Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tiếp tục có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng cường kiểm soát hoạt động trước tình trạng ép khách mua bảo hiểm…
Theo đó, Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa có văn bản số 167/QLBH-NT gửi các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ về việc tăng cường kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp.
>>Đề xuất sửa quy định về Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động
Cụ thể, Công văn của Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính về tăng cường công tác quản lý tài chính, nâng cao tính an toàn hệ thống và thực hiện tốt quy định pháp luật hiện hành, trên cơ sở báo cáo nghiệp vụ năm 2022, báo cáo nhanh về tình hình tài chính các doanh nghiệp bảo hiểm, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thực hiện một số nội dung quan trọng.
Như về công tác quản lý tài chính, cơ quan quản lý đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ rà soát, tăng cường công tác quản lý chi phí, trong đó có chi phí dành cho kênh phân phối, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm. Đồng thời, rà soát, đánh giá lại các khoản đầu tư tại các lĩnh vực có hệ số rủi ro cao và thực hiện hoạt động đầu tư đảm bảo tuân thù quy định pháp luật, an toàn, hiệu quả, thanh khoản.
Về hoạt động nghiệp vụ, quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ, Cục đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường rà soát, đẩy mạnh chất lượng thẩm định và nâng cao tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm và chất lượng chăm sóc khách hàng. Song song với đó, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chính sách quản trị rủi ro, quy định nội bộ về quản trị rủi ro, quy trình nghiệp vụ đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông tư 70/2022/TT-BTC ngày 16/11/2022.
Về hoạt động quản lý đại lý, đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng và đại lý tổ chức khác đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm, các trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm hoặc hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư trái với quy định pháp luật. Xử lý nghiêm trường hợp nhân viên ngân hàng, tư vấn viên của công ty vi phạm việc thực hiện các nguyên tắc và nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm. Trường hợp có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ, tài liệu đến Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 ngày 27/11/2015 và Điều 27 Luật Tố cáo số 25/2018/QH14 ngày 12/6/2018.
Văn bản của Cục quản lý, giám sát Bảo hiểm nêu rõ, đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động rà soát, thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Trường hợp phát hiện vi phạm (nếu có), doanh nghiệp bảo hiểm có phương án và thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, báo cáo Bộ Tài chính.
Trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Việc thanh tra, kiểm tra dự kiến sẽ được thực hiện tại cả doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm. Đối với các trường hợp phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt tuân thủ quy định không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
>>Xử lý nghiêm ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm
Cần phải nói, thời gian qua, nhiều người dân phản ảnh bị "ép" mua bảo hiểm khi vay vẫn diễn ra, bất chấp báo chí lên tiếng. Nhiều người bị ép mua bảo hiểm đã phải đề nghị Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) và các cơ quan chức năng liên quan cần thể hiện vai trò, vị thế của mình tốt hơn.
Xung quanh vấn đề này, TS Phan Phương Nam - Đại học Luật TP.HCM cho rằng, bên cạnh công văn này, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng cần phải thanh tra, kiểm tra hoạt động bán bảo hiểm tại ngân hàng có lỏng lẻo hay không, có triển khai theo đúng pháp luật hay không, nếu không phải phạt nặng. Sau đó cần công bố công khai các quyết định xử phạt, để người dân đánh giá, chọn lựa, nhận định độ uy tín của doanh nghiệp.
Cục cũng cần đánh giá bản thân đã quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm hiệu quả chưa, đã làm hết mình chưa, đặc biệt là hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng. Nếu hiệu quả tại sao người dân lại liên tục phản ảnh việc bị "ép" mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn, bị mập mờ thông tin để hiểu nhầm rằng gửi tiết kiệm đầu tư chứ không phải mua bảo hiểm nhân thọ?
Trường hợp Ngân hàng Nhà nước triển khai đường dây nóng, cục cũng phải phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bán bảo hiểm ở các ngân hàng bị người dân phản ảnh.
Trên thực tế, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng có thể gặp khó khăn, khi việc nhiều nhưng người làm ít, nhiều vấn đề phát sinh, do đó cần có cải thiện. Cũng theo ông Nam, cần có quy định chi tiết, như với quy định đại lý bảo hiểm phải chứng minh đã giải thích rõ ràng, đầy đủ cho khách hàng, thì ngoài chữ ký của khách hàng, cần có camera/ghi âm lưu trữ trong thời gian bao lâu.
Hay trong ngân hàng cũng cần có khu vực riêng biệt - bàn dành cho đại lý bảo hiểm, giúp người dân nhận diện. Đồng thời cần có bảng tên, đồng phục... phù hợp để người dân nhận diện được ai là nhân viên ngân hàng thuần túy, ai là đại lý bảo hiểm.
“Để thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, cơ quan chức năng cũng cần tạo cơ chế phát triển dịch vụ bảo hiểm phụ trợ. Bên cạnh đại lý bảo hiểm, khách hàng cũng có thể tìm đến người tư vấn bảo hiểm độc lập, từ đó đưa ra quyết định mua bảo hiểm phù hợp”, TS Nam chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm