Nghiên cứu - Trao đổi

Bàn giải pháp để “xanh” hóa vận tải biển

Yến Nhung 19/12/2024 04:30

Nhiều doanh nghiệp doanh nghiệp cảng biển vẫn còn khó khăn trong chuyển đổi xanh do chưa có tiêu chí cụ thể, cơ chế chính sách hỗ trợ…

Thực tế, biến đổi khí hậu đã hiện hữu, và nước biển dâng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước tình trạng này, các tổ chức quốc tế và các nước phát triển đã tập trung xử lý vấn đề biến đổi khí hậu, Việt Nam với tư cách là một thành viên cũng cam kết tham gia tích cực vào quá trình này. Tại châu Âu, người dân đã phổ biến việc sử dụng xe điện, đồng thời hạn chế xe chạy bằng xăng. Trong ngành hàng hải, nhiều đơn vị đã đóng tàu sử dụng nhiên liệu sạch, phù hợp với xu thế phát triển xanh. Nhiều quốc gia tiên tiến như Mỹ, Trung Quốc, Singapore đã liên kết thành lập “vành đai hàng hải xanh”, kết nối các cảng và hãng tàu đạt tiêu chuẩn xanh quốc tế. Đây là xu hướng tất yếu giúp cảng biển nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

can-chinh-sach-khuyen-khich-chuyen-doi-xanh-cho-linh-vuc-van-tai-bien (3)
Nhiều quốc gia tiên tiến như Mỹ, Trung Quốc, Singapore đã liên kết thành lập “vành đai hàng hải xanh”, kết nối các cảng và hãng tàu đạt tiêu chuẩn xanh quốc tế - Ảnh: ITN

Tại Việt Nam, tháng 6 năm 2021, Cục Hàng hải Việt Nam đã ra Quyết định số 710/QĐ-CHHVN ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển cảng xanh tại Việt Nam với 6 nhóm tiêu chí đánh giá mức độ đạt Cảng xanh tại các cảng và lộ trình thực hiện từng năm, từ sự tự nguyện của các cảng, đến bắt buộc sau năm 2030. Tuy vậy, lộ trình chuyển đổi này vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tiếp cận nguồn đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết. Mặc dù các loại nhiên liệu bền vững như methanol, amoniac, hydrogen, và năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) được kỳ vọng sẽ thay thế nhiên liệu hóa thạch, nhưng giá thành của những nhiên liệu này hiện nay vẫn còn rất cao; cơ sở hạ tầng cảng biển hiện nay vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu hỗ trợ nhiên liệu xanh...

Để quá trình chuyển đổi xanh đạt kết quả mong muốn, TS Dư Văn Toán, Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị, Chính phủ và các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ vào nâng cấp các cảng biển, thiết lập các cơ sở lưu trữ và cung cấp nhiên liệu xanh như methanol, hydrogen hoặc amoniac. Điều này cũng đòi hỏi sự hợp tác với các tổ chức quốc tế và các nhà sản xuất nhiên liệu để xây dựng mạng lưới cung cấp đáng tin cậy.

Đặc biệt, Chính phủ cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ tài chính như trợ cấp, ưu đãi thuế cho các dự án liên quan đến phát triển nhiên liệu sạch và đội tàu hiện đại. Cùng với đó, việc ban hành luật và chính sách bảo đảm các tiêu chuẩn khí nhà kính sẽ thúc đẩy doanh nghiệp vận tải tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, ông Hoàng Hồng Giang, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, các cảng lớn đã từng bước chuyển đổi xanh, đây là một tín hiệu tốt vì đã tiên phong trong chuyển đổi xanh.

“Việc xây dựng các nghị định và khung pháp lý sẽ mất thời gian, tuy nhiên, Nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ để doanh nghiệp tự tin thực hiện chuyển đổi. Khi đã có tiêu chí xanh, đã có các đơn vị đánh giá xanh ra sao, sau này sẽ sử dụng để đưa ra khung giá, tạo nguồn thu cho các cảng xanh. Về chính sách, cần thêm nhiều ưu đãi như giảm giá, miễn hoặc giảm thuế để hỗ trợ chuyển đổi xanh " ông Giang nhấn mạnh.

img-bgt-2021-tcit-1-1658723898-width700height351-16640826515572100375688.jpg
Cần có tiêu chí cụ thể, cơ chế chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp cảng biển chuyển đổi xanh - Ảnh: ITN

Từ thực tế doanh nghiệp, ông Phan Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc cảng SSIT cho biết, các cảng tại cụm Cái Mép - Thị Vải đang thực hiện các tiêu chí cảng xanh theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, việc đầu tư phương tiện chạy điện hoặc sử dụng năng lượng sạch vẫn là bài toán lớn do cần nguồn lực tài chính dồi dào.

Trong bối cảnh hậu Covid-19 và nền kinh tế thế giới tăng trưởng chưa như kỳ vọng, các doanh nghiệp cảng và hàng hải đối mặt với thách thức lớn trong việc đầu tư chuyển đổi xanh. Ngoài ra, một số cảng quốc tế đã được đầu tư hiện đại ngay từ ban đầu, hiện cơ bản đạt hoặc gần đạt các tiêu chí cảng xanh, và có thể tự công bố sớm trước thời điểm năm 2030 khi bộ tiêu chí có hiệu lực bắt buộc.

"Hiện tại, chính sách hỗ trợ và ưu đãi chưa rõ ràng, đặc biệt là các cơ chế nhằm thúc đẩy doanh nghiệp cảng nhanh chóng đạt các tiêu chí cảng xanh, tăng sức cạnh tranh của cảng biển Việt Nam với khu vực và quốc tế, đồng thời đảm bảo tiến độ xanh hóa cảng biển", ông nhấn mạnh.

Từ đó, ông Phan Hoàng Vũ đề nghị, cơ quan quản lý, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam xem xét các chính sách hỗ trợ. Cùng với đó, Bộ Công Thương cần ban hành chính sách khuyến khích đầu tư năng lượng mặt trời theo hình thức tự sản xuất, tự tiêu thụ để giảm phát thải. Đồng thời, cần áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với các thiết bị, công nghệ nhập khẩu phục vụ chuyển đổi xanh tại cảng biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bàn giải pháp để “xanh” hóa vận tải biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO