Việc xuất siêu bật tăng kỷ lục, cao nhất từ năm 2014 cho thấy những dấu hiệu tích cực từ xuất, nhập khẩu hàng hoá 2 tháng đầu năm 2024.
>>Xuất siêu 8 tháng đạt 20,19 tỷ USD
Trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19,2%; nhập khẩu tăng 18%; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,72 tỷ USD.
Thông tin này vừa được Tổng cục Thống kê cho biết ngày 04/03/2024.
Theo đó, về xuất khẩu hàng hoá, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 16,14 tỷ USD, tăng 33,3%, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 43,2 tỷ USD, tăng 14,7%, chiếm 72,8%.
Trong 2 tháng đầu năm 2024 có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 75,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 04 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,5%). Có tới hơn 20 mặt hàng đạt mức tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước (trong đó có 17 mặt hàng tăng trên 30%, 7 mặt hàng tăng trên 50%).
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt mức tăng trưởng cao như: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt trên 9,5 tỷ USD, tăng 33,9%; dệt may đạt 5,2 tỷ USD, tăng 15%; giày dép đạt 3,3 tỷ USD, tăng 18,3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 43,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,2 tỷ USD, tăng 15,7%; sắt thép đạt 1,5 tỷ USD, tăng 45,7%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt 1,4 tỷ USD, tăng 65%.
Bên cạnh đó, các sản phẩm thuộc nhóm hàng nông, lâm, thủy sản tiếp tục đà tăng trưởng tích cực của năm 2023 như: Thủy sản đạt 1,3 tỷ USD, tăng 33,3%; cà phê đạt 1,3 tỷ USD, tăng 67,5%; rau quả đạt 890 triệu USD, tăng 58,5%; gạo đạt 639 triệu USD, tăng 35,2%; hạt điều đạt 568 triệu USD, tăng 60,5%; cao su đạt 429 triệu USD, tăng 16,6%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2024, trong 4 nhóm hàng xuất khẩu chính thì có tới 3 nhóm tăng trưởng cao, chỉ duy nhất nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 10,9% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên nhóm hàng này chỉ chiếm 1% tổng kim ngạch xuất khẩu, ước đạt 0,59 tỷ USD. Các nhóm hàng tăng cao gồm có: Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 52,45 tỷ USD, chiếm 88,4%, tăng 17,7%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 5 tỷ USD, chiếm 8,4%, tăng 43,1%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 2,2%, tăng 22,3%.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việc nâng cấp quan hệ thương mại với Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu (trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Mỹ đã tăng tới gần 34% so với cùng kỳ năm trước; Nhật Bản tăng 19,6%; Trung Quốc tăng 7,7%). Nhiều cơ hội đang đến với các ngành sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhưng để tận dụng được cơ hội từ thị trường thì nỗ lực sản xuất vẫn chưa đủ, mà các doanh nghiệp cần phải hiểu và chủ động hơn trên thương trường quốc tế.
Về nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 19,67 tỷ USD, tăng 27,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 34,95 tỷ USD, tăng 13,3%.
Trong 2 tháng đầu năm 2024 có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 71% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 41,3%). Các mặt hàng chủ lực đều đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, nhiều mặt hàng đạt mức tăng trên 20% như: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,6 tỷ USD, chiếm 28,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 24,4%; máy móc tiết bị, dụng cụ phụ từng khác đạt 7 tỷ USD, tăng 24,8%; sắt thép đạt 2 tỷ USD, tăng 62,7%; dầu thô đạt 1,6 tỷ USD, tăng 27,5%; sản phẩm chất dẻo đạt 1,3 tỷ USD, tăng 32,1%; than đá đạt 1,3 tỷ USD, tăng 66,1%.
Trong các nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nhất 94,2% tổng kim ngạch nhập khẩu, đạt 51,47 tỷ USD, tăng tới 19,1%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 21,1%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu tăng 17,3%. Nhóm hàng tư liệu sản xuất tăng cao cho thấy các doanh nghiệp trong nước đang tăng cường nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất trong nước. Đây là tín hiệu khá tích cực so với bức tranh ảm đảm của nửa đầu năm 2023.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,72 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,5 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,53 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 8,25 tỷ USD.
Liên quan đến việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tiềm năng, Tổng cục Hải quan cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 17,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,9 tỷ USD.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại với Hoa Kỳ ước tính xuất siêu đạt 15,2 tỷ USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9%; xuất siêu sang Nhật Bản đạt 0,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,2 tỷ USD); nhập siêu từ Trung Quốc 12,8 tỷ USD, tăng 98,2%; nhập siêu từ Hàn Quốc 3,7 tỷ USD, giảm 4,3%; nhập siêu từ ASEAN 1 tỷ USD, giảm 21,9%.
Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 có thể tăng trên 6% so với năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục đạt xuất siêu.
Ông Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: "Xuất siêu tăng cao, chúng ta vẫn giữ được thị trường truyền thống và thị trường đầy tiềm năng trong xuất khẩu, đồng thời mở được thị trường mới để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Điều này thể hiện doanh nghiệp năng động trong nắm bắt tín hiệu thị trường, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong đàm phán để tạo ra thị trường xuất khẩu chính ngạch cho hàng hóa Việt Nam".
Còn theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương: "Cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do, thông qua việc đáp ứng quy tắc xuất xứ, hưởng ưu đãi từ hiệp định. Bên cạnh đó, vai trò của công tác xúc tiến Thương mại, đặc biệt, các hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ triển lãm, tổ chức các đoàn ra cũng như đoàn vào cũng là hoạt động được Bộ Công Thương đẩy mạnh thời gian qua. Hiện nay, kênh phân phối qua thương mại điện tử cũng rất quan trọng".
Ông Hải nhìn nhận, kinh tế thế giới chưa khởi sắc, căng thẳng địa chính trị và lạm phát sẽ là những yếu tố tác động đến chi phí logistics, làm đứt gãy chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. Vì thế, các doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm những đơn hàng mới tiềm năng để không bị phụ thuộc vào chỉ một vài quốc gia nhập khẩu chính.
Có thể bạn quan tâm
21:13, 09/09/2023
19:13, 04/07/2023
18:05, 05/05/2023
21:05, 03/04/2023