Bảo hiểm còn cơ hội bứt phá

LÊ MỸ thực hiện 21/09/2023 11:50

Dù thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) đang khó khăn sau khủng hoảng niềm tin từ phía khách hàng, nhưng còn cơ hội bứt phá trong dài hạn.

>>>Bảo hiểm phi nhân thọ và điều kiện giữ đà tăng trưởng

DĐDN đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia tài chính - ngân hàng Huỳnh Trung Minh về triển vọng của ngành BHNT.

Khách hàng còn “nhạy cảm” với bảo hiểm

- Thưa chuyên gia, ông đánh giá như thế nào về tác động của những khó khăn này đối với hoạt động kinh doanh của nhóm bảo hiểm cũng như nhóm ngân hàng?

Trước hết, chúng ta thấy do khủng hoảng của giai đoạn vừa qua, doanh thu của ngành bảo hiểm nhân thọ đã sụt giảm. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 112.741 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 34.910 tỷ đồng, tăng trưởng 1,3% so với cùng kỳ 2022; trong khi đó, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 77.831 tỷ đồng, giảm 7,9% với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý là bên cạnh lượng hợp đồng khai thác mới giảm mạnh, tỷ lệ hủy bỏ hợp đồng cao, đặc biệt ở nhiều công ty có hợp tác bancassurance (banca) cùng ngân hàng, cho thấy khó khăn chung của thị trường bảo hiểm cũng liên quan và tác động đến ngành ngân hàng. Nếu chúng ta thống kê đầy đủ, sẽ thấy nhiều ngân hàng trước đây rất mạnh về thị phần và nguồn thu bảo hiểm đã phải chững lại doanh thu phí. Tuy nhiên, một số tổ chức vẫn có cơ hội để vươn lên nếu dịch vụ sản phẩm và chất lượng tư vấn tốt, tỷ lệ khách hàng khiếu nại thấp…

Chuyên gia Huỳnh Trung Minh

Chuyên gia Huỳnh Trung Minh

- Nói riêng về banca, ngân hàng cũng đang gặp khó khăn ở mảng này khi nguồn thu phí dịch vụ suy giảm. Theo ông tác động này sẽ kéo dài bao lâu?

Rất khó để đánh giá tác động này sẽ kéo dài bao lâu, vì hoạt động kinh doanh bảo hiểm luôn chịu nhiều tác động bởi nền kinh tế trong và ngoài nước. Chúng ta thấy rằng các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, liên kết chung… đều ghi nhận sụt giảm doanh số tại các công ty bảo hiểm. Điều đó cho thấy rằng khách hàng đang “khá nhạy cảm” với các sản phẩm gắn cùng các cụm chữ “liên kết”, “đầu tư”, mặc dù bản chất của các sản phẩm nếu thực hiện đúng và tư vấn đúng, được khách hàng tự nguyện mua, thì nó sẽ không vấn đề gì. Cần phải nhìn nhận thực tế ở thời điểm hiện tại, kinh tế toàn cầu và đặc biệt kinh tế Việt Nam trong giai đoạn gần đây phải đối diện khá nhiều thách thức, hàng loạt công ty thua lỗ, phá sản, kể cả các tập đoàn đa quốc gia, lâu đời…mà chúng ta dễ dàng đọc thấy trên các phương tiện truyền thông. Đã gọi là đầu tư thì đôi khi cũng gặp phải rủi ro, do đó chuyện những năm trước lãi tốt, năm nay lãi thấp hơn hay thậm chí lỗ cũng là điều cần chia sẻ với các doanh nghiệp đầu tư.

>>>Bancassurance sắp bị hạn chế tăng trưởng vì đâu?

Nhìn rộng ra, trên thế giới, đây là các sản phẩm phổ biến, và cũng cần hiểu những sản phẩm đầu tư liên quan đến bảo hiểm đa phần là các sản phẩm mang tính dài hạn, do đó, trong ngắn hạn nếu các chỉ số Lãi - Lỗ có điều chỉnh thì cũng thể hiện đúng bản chất của “đầu tư dài hạn”. Chắc chắn, với bề dài kinh nghiệm của mình, các công ty bảo hiểm sẽ nhanh chóng điều chỉnh danh mục đầu tư nhằm đem lại kết quả tốt nhất cho khách hàng của mình và bản thân các công ty bảo hiểm. Chưa kể, chúng ta cần luôn nhớ tham gia bảo hiểm thì ngoài đầu tư, yếu tố bảo vệ vẫn là quan trọng nhất.

Vấn đề là cách triển khai, tiếp cận đến khách hàng có nhiều chỗ, nhiều nơi, nhiều công đoạn chưa phù hợp, chủ yếu ở chỗ con người: nhân sự tư vấn dịch vụ có thể chưa nắm bắt rõ, chưa được đào tạo đầy đủ. Như báo chí đã phản ánh là cũng có việc ép khách hàng khi đến ngân hàng, muốn được vay phải tham gia bảo hiểm, ngân hàng tự động trừ tiền phí trước, nhập nhằng giữa sản phẩm bảo hiểm đầu tư và tiết kiệm, trái phiếu, thậm chí có trường hợp tự động chuyển sản phẩm tiền gửi thành bảo hiểm đầu tư mà các cơ quan chức năng đang xử lý...v.v

Tôi cho rằng việc các cơ quan quản lý ráo riết vào cuộc nhanh chóng nhằm bảo vệ quyền lợi người dân, thực hiện thanh kiểm tra vừa qua, cũng như đang tiếp tục chấn chỉnh quản lí, giám sát thị trường bảo hiểm, banca, sẽ làm những “con sâu làm rầu nồi canh” khó tồn tại, người dân sẽ tiếp tục có niềm tin vào bản chất tốt đẹp của bảo hiểm. Chưa kể các doanh nghiệp bảo hiểm, các ngân hàng có hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng đã rút ra được các bài học quý báu cho mình, đặc biệt là các khách hàng đã hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình cũng như những lợi ích mà bảo hiểm đem lại, sau giai đoạn này, chắc chắn thị trường sẽ tốt hơn.

Thị trường cần thời gian để hoàn thiện

Thị trường bảo hiểm nhân thọ trải qua hơn 20 năm nhưng vẫn còn khá non trẻ. Ảnh minh họa

Thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn còn khá non trẻ. Ảnh minh họa

- Theo ông, ngành ngân hàng và bảo hiểm cần làm gì để rút ngắn đợt khủng hoảng niềm tin; các đợt thanh tra của Nhà nước liệu đã đủ?

Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra. Các đường dây nóng của Liên cơ quan (Bộ Tài chính, NHNN), các công văn chấn chỉnh và có chế tài xử phạt các TCTD nếu sai quy định từ NHNN, cũng như việc Bộ Tài chính thanh kiểm tra, công khai kết quả kiểm tra tại 4 doanh nghiệp Bảo hiểm, hay sẽ tiếp thanh kiểm tra, NHNN thanh tra chuyên đề… theo tôi đều đang phát huy hiệu quả. Có thể thấy hiện tại gần như còn khá ít khiếu nại từ doanh nghiệp, người dân khi tiếp cận tín dụng là bị ép “mua bia kèm lạc”. Đặc biệt như tôi nói ở trên, hai đối tượng quan trọng nhất là khách hàng và bên tham gia bảo hiểm đã có nhiều kinh nghiệm quý báu khi lựa chọn tham gia và cung cấp dịch vụ bảo hiểm.

Việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng cũng cần có thêm nhiều cải thiện: các chương trình đào tạo phải thiết thực, quản lí nhân sự phải chặc chẽ, tính kỹ luật, minh bạch cao, nhân viên tư vấn am hiểu sản phẩm, tư vấn đúng, đủ, đảm bảo khách hàng đều được tư vấn và hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình, tôn trọng tính tự nguyện của khách hàng; cùng với đó là xây dựng các sản phẩm phù hợp đối tượng khách hàng phân khúc có sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, chi trả quyền lợi khách hàng nhanh chóng, rõ ràng… Đây là những việc mà các tổ chức cần tiếp tục triển khai, nhưng thật sự dù trải qua hơn 20 năm kể từ khi doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam, thị trường Việt Nam vẫn còn khá non trẻ và cũng cần có thời gian mới có thể hoàn thiện và phát triển.

Cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!

Có thể bạn quan tâm

  • Đề nghị cân nhắc quy định trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

    Đề nghị cân nhắc quy định trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

    17:00, 17/08/2023

  • Lợi nhuận tăng trưởng, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã hết khó?

    Lợi nhuận tăng trưởng, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã hết khó?

    11:00, 13/08/2023

  • Tăng cường thanh tra, xử lý doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội

    Tăng cường thanh tra, xử lý doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội

    00:30, 02/08/2023

  • Đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Bảo hiểm minh bạch”p/e-KYC

    Đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Bảo hiểm minh bạch” e-KYC

    09:43, 03/08/2023

  • Bảo hiểm Hàng không có tân Tổng giám đốc

    Bảo hiểm Hàng không có tân Tổng giám đốc

    16:18, 27/07/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bảo hiểm còn cơ hội bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO