Thị trường

Bất động sản công nghiệp ảnh hưởng ra sao nếu Mỹ áp thuế 46%?

Diệu Hoa 08/04/2025 05:28

Thay vì mở rộng đầu tư, nhiều doanh nghiệp FDI đang có xu hướng trì hoãn, quan sát tình hình và chờ những quyết định chính thức từ phía Mỹ.

Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố chính sách thuế quan đối ứng mới nhằm siết chặt hoạt động nhập khẩu vào Mỹ.

Bất động sản công nghiệp sẽ phát triển mạnh và lan tỏa đến các phân khúc khác.
Bất động sản công nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách thuế quan từ Mỹ.

Nguy cơ dịch chuyển dòng vốn

Theo thông báo, kể từ ngày 5/4, tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ sẽ bị áp thuế 10%. Đáng chú ý, từ ngày 9/4, mức thuế cao hơn sẽ được áp dụng đối với những quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ – trong đó Việt Nam là một trong những nước chịu mức thuế cao nhất, lên đến 46%.

Đây được xem là động thái mạnh tay nhằm cân bằng cán cân thương mại của Mỹ với thế giới. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra những lo ngại sâu sắc trong cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam – nơi Mỹ vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực.

Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp FDI – đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn từ Mỹ, Trung Quốc và Hong Kong – đang cân nhắc việc dịch chuyển một phần hoạt động sản xuất, nhất là các công đoạn hoàn thiện và đóng gói sản phẩm, sang những quốc gia có mức thuế thấp hơn như Ấn Độ hay Indonesia. Động thái này nhằm tránh việc bị áp thuế cao khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Hệ quả kéo theo là lĩnh vực bất động sản công nghiệp và dịch vụ logistics tại Việt Nam có thể sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Cấp cao, Trưởng Bộ phận Tư vấn & Giao dịch của CBRE Việt Nam nhận định: “Thị trường địa ốc Việt Nam chắc chắn sẽ chịu tác động khi Mỹ chính thức áp thuế 46% lên hàng hóa từ Việt Nam. Đặc biệt, lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện tử sẽ bị ảnh hưởng rõ nét nhất do Mỹ nghi ngờ đây chỉ là trạm trung chuyển để tái xuất sang Mỹ nhằm lách thuế.”

Hiện tại, theo ông Hiếu, tác động chủ yếu vẫn ở mức tâm lý, khi các doanh nghiệp đang kỳ vọng vào các động thái đàm phán từ Chính phủ Việt Nam để giảm nhẹ mức thuế. “Kịch bản thận trọng là thuế sẽ được điều chỉnh thấp hơn, kèm theo việc một số mặt hàng được đưa vào danh sách loại trừ khỏi mức thuế cao hoặc chỉ chịu thuế tiêu chuẩn,” ông nói.

CBRE với tư cách là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đã gửi kiến nghị đến Chính phủ Mỹ, đề xuất hoãn áp dụng mức thuế mới để tạo cơ hội cho đối thoại và điều chỉnh chính sách.

Tâm lý thận trọng cũng đang lan rộng trong các doanh nghiệp thuê đất khu công nghiệp và thuê kho xưởng. Thay vì mở rộng đầu tư, nhiều nhà đầu tư có xu hướng trì hoãn, quan sát tình hình và chờ những quyết định chính thức từ phía Mỹ.

Tác động lan tỏa: Từ khu công nghiệp đến thị trường nhà ở

Theo phân tích của CBRE, sự sụt giảm nhu cầu từ dòng vốn FDI, đặc biệt là nhóm khách hàng nói tiếng Trung như từ Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong, sẽ dẫn đến tác động dây chuyền đến các lĩnh vực khác. Một trong số đó là thị trường bất động sản nhà ở, nơi nhóm khách hàng FDI này từng là lực lượng chính thuê và mua căn hộ.

Giá nhà quá cao, người lao động trẻ khó mua được nhà. Ảnh: DH
Thị trường nhà ở cho thuê có thể bị ảnh hưởng gián tiếp. Ảnh: DH

Tuy nhiên, thị trường văn phòng được cho là sẽ ít bị ảnh hưởng hơn do khách Trung Quốc chỉ chiếm thị phần nhỏ trong phân khúc này. Trong khi đó, thị trường bán lẻ vẫn đang ghi nhận xu hướng mở rộng từ các doanh nghiệp Trung Quốc, bởi họ tập trung vào tiêu dùng nội địa tại Việt Nam, do vậy không bị ảnh hưởng bởi các chính sách thuế quan của Mỹ.

Dưới góc nhìn tích cực, ông Hiếu cho rằng chính sách thuế mới cũng mở ra cơ hội để thị trường điều chỉnh và tái cấu trúc.

Thứ nhất, việc giảm lượng khách hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ sẽ tạo sức ép để các chủ đầu tư khu công nghiệp xem xét lại mức giá thuê đất và kho xưởng – vốn đang ở mức cao so với các quốc gia trong khu vực như Indonesia hay Thái Lan.

Thứ hai, đây cũng là cơ hội để các chủ đầu tư đa dạng hóa nguồn khách hàng, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường cụ thể như Trung Quốc. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng đã siết chặt quy định cấp phép doanh nghiệp chế xuất (EPE), hạn chế tình trạng tạm nhập tái xuất không mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế, đồng thời giảm thiểu rủi ro bị Mỹ xem là “trạm trung chuyển”.

Trong ngắn hạn, ông Hiếu dự báo các chủ đầu tư khu công nghiệp sẽ áp dụng chiến lược thận trọng như giãn tiến độ dự án, hoãn khởi công các khu công nghiệp mới cho đến khi có thêm thông tin chính thức từ phía Mỹ. Về dài hạn, thị trường cho thuê kho xưởng sẽ có sự điều chỉnh về giá và quy mô, đồng thời nhiều thương vụ M&A (mua bán, sáp nhập) sẽ diễn ra nhằm cơ cấu lại dòng vốn và tài sản.

Một thách thức khác cũng đang đặt ra cho các chủ đầu tư là những dự án khu công nghiệp xanh – vốn đòi hỏi chi phí đầu tư cao và kỳ vọng hút dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc. Việc Mỹ tăng thuế có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng này trong trung hạn và dài hạn.

Dẫu vậy, theo chuyên gia CBRE, khu công nghiệp xanh vẫn là mô hình cần thiết và phù hợp với xu hướng phát triển bền vững toàn cầu. Các dự án lớn như Pandora và Lego tại khu công nghiệp VSIP 3 (Bình Dương) là minh chứng rõ rệt cho việc đầu tư bài bản, hướng đến mục tiêu xanh và phục vụ thị trường toàn cầu, thay vì chỉ tập trung vào Trung Quốc hay Mỹ. Do vậy, các khu công nghiệp này được cho là ít rủi ro hơn và vẫn có thể hút vốn FDI chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bất động sản công nghiệp ảnh hưởng ra sao nếu Mỹ áp thuế 46%?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO