Thị trường

3 yếu tố tác động đến triển vọng ngành bất động sản công nghiệp

Đình Đại 18/04/2025 03:14

Trong quý I/2025, cả Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM đều chưa có khu công nghiệp (KCN) mới nào đi vào hoạt động. Tuy nhiên, tổng nguồn cung đất KCN vẫn duy trì ổn định.

datkcn.jpg
Nguồn cung đất khu công nghiệp vẫn duy trì ổn định - Ảnh minh họa.

Theo Avison Young Việt Nam, trong quý I/2025, TP HCM vẫn chưa có KCN mới nào đi vào hoạt động, giữ nguyên tổng nguồn cung đất công nghiệp ở mức khoảng 5.000 ha. Trong đó, KCN Hiệp Phước giai đoạn 3 (393 ha), cùng KCN Phạm Văn Hai I (379 ha) và II (289 ha) đang được thành phố mời gọi đầu tư.

Tình hình hoạt động ổn định

Tình hình hoạt động của các KCN hiện hữu tại TP HCM trong quý đầu năm 2025 duy trì ổn định. Giá thuê đất trung bình đạt 243 USD/m²/kỳ hạn và tỉ lệ lấp đầy đạt 90%.

Avison Young Việt Nam cho biết, TP HCM đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao nhằm tạo động lực cho sự phát triển kinh tế và khoa học – công nghệ của thành phố. Ngoài Khu Công nghệ cao đã đi vào hoạt động, thành phố đang triển khai xây dựng Khu Công viên Khoa học Công nghệ tại phường Long Phước, TP. Thủ Đức. Khu vực này có diện tích gần 200 ha, nằm cách Khu Công nghệ cao hiện hữu khoảng 2 km và được kỳ vọng trở thành trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực. Khu công nghệ cao, theo kế hoạch, trong năm 2025, sẽ có 12 dự án được khởi công, bao gồm 10 dự án trong nước và 2 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1 tỷ USD.

“Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư đối với TP HCM, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Ngày 6/1, TP HCM đã khởi công dự án xây dựng nhà máy sản xuất sinh phẩm huyết tương tại Khu Công nghệ cao, đánh dấu dự án đầu tiên của năm tại đây”, Avison Young Việt Nam đánh giá.

Tương tự, tại Hà Nội, trong quý I/2025 cũng chưa có KCN mới nào đi vào hoạt động. Hiện tại, thành phố có 9 KCN và 1 khu công nghệ cao đang vận hành, với tổng diện tích đất tự nhiên gần 3.000 ha. Ngày 10/1, UBND TP Hà Nội phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2.000 cho hai KCN tại huyện Thường Tín và KCN sạch Sóc Sơn.

Cụ thể, KCN Bắc Thường Tín có diện tích khoảng 137 ha, thuộc các xã Văn Bình, Liên Phương, Ninh Sở, KCN Phụng Hiệp rộng gần 175 ha, thuộc các xã Tô Hiệu, Nghiêm Xuyên, Thắng Lợi, Dũng Tiến và KCN sạch Sóc Sơn với diện tích nghiên cứu gần 324ha, thuộc hai xã Minh Trí và Tân Dân, được quy hoạch theo hướng công nghiệp bền vững.

Trong quý này, thị trường bất động sản công nghiệp tại Hà Nội tiếp tục ổn định về giá và ghi nhận mức tăng nhẹ trong tỉ lệ lấp đầy. Giá thuê đất trung bình tại các KCN đạt 223 USD/m²/kỳ hạn, vẫn duy trì sức cạnh tranh so với các tỉnh khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Tỷ lệ lấp đầy tăng lên 93%, cao hơn khoảng 5% so với quý trước, nhờ KCN Hanssip giai đoạn 1 đã được lấp đầy hoàn toàn. Điều này phản ánh hiệu quả trong khai thác quỹ đất công nghiệp. Hiện hầu hết các dự án tại Hà Nội đều đạt tỷ lệ lấp đầy 100%.

Còn tại Đà Nẵng, Avison Young Việt Nam cho biết, đến quý I/2025, Đà Nẵng cũng chưa có thêm KCN mới đi vào hoạt động. Đà Nẵng hiện có 6 KCN, 1 khu công nghệ cao và 1 khu công nghệ thông tin, với tổng diện tích tự nhiên hơn 2.500 ha. Ngày 18/2, UBND TP Đà Nẵng chính thức công bố và khởi động dự án KCN Hòa Ninh (Phú Mỹ 3 Đà Nẵng IP) tại huyện Hòa Vang.

