Trong những năm qua, VCCI đã không ngững nỗ lực thúc đẩy quá trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh.
Đảng bộ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức Đại hội Đại biểu lần từ VIII nhiệm kỳ 2020-2025. Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tại Đại hội quan trọng này.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Đại hội Đại biểu lần từ VIII nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Quốc Tuấn
Trải qua 57 năm hình thành và phát triển, chưa bao giờ VCCI của chúng ta có được vị thế như ngày nay. Ở trong nước, VCCI được đánh giá là một trong những tổ chức tiêu biểu trong số các hội đặc thù được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ. VCCI đã phát huy tốt vai trò là động lực thúc đẩy cải cách thể chế và trung tâm liên kết phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam. Trên phạm vi quốc tế, VCCI được đánh giá là một trong những Phòng Thương mại và Công nghiệp năng động nhất ở các nước đang phát triển. VCCI hiện nay, không chỉ tham gia tích cực mà đã và đang phát huy vai trò dẫn dắt nhiều hoạt động của cộng đồng kinh doanh quốc tế. Lần đầu tiên trong lịch sử, lãnh đạo VCCI đã được bầu chọn là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất trên phạm vi toàn cầu tham gia vào Ban lãnh đạo cao nhất của Liên đoàn các Phòng Thương mại Thế giới.
Về những nhiệm vụ chính trị mà VCCI đã hoàn thành trong nhiệm kỳ qua, báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ đã đề cập tương đối đầy đủ, ở đây, tôi chỉ xin nhấn mạnh một số điểm:
Thứ nhất, VCCI đã tiên phong trong nghiên cứu, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về nền kinh tế nhiều thành phần và vai trò chủ thể của doanh nghiệp, doanh nhân, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
VCCI đã biên soạn và và tái bản nhiều lần để bộ sách "Bác Hồ với doanh nghiệp doanh nhân” và công bố nhiều bài viết, bài nói của lãnh đạo VCCI về Chính sách Tân kinh tế của Lênin và những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nền kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam và về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân để đưa ra nhận định có sức thuyết phục rằng: công cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta bắt đầu từ Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) là sự trở về (hay là sự hiện thực hóa) tư tưởng của Lê Nin và Hồ Chí Minh về nền kinh tế nhiều thành phần. Các bài nói, bài viết trả lời phỏng vấn về nội dung này đã được công bố trong phát biểu tham luận tại Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII (2016), trên Cổng thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tạp chí kinh tế - cơ quan ngôn luận của Ban Kinh tế Trung ương ... và nhiều báo, tạp chí khác.
Lãnh đạo VCCI cũng tuyên truyền giới thiệu vấn đề này tại nhiều hội thảo và diễn đàn trong nước quốc tế và được đánh giá cao. Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX (2018); lãnh đạo VCCI được tuyên dương là người đi tiên phong trong truyền bá tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp, doanh nhân.
Đây là những hoạt động thiết thực của Đảng bộ VCCI để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Thứ hai, VCCI là động lực trong việc thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế ở nước ta, thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học lý luận chính trị , tham gia xây dựng các nghị quyết quan trọng của Đảng, các dự án luật của Quốc hội, các đề án chính sách của Chính phủ và các kế hoạch thúc đẩy thực thi ở các địa phương.
Về việc nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, VCCI đã chủ trì triển khai nghiên cứu bảo vệ suất sắc đề tài khoa học lý luận chính trị: “Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam: thực trạng và giải pháp”, và tham gia nghiên cứu nhiều đề tài khoa học chính trị quan trọng khác của Hội đồng Lý luận Trung ương và các Ban của Đảng...
Về xây dựng các nghị quyết của Đảng, tiếp theo thành công trong việc đề xuất và được giao chủ trì soạn thảo Nghị quyết đầu tiên của Đảng ta về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trình Bộ Chính trị, trong nhiệm kỳ này, VCCI đã tham gia vào Ban chỉ đạo, Ban biên tập, cũng như góp ý cho nhiều Nghị quyết của Trung ương về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, về hội nhập kinh tế quốc tế, về đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, về phát triển kinh tế tư nhân...
Về công tác xây dựng pháp luật , tiếp theo dấu ấn kiến nghị thành công với Quốc hội hiến định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong hiến pháp, trong nhiệm kỳ này, VCCI đã tham gia ban chỉ đạo và ban biên tập của nhiều dự án luật quan trọng, và có ý kiến góp ý, phản biện với hầu hết các dự án luật khác liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân.
VCCI cũng là nơi khởi nguồn của nhiều đề xuất cải cách hành chính quan trọng của Chính phủ. Đối với cả ba đợt sóng cải cách hành chính trong nhiệm kỳ này đều ghi nhận sáng kiến và vai trò động lực của VCCI, như việc xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con vào năm 2016, cắt giảm và đơn giản hóa trên 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành vào năm 2018 và bây giờ là đợt tổng rà soát các chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật năm 2020.
Từ đầu năm đến nay,trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, VCCI đã thường xuyên tiến hành khảo sát tình hình doanh nghiệp và đưa ra các kiến nghị chính sách kịp thời với Chính phủ. VCCI là cơ quan đầu tiên đã đề xuất chủ trương “kinh doanh an toàn, sống chung với dịch” giúp doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn...
Để thúc đẩy quá trình thực thi pháp luật, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao cạnh tranh ở cấp địa phương, suốt 15 năm qua, trong khuôn khổ dự án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, VCCI đã đồng hành với các địa phương tìm ra những dư địa và những công nghệ và mô hình cải cách kinh tế để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp ,thu hút đầu tư. Qua các hoạt động của dự án PCI, những thực tiễn cải cách tốt nhất ở các địa phương được lan tỏa, phong trào thi đua giữa các địa phương nâng cao chất lượng điều hành theo chỉ số PCI đã thực sự tạo ra một trong những động lực cải cách lớn nhất tại các địa phương ở Việt Nam suốt hơn một thập kỷ qua.
Thứ ba, chủ động tham vấn và góp phần vào những công cuộc hội nhập đỉnh cao của đất nước. VCCI đã luôn cổ vũ và thúc đẩy cho quá trình hội nhập. Trong nhiệm kỳ này, trong tất cả các cuộc hội nhập đỉnh cao của đất nước như CPTPP, EVFTA, APEC, ASEAN ...đều có dấu ấn quan trọng của VCCI.
Ngoài việc tham vấn thường xuyên với các đoàn đàm phán của Chính phủ, VCCI đã có kiến nghị thường xuyên với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng về chủ trương và những nội dung cụ thể thúc đẩy quá trình đàm phán, ký kết và phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do, nhất là ở những thời điểm nhạy cảm trong quá trình đàm phán và thúc đẩy phê chuẩn các Hiệp định tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA. Đồng thời với việc kiến nghị với Đảng và Nhà nước ta, Lãnh đạo VCCI đã đích thân gặp gỡ các Nghị sỹ Quốc hội, các quan chức Chính phủ các nước, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp, vận động cho việc ký kết và phê chuẩn các Hiệp định này.
Về việc tổ chức các sự kiện quốc tế lớn với sự tham gia của các nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ các nước, VCCI đã thể hiện vai trò xuất sắc của mình trong việc mời Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các vị Nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ các nước tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh APEC tại Việt Nam, với sự góp mặt các nguyên thủ các cường quốc và các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, nội dung chuyên nghiệp, bài bản. Hội nghị APEC CEO SUMMIT 2017 tại Đà Nẵng đã đi vào lịch sử APEC như một hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp thành công nhất.
Năm nay, trên cương vị Chủ tịch, VCCI cũng đang điều hành rất tốt các hoạt động của Hội đồng doanh nghiệp Đông Á ,Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN và các Diễn đàn song phương giữa ASEAN với các đối tác, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam.
Bốn là, đi đầu trong việc định hình, định hướng cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. VCCI là cơ quan tham mưu kiến nghị với Đảng và Nhà nước đặt mục tiêu và Chương trình phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ, là cơ quan đã thành lập các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tiên ở Việt Nam, văn phòng giới sử dụng lao động đầu tiên, chương trình khởi nghiệp quốc gia đầu tiên, văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững đầu tiên, văn phòng sở hữu trí tuệ đầu tiên, trung tâm trọng tài quốc tế đầu tiên, rồi Viện phát triển doanh nghiệp, Viện tin học doanh nghiệp, trung tâm WTO và hội nhập đầu tiên... Rất nhiều việc ở VCCI gắn với chữ “đầu tiên”và tất cả đang phát huy rất tốt vai trò trong nhiệm kỳ này. Vai trò của VCCI gắn với hai chữ “tiên phong".
VCCI cũng đang tiên phong trong việc thúc đẩy hình thành khung khổ pháp lý cho các hộ kinh doanh hay các doanh nghiệp siêu nhỏ - doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam. Đây là vấn đề rất mới khá nhạy cảm, chưa có được sự đồng thuận, nhưng chắc chắn sẽ không thể không giải quyết sớm trong thời gian tới.
Với những dấu ấn nhiệm kỳ như vậy của đảng bộ VCCI, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, cũng chính là những thành quả của Đảng bộ khối doanh nghiệp trung ương đóng góp vào sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Và vì vậy, tôi đề nghị bổ sung các hoạt động nổi bật ở tầm “quốc kế dân sinh" đó của Đảng bộ VCCI vào báo cáo của Đảng ủy Khối trình ra đại hội đảng bộ nhiệm kỳ này. Với việc bổ sung như vậy thì kết quả công tác của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương sẽ không còn chỉ bó gọn trong nhiệm vụ chính trị là đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước mà còn là những đóng góp tích cực cho cải cách thể chế, hội nhập, phát triển cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung.
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác trong nhiệm kỳ tới của Đảng bộ VCCI, bên cạnh công tác xây dựng Đảng, việc thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, tăng cường sự liên kết và hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập và phát triển sẽ luôn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt.
Cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế đang ở trong một giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ qua ,trước tác động của đại dịch Covid 19 và sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu. Cải cách thể chế cũng bước vào một giai đoạn gian nan hơn khi những công việc tương đối dễ dàng thì chúng ta đã thực hiện, bây giờ là lúc muốn tạo sự đột phá, phải đụng đến những vấn đề cốt lõi khó khăn hơn và cần quyết tâm chính trị cao hơn. Động lực cải cách cũng cần phải đến nhiều hơn từ những nỗ lực đổi mới, sáng tạo để Việt Nam không chỉ vượt lên chính mình mà còn phải bắt kịp các xu thế toàn cầu.
Sự nghiệp phát triển doanh nghiệp đang bước vào một giai đoạn mà ở đó chúng ta không chỉ quan tâm đến số lượng mà phải chú trọng nhiều hơn đến chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Công cuộc thu hút FDI và tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu không chỉ phải hướng tới những công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn mà còn phải đề cao trách nhiệm xã hội và thân thiện với môi trường... không thể chỉ dừng lại ở các công đoạn “ đổ mồ hôi ,sôi nước mắt” kiểu lắp ráp, gia công, ăn vào tài nguyên, xâm hại đến môi trường.
Trong nhiệm kỳ tới chúng ta cần phải đạt được mục tiêu kép: không chỉ có được 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2025, mà còn phải nâng cấp được 5,2 triệu hộ kinh doanh mà thực chất là các doanh nghiệp siêu nhỏ - các doanh nghiệp gia đình - nơi sinh kế của hàng chục triệu đồng bào ta -nơi sản sinh hơn 30% GDP của nền kinh tế. Đó là mục tiêu hướng tới của VCCI trên con đường đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và cũng là nội dung chủ yếu trong đề tài nghiên cứu khoa học lý luận chính trị cấp nhà nước mà VCCI đề xuất với Hội đồng Lý luận Trung ương. Và tôi cũng đề nghị, những chủ trương và mục tiêu như vậy cũng cần được xác định rõ trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII để chúng ta có thể thực hiện được chiến lược phát triển nhanh, bền vững,tự chủ và bao trùm, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Để đạt được mục tiêu này, hệ sinh thái khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam phải phấn đấu lọt vào top 3, top 4 trong ASEAN như các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ đã đề ra và đó cũng là mục tiêu hướng tới thúc đẩy trong chương trình công tác của Đảng bộ VCCI trong nhiệm kỳ tới. Các hoạt động của VCCI, cả trong lĩnh vực tư vấn, tham mưu, xúc tiến thương mại đầu tư, quan hệ lao động, phát triển bền vững , đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số ...đều phải nhắm tới mục tiêu này. Về các nhiệm vụ cụ thể ,báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ đã nêu rõ, tôi xin không đề cập. Chỉ mong rằng, Ban Chấp hành Đảng ủy và toàn thể cán bộ đảng viên sẽ sát cánh với Đảng đoàn Ban Thường trực tiên phong gương mẫu trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
Muốn thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, chúng ta phải tiếp tục chăm lo công tác xây dựng đảng. VCCI là tổ chức phi chính phủ, cán bộ cơ quan VCCI không phải là công chức viên chức nhà nước, nhưng mọi người một lòng theo Đảng và phần lớn đều muốn phấn đấu trở thành Đảng viên, đó là một truyền thống quý báu. Đảng bộ phải chăm lo công tác phát triển Đảng đặc biệt là trong lớp trẻ và cùng với Đảng đoàn, Ban Thường trực giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng và trong cơ quan "như giữ gìn con người của mắt mình" như Bác Hồ từng căn dặn. Nhưng đoàn kết không phải là nể nang, “dĩ hoà, vi quý”, ngại va chạm, thủ tiêu đấu tranh phê bình và tự phê bình với tinh thần xây dựng. Đoàn kết phải hướng tới mẫu số chung là sự phát triển. Đoàn kết phải đi cùng với những nỗ lực đổi mới, sáng tạo, không chấp nhận sự bảo thủ, trì trệ hay chuyên quyền, độc đoán. Phải phát huy dân chủ và phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu ... Các đề án tái cấu trúc cơ quan, xây dựng văn hoá công sở, thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo... đang được triển khai sẽ thúc đẩy xu hướng này. Đảng đoàn, Ban thường trực mong sẽ được đồng hành của toàn Đảng bộ.
Cơ quan VCCI của chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức: yêu cầu nhiệm vụ chính trị cao hơn, cạnh tranh gay gắt hơn, không chỉ trong nước mà còn trên phạm vi toàn cầu. Điều này tất cả chúng ta đều cảm nhận được, từ hoạt động của mỗi phòng, ban, đơn vị, đến từng chi nhánh, văn phòng đại diện. Chúng ta là cơ quan được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, nhưng vẫn là đơn vị tự chủ về tài chính, tự lo kinh phí hoạt động và quỹ lương, chúng phải hoạt động có hiệu quả, phải chấp nhận cạnh tranh. Nhưng tôi tin rằng với truyền thống “đoàn kết, dũng cảm, đổi mới và sáng tạo” mà chúng ta đã chắt chiu gây dựng từ nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, sự phối hợp của Đảng đoàn, Ban Thường trực, Đảng bộ VCCI nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong nhiệm kỳ tới trên hành trình phấn đấu vì sự nghiệp vẻ vang của VCCI vì Đảng, vì Đất nước, vì cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Hôm nay, chúng ta tổ chức Đại hội Đảng nhiệm kỳ, trong bối cảnh cả nước gồng mình chống Dịch covid và Giặc suy giảm kinh tế và thất nghiệp. Hội trường không trang trí nhiều hoa, không quà cáp tốn kém. Chúng ta từ mọi miền Tổ quốc về đây với tinh thần của người Cộng sản. Số tiền tiết kiệm được trong công tác tổ chức Đại hội, dù không nhiều nhưng là tấm lòng chúng ta. Tôi hoan nghênh Ban Thường vụ Đảng ủy đã có sáng kiến tặng số tiền này cho những đồng đội của chúng ta là Hội cựu chiến binh Thành phố Đà nẵng - những người đã giành tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước, hôm nay nhiều người trong số họ lại đang vẫn là người lính trên tuyến đầu chống dịch và duy trì tăng trưởng, tự cứu mình và lo công ăn việc làm cho con cháu.
Việc nhỏ nhưng nghĩa lớn. Thực chất, chẳng màu mè. Đó là cái gen của Đảng bộ VCCI, của con người VCCI. Tôi đề nghị chúng ta cũng sẽ với tâm thế này cùng nắm tay nhau trên hành trình vì doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
16:49, 31/08/2020
07:00, 31/08/2020