Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Thái Lan là cơ hội để hai bên tăng cường quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
>>APEC 2022 thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới Thái Lan để tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 được tổ chức tại Bangkok từ ngày 16 - 19/11/2022.
Chuyến đi này là sự khẳng định mạnh mẽ cam kết, quyết tâm của Việt Nam tiếp tục tăng cường và phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan lên tầm cao mới. Đặc biệt, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2023. Thời gian qua, hai bên duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và đối ngoại nhân dân.
Hiện nay, Thái Lan và Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của nhau. Trong bối cảnh quan hệ chính trị tốt đẹp, hai nước có điều kiện tập trung nguồn lực vào đẩy mạnh hợp tác kinh tế. Do môi trường an ninh khu vực và toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, cả hai nước đang tìm kiếm những cách tiếp cận và cách thức mới để tăng cường hợp tác và tình hữu nghị, cả trong khuôn khổ hợp tác khu vực sông Mekong và ASEAN, nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam-Thái Lan đạt 17,8 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2021; dự báo kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ sớm đạt được mục tiêu 25 tỷ USD trong năm nay.
Về đầu tư, Thái Lan vươn lên trở thành đối tác đầu tư lớn thứ 8 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với gần 700 dự án, tổng vốn trên 13 tỷ USD. Các lĩnh vực đầu tư chính gồm xây dựng khu công nghiệp, công nghệ cao, năng lượng, bán lẻ, nông nghiệp, môi trường, tài chính-ngân hàng, điện tử, điện lạnh, chế biến nông sản, thức ăn chăn nuôi... đặc biệt gần đây có xu hướng đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo.
Lĩnh vực hợp tác hứa hẹn nhất vẫn là ngành du lịch. Trong nửa đầu năm nay, ít nhất 70.000 khách Việt Nam đã đến thăm Thái Lan.
>>Việt Nam - Điểm đến thông thoáng nhất trong 21 nền kinh tế APEC
Tuy nhiên, quan hệ kinh tế giữa hai nước đang có một số vấn đề cần tháo gỡ như mất cân đối trong cán cân thương mại, đầu tư, du lịch, ngân hàng… Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan có nhiều nét tương đồng, đặc biệt là nhóm ngành nông thủy sản nên hàng hóa xuất khẩu của hai nước có sự cạnh tranh lẫn nhau.
Điểm mới trong chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Thái Lan là hai bên sẽ thống nhất về triển khai 3 kết nối: Kết nối chuỗi cung ứng; kết nối cơ sở sản xuất, trước hết là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại các địa phương hai nước; kết nối chính sách phát triển bền vững của hai quốc gia.
Trao đổi với báo chí trước thềm chuyến thăm Thái Lan của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, đây là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi các định hướng lớn nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác thương mại, đầu tư, kết nối kinh tế; mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới và tiềm năng như kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh... Bên cạnh đó là đẩy mạnh hợp tác văn hóa, giáo dục, thể thao, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương. Hai bên cũng dự kiến thông qua Tuyên bố chung về chuyến thăm.
Bên cạnh đó, chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch nước sẽ truyền tải thông điệp về quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo hai nước không ngừng thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan, đóng góp vào củng cố đoàn kết ASEAN, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Đáng chú ý, tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC Việt Nam Phạm Tấn Công tham dự Đối thoại giữa Lãnh đạo các nền kinh tế APEC với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC và Hội nghị Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC).
Các doanh nghiệp Thái Lan đánh giá cơ hội kinh doanh ở Việt Nam rất đa dạng và sẽ tiếp tục đầu tư mạnh hơn nữa sang Việt Nam. Đây là cơ hội để khuyến khích sự tham gia và đóng góp hơn nữa của cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng chính sách và hợp tác khu vực; đồng thời mở rộng hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước nói riêng và với các nước trong khu vực nói chung trong nhiều lĩnh vực.
Có thể bạn quan tâm
APEC 2022 thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư
12:48, 30/08/2022
Việt Nam - Điểm đến thông thoáng nhất trong 21 nền kinh tế APEC
03:00, 23/08/2022
Khai mạc kỳ họp III Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC
12:23, 27/07/2022
Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC III) - Cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế
02:57, 13/07/2022