. Đây là một mô hình có thể được áp dụng ở nhiều thị trường, bao gồm cả các quốc gia ASEAN có thu nhập thấp, nhưng là khu vực có mức tiêu thụ vàng đáng kể.

bidv-6262-5444.jpg

Vàng trong khu vực ASEAN

Từ lâu, vàng đã có chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế ASEAN. Năm 2023, nghiên cứu Xu hướng Nhu cầu vàng của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy hơn 170 tấn vàng đã được tiêu thụ trong khu vực ASEAN. Giáo sư Sahay, cựu chủ tịch của IGPC cho biết: "Vàng có ý nghĩa văn hóa sâu sắc ở khắp ASEAN". Mọi người mua vàng như một tài sản lưu trữ giá trị, như đồ trang sức và là một hình thức truyền lại của cải từ thế hệ này sang thế hệ khác."

Khu vực ASEAN không chỉ là nơi tiêu thụ vàng số lượng lớn. Indonesia và Philippines là quốc gia có các hoạt động khai thác vàng sôi động, Singapore là trung tâm giao dịch và tinh chế lớn, và đồ trang sức chế tác ở Thái Lan và Indonesia được đánh giá cao trên toàn thế giới vì sự tinh xảo, thiết kế sáng tạo và có giá trị.

Tại Việt Nam – quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất ASEAN – có nhiều yếu tố thúc đẩy nhu cầu vàng. Nghiên cứu người tiêu dùng của Hội đồng Vàng Thế giới (được công bố năm 2021) cho thấy 81% người Việt Nam coi vàng là biện pháp bảo vệ trước sự bất ổn về chính trị và kinh tế. Một tỷ lệ tương tự người được khảo sát cho rằng vàng mang lại sự an toàn về tài chính trong dài hạn và phần lớn những người được khảo sát tin tưởng vàng hơn tiền pháp định. Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam cho biết “Vàng miếng và vàng nhẫn là những công cụ tiết kiệm được ưa chuộng nhất vì chúng có tính thanh khoản rất cao, hoặc được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay vốn từ ngân hàng và các tổ chức tài chính khác”.

Kết luận

Vàng đáp ứng cả nhu cầu về tài chính và văn hóa. Là một cách lưu trữ giá trị dài hạn, một tài sản dễ mua và dễ bán, và một tài sản có thể bảo vệ chống lại rủi ro và bất ổn, mang lại cho người tiêu dùng sự an toàn về tài chính. Vàng có thể trực tiếp và gián tiếp giúp đạt được mục tiêu chính sách công là tối đa hóa tài chính toàn diện. Cụ thể, Tiếp cận các sản phẩm tiết kiệm: Vàng có thể là tài sản lưu trữ dài hạn, bảo vệ tài sản, có thể dễ dàng mua và bán. Tiếp cận tín dụng: Vàng có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay nhỏ hoặc của doanh nghiệp. Ví dụ, tại Indonesia, một mạng lưới các tiệm cầm đồ vàng do nhà nước sở hữu cung cấp tín dụng cho các cá nhân trên khắp cả nước. Tiếp cận hệ thống thanh toán: Vàng đặc biệt là ở dạng kỹ thuật số, được sử dụng cho thanh toán ngang hàng (P2P). Tiếp cận bảo hiểm: Vàng là một yếu tố chiến lược của các danh mục đầu tư và có thể giúp tối đa hóa lợi nhuận được điều chỉnh theo rủi ro, bao gồm cả các quỹ hưu trí và bảo hiểm. Ở cấp độ cá nhân, vàng đã được sử dụng để trang trải các hóa đơn y tế đột xuất trong đại dịch COVID ở Thái Lan.

Vàng được nhiều người tin tưởng và hiểu rõ. Trong nghiên cứu về thị trường bán lẻ toàn cầu của WGC, 61% người tiêu dùng ở các quốc gia mà tổ chức thực hiện nghiên cứu tin tưởng vàng hơn tiền. 65% tin rằng vàng sẽ không bao giờ mất giá trị trong dài hạn, và 67% coi vàng là một biện pháp bảo vệ tốt chống lại lạm phát và biến động tiền tệ. Bằng cách cung cấp các sản phẩm vàng, các ngân hàng bán lẻ có thể mở rộng sức hấp dẫn của mình. Các ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận ra điều này từ lâu, và vàng đã đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo người tiêu dùng vẫn sử dụng dịch vụ ngân hàng chính thức. Vàng có thể mang lại cơ hội sản phẩm và thương mại mới, đồng thời có thể giúp củng cố mối quan hệ giữa ngân hàng và người tiêu dùng.

Ngoài các cơ hội thương mại mà vàng có thể mang lại, vàng còn có thể giúp cải thiện hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng trung ương từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng của vàng như một yếu tố ổn định hệ thống tiền tệ. Là một tài sản lưu động dễ dàng giao dịch, vàng có thể củng cố bảng cân đối tài sản của các ngân hàng, từ đó tăng cường sức hấp dẫn và sức hút của hệ thống ngân hàng.

(*) Ông Andrew Naylor - Giám đốc điều hành khu vực Trung Đông và Chính sách Công tại Hội đồng Vàng Thế giới. Ông gia nhập Hội đồng Vàng Thế giới vào năm 2016. Đến năm 2020, ông nhận trọng trách điều hành văn phòng khu vực của WGC tại Singapore. Năm 2023, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành khu vực Trung Đông. Với tư cách là thành viên ban đầu của nhóm chính sách công và ngân hàng trung ương, Andrew chịu trách nhiệm phát triển sáng kiến về tài chính Hồi giáo của tổ chức, qua đó đóng góp vào sự ra đời của Tiêu chuẩn Shari’ah về Vàng do Tổ chức Kế toán và Kiểm toán cho các Tổ chức Tài chính Hồi giáo (AAOIFI) ban hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vai trò của vàng trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO