Kiến nghị

Bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp sử dụng đất

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn 16/06/2025 04:00

VCCI nhấn mạnh sự cần thiết phải rà soát, hoàn thiện các quy định theo hướng minh bạch, có căn cứ pháp lý rõ ràng và bảo đảm quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có ý kiến góp ý gửi Bộ Tài chính về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 103/2024/NĐ-CP quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và Nghị định 104/2024/NĐ-CP quy định về Quỹ phát triển đất (Dự thảo). Góp ý được đưa ra trên cơ sở tổng hợp phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp, nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch và hợp lý trong các quy định pháp luật liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất đai.

2 2 (1)
VCCI đặc biệt quan tâm là quy định về cách tính tiền sử dụng đất trong thời kỳ chuyển tiếp giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024

Một trong những nội dung được VCCI đặc biệt quan tâm là quy định về cách tính tiền sử dụng đất trong thời kỳ chuyển tiếp giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024, được đề cập tại Điều 50 Nghị định 103/2024/NĐ-CP. Mặc dù Dự thảo đã có điều chỉnh tại khoản 18 Điều 3 để bước đầu làm rõ hơn cơ chế tài chính trong giai đoạn chuyển tiếp, nhưng theo phản ánh từ doanh nghiệp, quy định này vẫn chưa xác định rõ ràng trách nhiệm giữa các chủ thể, còn thiếu công bằng và hợp lý.

Cụ thể, quy định tại khoản 1 Điều 50 (sửa đổi) yêu cầu người sử dụng đất đã nộp đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo thông báo trước đó vẫn phải nộp bổ sung phần chênh lệch cùng khoản tiền chậm nộp lên đến 5,4%/năm trong trường hợp cơ quan nhà nước tính lại. VCCI cho rằng, đây là quy định không công bằng khi doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ tài chính theo yêu cầu của cơ quan nhà nước. Không những vậy, quy định này còn mang tính hồi tố bất lợi, không phù hợp với Điều 55 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, làm suy giảm tính ổn định và dự đoán của hệ thống pháp luật, đi ngược với định hướng tạo dựng môi trường đầu tư an toàn, minh bạch của Đảng và Nhà nước.

Một bất cập khác nằm ở việc yêu cầu doanh nghiệp nộp tiền chậm trong cả trường hợp chậm trễ có nguyên nhân từ phía cơ quan nhà nước. Cụ thể, theo điểm a2 khoản 2 Điều 50 (sửa đổi), nếu thời hạn chưa tính tiền sử dụng đất kéo dài quá 180 ngày, doanh nghiệp vẫn bị áp dụng mức tính chậm nộp 5,4%/năm cho phần thời gian vượt quá. Tuy nhiên, trong thực tế, việc kéo dài thời gian tính tiền sử dụng đất có thể hoàn toàn do lỗi của cơ quan nhà nước, chẳng hạn như chậm phê duyệt kết quả thẩm định, chậm ký hợp đồng tư vấn, thiếu hướng dẫn kỹ thuật…

3a5838b39ed0578e0ec1 (1)
Cần thiết hoàn thiện các quy định theo hướng minh bạch, có căn cứ pháp lý rõ ràng và bảo đảm quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất

Yêu cầu doanh nghiệp gánh trách nhiệm trong những trường hợp như vậy là không hợp lý và tạo ra gánh nặng tài chính không đáng có.

Ngoài ra, cách thiết kế quy định hiện tại về “tính lại tiền sử dụng đất” cũng được VCCI đánh giá là chưa rõ ràng, tiềm ẩn rủi ro pháp lý. Khoản 1 Điều 50 (sửa đổi) đã tách riêng nội dung tính lại tiền sử dụng đất thành điểm b, không còn gắn với hành vi chậm nộp ở điểm a. Điều này có thể dẫn đến cách hiểu rằng cơ quan nhà nước có thể tùy ý tính lại tiền sử dụng đất, kể cả trong các trường hợp doanh nghiệp đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ. Việc thiếu căn cứ, tiêu chí rõ ràng và không có giới hạn thời hiệu sẽ mở ra khả năng bị lạm dụng, gây bất ổn và rủi ro lớn cho doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch tài chính và đầu tư.

Từ những vấn đề trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét loại bỏ quy định tính lại tiền sử dụng đất trong trường hợp người sử dụng đất đã nộp đủ tiền, đồng thời gộp lại các quy định liên quan nhằm đảm bảo tính logic và dễ hiểu. Dự thảo cũng cần bổ sung rõ các trường hợp cụ thể được phép tính lại tiền sử dụng đất, xác định thời hiệu áp dụng để bảo vệ tính ổn định pháp lý.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi quy định về tính thời gian chậm nộp theo hướng trừ đi phần thời gian thực tế cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục chuyên môn. Những điều chỉnh tương tự cũng cần được áp dụng với khoản 19 Điều 3 của Dự thảo, liên quan đến sửa đổi khoản 7 Điều 51 và khoản 9 Điều 51 Nghị định 103/2024/NĐ-CP.

Về quy định tính tiền thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng đất tại điểm b1 khoản 3 Điều 34 (sửa đổi), VCCI nhận thấy vẫn còn một số điểm chưa được làm rõ. Khái niệm “giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp” chưa xác định rõ được tính theo bảng giá đất, giá thị trường hay giá cụ thể do Hội đồng thẩm định xác nhận. Đồng thời, nội dung quy định về việc quy đổi khoản tiền đất trước khi chuyển đổi thành thời gian nộp tiền thuê đất chưa rõ ràng, gây lúng túng trong thực thi. Doanh nghiệp chưa thể xác định được liệu họ có được miễn số năm đóng tiền thuê đất tương ứng với giá trị đã nộp hay không.

Tương tự, tại điểm b2 khoản 3 Điều 34, VCCI đề nghị làm rõ cơ sở áp dụng đơn giá thuê đất trả tiền hàng năm và cơ chế khấu trừ giá trị đất đã nộp trước đó. Những quy định này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm quyền lợi hợp pháp và giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong kế hoạch tài chính khi có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp sử dụng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO