Với kết quả đạt được trong 10 tháng đầu năm và tín hiệu lạc quan thời gian gần đây, nhiều khả năng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 sẽ lập kỷ lục mới.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước trong tháng 10 đạt 51,58 tỷ USD, tăng 0,4% so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 27,26 tỷ USD, tăng 0,4% so với tháng trước (tương ứng tăng 96 triệu USD); nhập khẩu đạt 24,32 tỷ USD, tăng 0,5% (tương ứng tăng 116 triệu USD).
Như vậy, lũy kế hết tháng 10, tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 440,09 tỷ USD, tăng 2,7% với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 229,79 tỷ USD, tăng 5%, tương ứng tăng 10,85 tỷ USD và nhập khẩu đạt gần 210,3 tỷ USD, tăng nhẹ 0,3%, tương ứng tăng 661 triệu USD.
Trong tháng, cán cân thương mại thặng dư 2,94 tỷ USD. Kết quả này đã góp phần đưa con số xuất siêu của 10 tháng qua lên đến gần 19,5 tỷ USD.
Đây là mức xuất siêu cao nhất tính trong 10 tháng qua. Kết quả này chủ yếu dựa vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục nhập siêu trong 10 tháng qua. Cụ thể, khối FDI xuất siêu 28,92 tỷ USD và khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 9,42 tỷ USD trong 10 tháng.
Xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng này đạt 19,97 tỷ USD, tăng 2,7% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu của khối này trong 10 tháng/2020 lên 162,39 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất nhập khẩu, hết tháng 10, trao đổi thương mại với châu Mỹ đạt 91,24 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2019, tiếp tục là châu lục đạt mức tăng trưởng cao nhất. Trong khi đó, xuất nhập khẩu với châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,2%) trong tổng kim ngạch của cả nước. Hết tháng 10, giao thương với thị trường này đạt 282,49 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó trị giá xuất khẩu là 113,31 tỷ USD, tăng nhẹ 1% và trị giá nhập khẩu là 169,18 tỷ USD, tăng 0,6%.
Trong những tháng cuối năm, EVFTA được nhận định sẽ tiếp tục là động lực cho xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt là với những mặt hàng đã gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trong những tháng đầu năm.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dịch bệnh dần được kiểm soát đã và đang mở ra cơ hội cho ngành thủy sản phấn đấu cho mục tiêu kim ngạch cả năm khoảng 8,6 tỉ USD. Trong đó EVFTA có hiệu lực được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang EU, bù đắp những khó khăn mà doanh nghiệp đã gặp phải trong những tháng đầu năm.
Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (từ ngày 1/8) đến ngày 12/10, sau chưa đầy 2 tháng rưỡi thực thi Hiệp định, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 23.800 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch khoảng 963 triệu USD đi 28 nước EU.. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử...
Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh quốc. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi. Điều này cho thấy, mức độ quan tâm của doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với xuất khẩu của Việt Nam.
Theo dự báo, với kết quả đạt được trong 10 tháng đầu năm và tín hiệu lạc quan thời gian gần đây, nhiều khả năng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 sẽ lập kỷ lục mới với con số 540 tỷ USD so với con số 517,26 tỷ USD vào năm 2019.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu cá tra khởi sắc nhờ sức mua từ Trung Quốc
04:00, 17/11/2020
RCEP giúp các doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường xuất khẩu
13:30, 16/11/2020
Xuất khẩu thủy sản: Động lực lớn từ EVFTA
06:30, 15/11/2020
EVFTA mở ra triển vọng tích cực cho xuất khẩu thủy sản
04:00, 12/11/2020
Sửa quy định về mã số mã vạch đối với thủy sản xuất khẩu
11:01, 11/11/2020