Đây là một trong những dự án quan trọng của thành phố, có diện tích hơn 400 ha, do Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ đầu tư, với tổng nguồn vốn lên tới 6.204 tỷ đồng. Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm kể từ khi được Nhà nước cho thuê đất và được quy hoạch theo hướng phát triển thành KCN hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

"Các KCN tại Đà Nẵng vẫn duy trì hoạt động ổn định, với mức giá thuê đất công nghiệp trung bình khoảng 98 USD/m²/kỳ hạn và tỉ lệ lấp đầy đạt 79%. Hiện các KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Đà Nẵng và KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng đã lấp đầy hoàn toàn", Avison Young Việt Nam cho biết.

BĐS CN
Nguồn: Avison Young Việt Nam.

Xu hướng phát triển KCN xanh

Đánh giá về triển vọng bất động sản công nghiệp trong thời gian tới, Avison Young Việt Nam chỉ ra 3 yếu tố chính có thể tác động đến triển vọng của ngành, cụ thể:

Thứ nhất, xu hướng phát triển khu công nghiệp thế hệ mới. Thay vì mô hình truyền thống, các KCN thế hệ mới đang tích hợp ba lớp dịch vụ gồm: hạ tầng thông minh (IoT, 5G), hệ sinh thái doanh nghiệp phụ trợ và tiện ích đa chức năng như trung tâm R&D, khu nhà ở công nhân. Đặc biệt, mô hình nhà xưởng cao tầng giúp tiết kiệm 40% diện tích, cho phép thuê linh hoạt theo module, hiện đã được áp dụng tại nhiều địa phương như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Hải Dương và Bắc Ninh.

Về hạ tầng công nghiệp xanh, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 có 30% khu công nghiệp đạt chứng chỉ LEED/xanh, mở ra cơ hội phát triển các dự án sử dụng vật liệu tái chế, hệ thống năng lượng mặt trời áp mái và xử lý nước thải tuần hoàn. Dự án Khu liên hợp công nghiệp Hàn Quốc tại Hưng Yên, với tổng vốn đầu tư 6.083 tỷ đồng, là một ví dụ tiêu biểu cho xu hướng này.

Thứ hai, Chính phủ phê duyệt loạt KCN mới. Đầu năm 2025, Chính phủ đã phê duyệt 14 dự án KCN mới trên cả nước. Các dự án này được triển khai tại Cần Thơ, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bình Phước, Bắc Giang, Hải Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, với tổng diện tích hơn 4.000 ha và tổng vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Việc phê duyệt các khu công nghiệp mới không chỉ giúp mở rộng quỹ đất công nghiệp mà còn tạo điều kiện thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Đồng thời, các dự án này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm và cải thiện cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, một số KCN còn được định hướng phát triển theo mô hình hiện đại, ứng dụng công nghệ cao và chú trọng yếu tố bền vững, phù hợp với xu hướng phát triển công nghiệp xanh. Với sự gia tăng nguồn cung KCN, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục sôi động, thu hút nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, logistics và công nghệ cao.

Thứ ba, Việt Nam hút vốn lớn vào trung tâm dữ liệu. Việt Nam đang trở thành điểm nóng mới trong cuộc đua trung tâm dữ liệu Đông Nam Á, với việc Saigon Asset Management (SAM) đầu tư 1,5 tỷ USD xây dựng trung tâm dữ liệu 150 MW tại Bình Dương. Dự án hợp tác cùng VSIP, triển khai trên 50 ha và vận hành giai đoạn đầu sau hai năm.

“Triển vọng của ngành trung tâm dữ liệu tại Việt Nam rất hứa hẹn nhờ nhu cầu lưu trữ và xử lý dữ liệu ngày càng tăng từ các doanh nghiệp và tập đoàn công nghệ toàn cầu. Với vị trí chiến lược, chi phí vận hành cạnh tranh và chính sách thu hút đầu tư, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm dữ liệu khu vực. Tuy nhiên, để thu hút thêm vốn FDI và mở rộng quy mô, cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng điện, mạng lưới kết nối và các chính sách ưu đãi cho ngành này”, Avison Young Việt Nam đánh giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
3 yếu tố tác động đến triển vọng ngành bất động sản công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO