Trong gian khó, khủng hoảng nhất do đại dịch COVID-19, Việt Nam đã chứng minh cho thế giới biết rằng, càng khó khăn thì tinh thần Việt Nam càng lớn mạnh.
Hiện nay, cả thế giới đang dồn tâm, dồn lực vào chống đại dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra. Dịch bệnh này bùng phát vào tháng 12/2019, nay đã nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu với 215 quốc gia có nguời nhiễm bệnh và số nạn nhân của COVID-19 tăng từng ngày.
Trước mức độ nguy hiểm của đại dịch, ngày 31/01/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Đến ngày 11/3/2020, WHO chính thức công bố COVID-19 là “đại dịch toàn cầu”.
Việt Nam chúng ta không phải là một ngoại lệ, có đường biên giới dài với Trung Quốc (quốc gia đầu tiên xuất hiện dịch bệnh), Việt Nam là nước có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao.
Thậm chí còn nặng nề và khó khăn hơn khi cùng một lúc Việt Nam đảm nhiệm hai vai trò trong các tổ chức Quốc tế vô cùng nặng nề đó là: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kì 2020-2021 và Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020-2021. Vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế, vừa phải đảm nhiệm các vai trò quốc tế.
Các chuyên gia kinh tế của Oxford Economics ước tính, dịch COVID-19 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD do năng suất lao động giảm, sản xuất đình đốn, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thương mại và đầu tư giảm, ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề…
Với những tổn thất về con người, kinh tế, chính trị mà COVID-19 đang gây ra cho toàn thế giới đã cho thấy, không phải lúc nào sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế cũng giải quyết được mọi vấn đề của cuộc sống đang đặt ra. Những vũ khí tối tân nhất của nhân loại cũng không thể loại bỏ được một virus vô hình.
Chưa bao giờ thế giới lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu rộng đến vậy. Tác động của dịch bệnh làm cho thế giới hầu như đứng nguyên, tê liệt, kinh tế tăng trưởng âm, nạn thất nghiệp tràn lan, tỷ lệ nghèo đói tăng lên một cách chóng mặt. Chưa bao giờ biên giới giữa các nước lại bị kiểm soát chặt chẽ đến vậy. Tất cả cũng chỉ vì dịch COVID-19, một căn bệnh thế kỷ gây đột biến bất thường và khó kiểm soát.
Thế nhưng, virus không phải là một “loài siêu thông minh”, cũng không có bất cứ “mưu lược tính toán” nào để lây lan, hãm hại loài người. Vì thế, mức độ phát tán của nó phụ thuộc chính vào cách ứng xử của con người. Nếu loài người nắm chặt tay nhau, đồng thuận cùng nhau hướng đến triết lý nhân sinh, chính phủ các nước đặt giá trị sinh mạng con người ở mức tối thượng thì hoàn toàn có thể vượt qua đại nạn này.
Nói cách khác, tác hại nhiều hay ít của COVID-19 đến con người phụ thuộc rất nhiều vào thể chế chính trị, vào sự đồng thuận của người dân và vào việc sử dụng “sức mạnh mềm” của mỗi quốc gia.
Với sự vào cuộc quyết liệt và sự đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, hiện nay về cơ bản chúng ta đã kiểm soát và dập dịch tốt, được các nước trên thế giới và khu vực ca ngợi, thừa nhận, lấy làm gương trong phòng, chống đại dịch. Để có thành công đó là do chúng ta biết khai thác “sức mạnh mềm” Việt Nam. Chẳng hạn:
Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đã và đang diễn ra, để mọi người đoàn kết một lòng, mỗi người dân đều là chiến sĩ chống dịch, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Chính phủ đã ký Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9/4/2020, của Chính phủ “Về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” chi 62 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch COVID-19.
Chúng đã ngăn chặn rất thành công hai đợt xâm nhập của dịch COVID-19, được thế giới kính trọng và nể phục trong khi trên thế giới có hàng chục triệu người mắc COVID-19, trong số đó có hàng triệu người đã tử vong thì con số đó ở Việt Nam lại rất khiêm tốn và hạn chế ở mức thấp nhất có thể; Các kỳ thi PTTH và tuyển sinh vào các trường đại học đã hoàn thành đúng mục tiêu và bảo đảm chất lượng.
Đồng thời, với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện góp tiền, góp gạo hỗ trợ người nghèo, nhiều câu chuyện đẹp và cảm động, như ATM gạo, tin nhắn điện thoại, các doanh nhân ủng hộ hàng trăm triệu đồng đến cụ già đạp xe cả chục cây số đến ủng hộ 20.000 đồng,… đã được lan tỏa không chỉ trong nước mà cả cộng đồng quốc tế.
Ngoài ra, giữa đại dịch, chúng ta còn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hoàn thành xuất sắc vai trò thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN nhiệm kì 2020-2021. Chủ trì thành công hàng loạt các cuộc họp trực tuyến giữa các nước ASEAN, ASEAN +3, ASEAN với các cường quốc trên khắp thế giới.
Song song, Việt Nam đã có những đóng góp xuất sắc với vai trò dẫn dắt ASEAN trong hợp tác đối thoại quốc tế và nâng tầm vóc ASEAN lên một tầm cao mới. Trong lúc đại dịch tàn phá, với những đề xuất của Việt Nam ASEAN đã thành lập được quỹ phòng chống COVID-19 riêng cho Asean được các nước trong khối hết sức đồng lòng ủng hộ, các nước đối tác đóng góp và cổ vũ.
Tất cả góp phần tạo nên dấu ấn trong tăng trưởng kinh tế, đảm bảo vấn đề dân sinh. Trong lúc hầu như cả thế giới và Châu Á tăng trưởng âm thì Việt Nam là số rất ít các quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương - mức 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Có thể nói, đây là một thành tựu ngoài sự mong đợi.
Điều đặc biệt quan trọng và hơn tất cả là trong năm 2020, để chuẩn bị cho thành công của Đại hội XIII, bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19 mang lại, Đại hội Đảng bộ các cấp cơ sở được chuẩn bị chu đáo và diễn ra theo đúng kế hoạch đã được vạch ra.
Phong trào chống tham nhũng của Đảng không những không bị ngưng trệ vì COVID-19 mà còn được thực hiện một cách mạnh mẽ quyết liệt hơn, củng cố và mang lại niềm tin rất lớn cho nhân dân.
Từ thực tiễn nói trên, chúng ta đều có thể tự hào khi nói: Giữa khó khăn bủa vây của đại dịch COVID-19, chúng ta đã vượt qua năm 2020 một cách không thể tốt hơn. Đây là nền tảng để khẳng định rằng chẳng có khó khăn nào có thể cản được khát vọng của một dân tộc Việt Nam xây dựng đất nước ngày càng phát triển hùng cường.
Có thể bạn quan tâm
01:59, 30/12/2020
11:12, 29/12/2020
09:49, 29/12/2020
06:25, 29/12/2020
05:00, 28/12/2020
10:41, 27/12/2020
19:30, 26/12/2020