Nghiên cứu - Trao đổi

Xây dựng trung tâm tài chính: Cần hành lang pháp lý và hệ sinh thái đồng bộ

Yến Nhung 17/04/2025 04:20

Các chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng triển khai các giải pháp cụ thể nhằm gia tăng tính hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của trung tâm tài chính trong nước.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng số hóa và hội nhập sâu rộng, việc xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam không chỉ là mục tiêu mang tính chiến lược, mà còn là yêu cầu tất yếu để nâng tầm vị thế quốc gia trên bản đồ kinh tế thế giới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần một hệ sinh thái tài chính toàn diện, hiện đại, đồng thời có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp quản lý, doanh nghiệp và tổ chức tài chính.

tphcm-trung-tam-tai-chinh-ok20250109134633.jpg
Việc xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là yêu cầu tất yếu để nâng tầm vị thế quốc gia trên bản đồ kinh tế thế giới - Ảnh: ITN

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Khôi, Trưởng Phòng Kinh doanh vốn, Khối Kinh doanh vốn và thị trường VietinBank cho rằng, nhằm thúc đẩy trung tâm tài chính, Việt Nam nhanh chóng hội nhập và trở thành một bộ phận năng động của nền kinh tế toàn cầu, cần có nhiều giải pháp đồng bộ.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Mạnh Khôi, cần phải đa dạng hóa sản phẩm tài chính và từng bước tiệm cận với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực và thế giới. Đồng thời khuyến khích và hỗ trợ phát triển các sản phẩm tài chính mới, công cụ phái sinh và các sản phẩm đầu tư sáng tạo, giúp tăng tính linh hoạt và chiều sâu cho thị trường. Đẩy mạnh các điều kiện nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán, đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và từng bước đưa vào vận hành các thị trường mới như thị trường hàng hóa, ngoại tệ, tài sản số…, tiệm cận mô hình của các trung tâm tài chính quốc tế.

Đặc biệt, ông Khôi nhấn mạnh đến việc phát triển thị trường hàng hóa dựa trên lợi thế quốc gia, trong đó tập trung vào nhóm sản phẩm phái sinh hàng hóa đối với các mặt hàng chủ lực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như gạo – một mặt hàng hiện vẫn chưa được triển khai rộng rãi trên nhiều thị trường hàng hóa quốc tế.

“Song song với đó là yêu cầu xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân và nhà đầu tư tham gia hiệu quả vào thị trường. Điều này không chỉ góp phần giảm thiểu rủi ro về giá cả, nâng cao giá trị cho ngành nông sản, mà còn là cơ sở để từng bước mở rộng liên thông với các thị trường trong khu vực và trên thế giới”, ông Nguyễn Mạnh Khôi chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm cần có những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư cho trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, ThS Lưu Ánh Nguyệt, Phó Trưởng Ban Phát triển Thị trường Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, hiện có nhiều trung tâm tài chính quốc tế có vị trí địa lý gần Việt Nam như Singapore, Hồng Kông và Thượng Hải (Trung Quốc)… để tận dụng được những lợi ích mà trung tâm tài chính quốc tế được kỳ vọng mang lại đòi hỏi có các quy định chuyên sâu và sự kết nối giữa trung tâm tài chính trong nước và trung tâm tài chính quốc tế.

Theo bà Lưu Ánh Nguyệt, nếu chúng ta muốn xây dựng trung tâm tài chính quốc tế cạnh tranh được với các trung tâm tài chính quốc tế hiện có trong khu vực, cần quan tâm đến chỉ số đánh giá xếp hạng trung tâm tài chính (GFCI) theo 5 tiêu chí môi trường kinh doanh và thuế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, phát triển thị trường tài chính, danh tiếng.

“Việc đầu tiên khi muốn xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đó là cần hoàn thiện thể chế linh hoạt, hiện đại. Cụ thể, xây dựng khung pháp lý minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế, cho phép thử nghiệm mô hình mới như Fintech, nền tảng số; đồng thời, áp dụng mô hình sandbox (khung thể chế thí điểm) như Singapore với quy trình cấp phép nhanh và bảo vệ nhà đầu tư tốt. Song song với đó là tăng cường giám sát rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sự ổn định và minh bạch thị trường; phát triển hạ tầng tài chính và công nghệ”, ThS Lưu Ánh Nguyệt đề xuất.

Nhấn mạnh ngành ngân hàng sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong trong quá trình xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, ngành ngân hàng sẽ đảm nhận việc xây dựng và tạo lập môi trường pháp lý, bao gồm cơ chế chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng phù hợp với mục tiêu phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các định chế tài chính như ngân hàng thương mại, công ty tài chính, tổ chức cho thuê tài chính... phát triển mạnh mẽ, hoạt động hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh. Qua đó, trở thành động lực thúc đẩy cả hệ thống ngân hàng trong nước.

Ngoài ra, việc khai thác vốn và sử dụng vốn hiệu quả (trong và ngoài nước) không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các thị trường này, mà còn góp phần tạo động lực tăng trưởng, phát triển hệ sinh thái và nhóm các ngành dịch vụ lớn của thành phố như ngành vận tải và logistics, nhóm ngành khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, truyền thông, y tế, giáo dục, thương mại và bán lẻ, bất động sản và du lịch…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xây dựng trung tâm tài chính: Cần hành lang pháp lý và hệ sinh thái đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO