Với việc ra mắt giải pháp tăng cường trải nghiệm khách hàng, triển khai đầu tiên cùng The Pizza Company, ví điện tử ZaloPay có thể đang hướng đến nhóm khách hàng doanh nghiệp.
>>>Gojek tìm gì ở ZaloPay?
Năm 2023, ví điện tử ZaloPay đã cho ra mắt sản phẩm mã QR đa năng, cho phép người dùng sử dụng ứng dụng ngân hàng bất kỳ hoặc ZaloPay để quét mã và hoàn thành thanh toán chỉ trong vài giây.
Với sản phẩm kết hợp giữa mã QR của ZaloPay và VietQR này, người dùng có thể linh hoạt sử dụng ứng dụng ngân hàng bất kỳ hoặc ví điện tử ZaloPay để quét mã ZaloPay QR đa năng. Trọn bộ quy trình được diễn ra trên cùng một nền tảng đem đến trải nghiệm thông suốt và liền mạch cho khách hàng, vừa giúp hạn chế tối đa sai sót, vừa rút ngắn thời gian giao dịch.
Ngay sau đó, ZaloPay QR đa năng đã được đưa vào hoạt động tại các hệ thống cửa hàng bán lẻ và dịch vụ lớn trên cả nước, đặc biệt là các chuỗi mua sắm, ăn uống và cũng đã nhận được những phản hồi tích cực từ doanh nghiệp và người dùng.
Nắm bắt lợi thế và tiềm năng đó, ZaloPay mới đây lại tiếp tục cho ra đời giải pháp mới, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối một cách hiệu quả với các khách hàng, góp phần nâng cao trải nghiệm và thúc đẩy doanh số. The Pizza Company là đối tác đầu tiên cùng ZaloPay triển khai giải pháp này.
Được tích hợp ngay trên Zalo, giải pháp này cung cấp cho nhà bán lẻ những tùy chọn chăm sóc khách hàng chuyên sâu, hỗ trợ doanh nghiệp tự động hóa các tác vụ xử lý, góp phần giảm thiểu chi phí đầu tư và vận hành, cùng lúc đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Theo thông tin từ ZaloPay, với việc triển khai giải pháp tăng cường trải nghiệm khách hàng này, doanh nghiệp cũng được cung cấp công cụ xây dựng: cơ chế hội viên bao gồm quyền lợi từng phân hạng thành viên, hệ thống tích điểm tự động và tự động phân phối chương trình ưu đãi tới các tệp khách hàng.
Bên cạnh đó, giải pháp cũng cho phép nhà bán lẻ quản lý và phân tích dữ liệu của doanh nghiệp nhằm xây dựng các chương trình hậu mãi phù hợp để giữa chân khách hàng và giúp gia tăng doanh số, đồng thời tối đa hóa hiệu quả truyền thông qua kênh tin nhắn Zalo tự động (ZMS) cho các khách hàng đã đăng ký theo dõi Zalo Official Account của nhãn hàng. Ngoài ra, giải pháp này cũng giúp khách hàng khi sử dụng bất cứ ứng dụng ngân hàng hoặc ứng dụng ZaloPay để quét và thanh toán qua mã ZaloPay QR đa năng, đều được tự động tích điểm thành viên và hưởng ưu đãi từ thương hiệu.
Có thể thấy, bước đi này của ZaloPay khá giống với cái cách mà WeChat Pay, một tính năng của ứng dụng truyền thông xã hội WeChat đang triển khai tại Trung Quốc. Khác biệt với các ví điện tử khác, WeChat Pay giống một ứng dụng xã hội hơn được hầu hết người dùng sử dụng để điều hướng cuộc sống hàng ngày của họ. Các mục đích sử dụng phổ biến là mua hàng tạp hóa, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền Wechat cho bạn bè, gửi bao lì xì Wechat và các giao dịch hàng ngày khác.
Cũng giống như WeChat Pay tận dụng hệ sinh thái hàng triệu người dùng của WeChat, ZaloPay với một hệ sinh thái hơn 100 triệu lượt người dùng của Zalo cũng đang là một lợi thế lớn so với các ví điện tử Việt Nam phải phát triển người dùng từ hệ sinh thái của mình.
>>>Có gì trong cú bắt tay giữa Grab Việt Nam và ZaloPay?
>>>Ví điện tử ZaloPay chính thức đến tay 100 triệu người dùng Zalo
Với giải pháp mới của mình, có vẻ ZaloPay sẽ tập trung hướng đến nhóm khách hàng doanh nghiệp nhiều hơn khi bước đầu bắt tay với The Pizza Company. Theo đánh giá của The Pizza Company, việc hợp tác này đã mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp, trong đó nổi bật nhất là giảm thiểu tối đa thời gian chờ đợi thanh toán cho khách hàng và tiết kiệm công sức quản lý tiền mặt cho nhà hàng như: hoàn tiền thừa cho khách, kiểm đếm và tổng kết doanh thu sau mỗi ca làm việc.
Hơn nữa, với giải pháp của ZaloPay, khách hàng chỉ cần đăng ký một lần duy nhất trên ứng dụng Zalo, sau đó khi thanh toán qua ZaloPay QR đa năng, hệ thống sẽ tự động tích điểm mà không cần khai báo mỗi lần thanh toán. Đây là điểm khác biệt với việc khách hàng sử dụng ngân hàng hoặc các ví điện tử khác để thanh toán các dịch vụ bán lẻ.
Tuy nhiên, ZaloPay có thể sẽ gặp không ít thách thức khi mà mới đây MoMo, ứng dụng ví điện tử nắm giữ thị phần cao nhất Việt Nam với 31 triệu người dùng cũng đã ra mắt mã QR đa năng, theo đó các cửa hàng đã có thể nhận thanh toán từ mọi ứng dụng ngân hàng và ví điện tử. Đặc biệt, các đối tác của MoMo còn nhận được nhiều quyền lợi hấp dẫn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, để tiếp tục duy trì thị phần các ví điện tử buộc phải tìm cách phát triển hệ sinh thái thông qua hợp tác với các ứng dụng khác để tăng sức cạnh tranh. Chẳng hạn, MoMo hợp tác với các ứng dụng như Gojek, Be hay là Ahamove. ZaloPay cũng hợp tác với các sàn thương mại điện tử Sendo, Tiki, Lazada, hay TikTok… Và xu hướng hợp tác thậm chí là mua bán sáp nhập (M&A), khiến thị trường ví điện tử có thể thay đổi cục diện trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm