Dù thị trường chứng khoán trong bối cảnh đi xuống nhưng thống kê trên sàn cho thấy nhóm chứng khoán vẫn đang dẫn đầu huy động vốn qua phát hành cổ phiếu.
>>> “Bấp bênh” cổ phiếu cảng và vận tải biển
Tính từ đầu năm đến nay đã có nhiều doanh nghiệp thành công huy động vốn qua sàn chứng khoán. Trong đó, nhóm chứng khoán, ngân hàng dẫn đầu về số lượng. Riêng nhóm chứng khoán có những cái tên dẫn đầu như SSI, VNDirect, VIX, SHS.
Theo đó, SSI đã phát hành hơn 496,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông với giá 15.000 đồng/cp thu về 7.446 tỷ đồng đồng thời nâng vốn điều lệ lên hơn 14.911 tỷ đồng. Cho đến thời điểm này SSI là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn, giữ vững vị trí công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam.
Ngày 9/9 vừa qua Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa chấp thuận cho SSI niêm yết bổ sung 496,3 triệu cổ phiếu, qua đó nâng số cổ phiếu niêm yết từ 994,7 triệu đơn vị lên 1,49 tỷ đơn vị. Trong đó, 469,8 triệu cổ phiếu SSI chào bán ra công chúng được tự do chuyển nhượng sẽ được giao dịch từ ngày 9/9, còn 26,5 triệu cổ phiếu chưa phân phối hết nhượng lại cho nhà đầu tư bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm sẽ được giao dịch 9/8/2023.
Như vậy nếu niêm yết trên sàn, SSI sẽ có 1,49 tỷ đơn vị cổ phiếu giao dịch. Với việc tăng vốn bằng giấy đã khiến một khối lượng lớn cổ phiếu này bị pha loãng. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/9, cổ phiếu SSI còn 19.800 đồng/cp sau khi đạt đỉnh hơn 50.000đ/cổ phiếu trong đầu năm 2001. Theo SSI, việc tăng vốn điều lệ nhằm bổ sung vốn kinh doanh, đặc biệt nâng cao năng lực cho vay giao dịch ký quỹ và năng lực đầu tư. Trong bối cảnh áp lực lãi suất tăng và thị trường chứng khoán có nhiều biến động, việc tăng vốn sẽ củng cố tiềm lực tài chính vững mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của SSI.
Tiếp theo là Công ty Vndirect đã thực hiện niêm yết bổ sung 782,9 triệu cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HSX) để đưa cổ phiếu vào giao dịch. Theo đó, tổng số cổ phiếu giao dịch trên thị trường sẽ tăng từ 434,9 triệu đơn vị lên hơn 1,2 tỷ đơn vị. Trước đó, cuối năm 2021, VNDirect đã công bố Nghị quyết HĐQT triển khai việc thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng và phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Cụ thể, doanh nghiệp phát hành tổng cộng 782,9 triệu cổ phiếu, trong đó 434,9 triệu đơn vị là chào bán ra công chúng, tỷ lệ 1:1 và 348 triệu đơn vị là thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ 80%. Sau phát hành, vốn điều lệ sẽ tăng từ 4.349 tỷ đồng lên 12.178 tỷ đồng.
Với phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu, giá chào bán là 10.000 đồng/cp, nguồn tiền huy động khoảng 4.349 tỷ đồng để tăng quy mô vốn hoạt động, mở rộng năng lực cho vay ký quỹ, kinh doanh nguồn trên thị trường vốn, bảo lãnh phát hành trái phiếu. Tính đến phiên giao dịch ngày 30/9, cổ phiếu VND hiện giao dịch quanh mức 17.000 đồng/cp, giảm gần 50% so với mức đỉnh do số lượng cổ phiếu tiếp tục bị pha loãng. VND và SSI là 02 đơn vị có khối lượng cổ phiếu niêm yết hơn 1 tỷ đơn vị, lớn nhất thị trường chứng khoán.
Doanh nghiệp thứ ba là Chứng khoán SHS, phát hành hơn 325 triệu cổ phiếu, giá 12.000 đồng/cổ phiếu thu về hơn 3.900 tỷ đồng. Theo đó vốn điều lệ SHS tăng từ hơn 6.505 tỷ đồng lên hơn 8.131 tỷ đồng. Với vốn điều lệ mới, SHS đứng thứ 4 thị trường, sau SSI, VND và Chứng khoán VPS. Với khối lượng lớn cổ phiếu niêm yết trên sàn cổ phiếu SHS tiếp tục bị pha loãng, đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/9 cổ phiếu SHS chỉ còn 10.500 đồng/cp.
Bên cạnh đó, từ ngày 23/8, cổ phiếu SHS vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ (margin) do lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 tại Báo cáo tài chính bán niên năm 2022 được soát xét bởi công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC là số âm.
Chứng khoán VIX phát hành 274,6 triệu cổ phiếu giá 15.000 đồng/cp thu về 4.119 tỷ đồng. Sau khi phát hành thành công, số lượng cổ phiếu lưu hành sẽ hơn 582 triệu cp. Vốn điều lệ của VIX sẽ tăng lên hơn 5.820 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu hoạt động của VIX đạt gần 768 tỷ đồng, giảm 11% so cùng kỳ; lãi ròng ở mức 326.5 tỷ đồng, giảm 23%.
Kể từ đầu năm, làn sóng huy động vốn từ các CTCK lớn nhằm bắt kịp nhu cầu gia tăng của nhà đầu tư cá nhân hoặc phục vụ cho việc bảo lãnh phát hành, với mục đích giành thêm thị phần và thúc đẩy hơn nữa thu nhập của bộ phận nguồn vốn . Những CTCK có bộ phận nguồn vốn mạnh thường có đòn bẩy tài chính cao hơn, do đó, những Công ty Chứng khoán này có thể có nguồn doanh thu đa dạng.
Có thể nói, VND, SSI, VIX, SHS không phải trường hợp duy nhất huy động hàng nghìn tỷ đồng qua sàn chứng khoán. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn trình phương án tăng gấp đôi, gấp ba quy mô vốn điều lệ trong năm 2021. Ngoài ra, các doanh nghiệp bất động sản hay doanh nghiệp sản xuất cũng tham gia vào các đợt tăng vốn khủng này.
Theo các chuyên gia, năm 2021 là năm kỷ lục về lượng vốn huy động qua phát hành cổ phần của các doanh nghiệp niêm yết nói chung và ngành chứng khoán nói riêng. Hình thức huy động vốn cổ phần được các doanh nghiệp ưa chuộng nhất là chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ. Đây là nguyên nhân hàng tấn giấy được đưa niêm yết trên sàn khiến áp lực pha loãng cổ phiếu rất lớn và nhiều cổ phiếu ngành chứng khoán giảm sâu dưới cả giá trị sổ sách trong năm 2022.
Có thể bạn quan tâm
Ngành Chứng khoán: Dịch vụ môi giới khách hàng tổ chức rơi vào tay ai?
05:35, 30/09/2022
Thị trường biến động, lợi nhuận của nhóm ngành chứng khoán sẽ ra sao?
05:27, 28/09/2022
Thị trường chứng khoán ra sao trong tuần đầu giao dịch lô lẻ?
15:00, 17/09/2022
“Kịch bản” cho ngành chứng khoán cuối năm
05:28, 16/09/2022