Ông Nguyễn Văn Tuấn – CEO GLEX vừa đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu của Chứng khoán VIX. Sau giao dịch, nhóm ông Tuấn sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại VIX lên 25,12% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
>>>Cổ phiếu GEX bị khối ngoại bán mạnh, vì sao?
Ông Nguyễn Văn Tuấn, em trai của bà Nguyễn Thị Tuyết – Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) vừa có đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu VIX; Giá trị giao dịch dự kiến theo mệnh giá là 10 tỷ đồng; phương thức giao dịch là mua thỏa thuận từ ông Phan Đức Lĩnh. Thời gian giao dịch từ ngày 7/07 - 5/08/2022.
Được biết, ông Nguyễn Văn Tuấn và những người liên quan hiện đang nắm giữ 136.952.922 cổ phiếu, tương ứng với 24,94% tổng số cổ phiếu VIX đang lưu hành. Sau khi giao dịch mua này thành công, ông Tuấn và những người có liên quan sẽ nắm giữ 137.952.922 cổ phiếu, tương ứng với 25,12% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của VIX. Riêng cá nhân ông Nguyễn Văn Tuấn, sau giao dịch sẽ nắm giữ 82.441.678 cổ phiếu, tương đương với 15,02% tổng số cổ phiếu VIX đang lưu hành.
Ông Nguyễn Văn Tuấn hiện là Tổng giám đốc của Tập đoàn GLEX (HoSE: GEX). Ông Tuấn đang nắm giữ hơn 203 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 23,75% vốn điều lệ của GEX. Ngoài ra, ông Tuấn cũng đang là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vigalcera (HoSE: VGC).
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính riêng quý I/2022, VIX có doanh thu hoạt động giảm 13% so với cùng kỳ xuống mức 446,2 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm mạnh 40% so với cùng kỳ xuống 257,2 tỷ đồng.
Ngược lại, lãi từ cho vay và phải thu lại tăng mạnh gấp 3 lần lên 78 tỷ đồng. Doanh thu môi giới tăng gấp đôi lên hơn 70 tỷ đồng trong khi doanh thu bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán cũng tăng 71% so với cùng kỳ lên 35,2 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động được tiết giảm 18% so với cùng kỳ xuống 85,5 tỷ đồng chủ yếu nhờ giảm lỗ từ FVTPL. Tuy nhiên, chi phí tài chính và chi phí quản lý công ty chứng khoán đều tăng mạnh khiến lợi nhuận trước thuế của VIX giảm 16% trong quý đầu năm. Lãi ròng thu về 268 tỷ đồng, cũng giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
>>>Áp lực nợ tỷ đô và làn sóng tin đồn đè nặng GEX
Tính đến cuối quý I, các khoản cho vay và phải thu của VIX đạt 2.643, giảm gần 350 tỷ đồng so với đầu kỳ. Trong đó, dư nợ margin giảm hơn 300 tỷ so với đầu năm, xuống 2.338 tỷ đồng. BCTC VIX ghi nhận vốn chủ sở hữu tăng lên gần 4.030 tỷ đồng.
Thời điểm 31/3, danh mục tự doanh của VIX gồm cổ phiếu niêm yết, chưa niêm yết và trái phiếu đã tăng gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm lên gần 2.600 tỷ đồng. Trong khi đó, giá gốc ghi nhận 2.393 tỷ đồng, tạm lãi hơn 200 tỷ đồng. Công ty chứng khoán này không thuyết minh cụ thể về danh mục cổ phiếu nắm giữ thời điểm cuối quý I.
Năm 2022, VIX đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh thận trọng với lợi nhuận trước thuế dự kiến là 820 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 656 tỷ đồng, tương ứng giảm 9,6% và 10,8% so với năm 2021.
Lý giải về việc đặt mục tiêu lợi nhuận đi lùi so với thực hiện năm trước trong khi đã thực hiện tăng vốn gấp hơn 2,5 lần, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vừa qua, lãnh đạo VIX cho biết, kế hoạch được đặt ra dựa trên ước tính lợi nhuận và diễn biến thực tế của thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm cũng như triển vọng thị trường 6 tháng cuối năm. HĐQT đặt ra kế hoạch lợi nhuận thận trọng để đảm bảo được mục tiêu đề ra. Đây là kế hoạch phù hợp với tình hình thị trường chứng khoán hiện nay.
Trước đó, VIX đã nâng vốn điều lệ từ 1.277,2 tỷ đồng lên 5.491,9 tỷ đồng qua hai đợt phát hành thêm cổ phiếu trong tháng 10 năm ngoái và tháng 4 năm nay. Cụ thể, tháng 10/2021, VIX đã phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2020 tỷ lệ 15% và phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu và tỷ lệ 1:1, tăng vốn điều lệ từ 1.277,2 tỷ đồng lên 2.746 tỷ đồng. Tháng 4 năm nay, VIX tiếp tục nâng vốn điều lệ lên 5.491,9 tỷ đồng sau khi phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, giá chào bán 15.000 đồng/cổ phiếu.
Trên thị trường, cổ phiếu VIX hiện đang có thị giá 10.200 đồng/cổ phiếu (chốt phiên giao dịch ngày 5/7). So với mức giá 26.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm, cổ phiếu VIX đã giảm gần 16.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức giảm gần 61%.
Trở lại với các biến động cổ đông lớn tại VIX, trên thực tế ông Nguyễn Văn Tuấn, CEO 8x kín tiếng nhưng lại rất mạnh bạo trong các vụ M&A đã "ra tay" chi hơn 300 tỷ đồng trong 2021, để nhận chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu VIX. "Tích lũy từng bước" (hay chiến lược "cáo gửi chân"?) đã dần giúp nhóm cổ đông này thực thi được mục tiêu kiểm soát lợi ích chi phối tại CTCK này. Và mới đây, vào cuối tháng 6, Chứng khoán VIX cũng đã đặt giao dịch "chiều ngược lại": Thông báo đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu GEX. Thời gian giao dịch từ 24/6 đến 22/7. Nếu giao dịch thành công, VIX sẽ sở hữu 1,76% vốn Gelex.
Có thể bạn quan tâm
Làm gì để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trước 2025?
04:50, 05/07/2022
[TRỰC TIẾP] Tọa đàm Đầu tư tài chính 2022 - Chuyên đề II: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán
13:30, 29/06/2022
Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán
11:30, 29/06/2022
Thị trường chứng khoán đã xác lập đáy?
04:50, 24/06/2022
29/6: Toạ đàm Đầu tư Tài chính 2022 - Chuyên đề II: Cơ hội trong biến động thị trường Chứng khoán
17:43, 23/06/2022