Các đối thủ công nghệ Mỹ-Trung 'so găng' ở Ấn Độ

THEO KINH TẾ SÀI GÒN 07/08/2020 16:19

Các đại gia công nghệ Trung Quốc, dẫn đầu là Alibaba và Tencent, đầu tư ồ ạt vào Ấn Độ trong những năm qua nhằm biến đất nước 1,4 tỉ dân này thành thị trường ‘sân nhà’ thứ hai của họ.

Nhưng khi căng thẳng chính trị phủ bóng lên quan hệ giữa Ấn-Trung, các công ty công nghệ lớn nhất ở Thung lũng Silicon (Mỹ) đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội để đẩy lùi tầm ảnh hưởng công nghệ của Trung Quốc tại Ấn Độ.

Chỉ vài ngày sau khi 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong một cuộc xô xát đẫm máu với các binh sĩ Trung Quốc ở khu vực biên giới tranh chấp Ấn -Trung hồi tháng 6 vừa qua, một nhóm tài xế giao đồ ăn người Ấn Độ đã xuống đường biểu tình ở TP. Kolkata để bày tỏ sự phẫn nộ. Họ đốt các bộ đồng phục màu đỏ mà Công ty khởi nghiệp giao đồ ăn Zomato, có trụ sở ở bang Haryana, miền bắc Ấn Độ, cung cấp cho họ. Zomato là công ty được các nhà đầu tư Trung Quốc hậu thuẫn tài chính.

Cuộc biểu tình đó là ví dụ cho thấy sau vụ xung đột biên giới, cơn phẫn nộ mang tính dân tộc chủ nghĩa đang nhắm vào hàng tỉ đô la Mỹ mà các công ty công ty Trung Quốc đã rót vào ngành công nghệ Ấn Độ.

Tâm lý chống Trung Quốc đang đe dọa vị thế mà các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc đã nhanh chóng thiết lập được ở thị trường khởi nghiệp đang phát triển bùng nổ của Ấn Độ, nhưng lại mở ra cơ hội để các công ty công nghệ và quỹ đầu tư của Mỹ gồm Facebook, Google và Amazon... 'phản công’ các đối thủ Trung Quốc.

Thị trường 1,4 tỉ dân của Ấn Độ đang thu hút các tập đoàn công nghệ Mỹ và Trung Quốc đặt cược các khoản đầu tư trị giá hàng tỉ đô la. Bất kỳ tập đoàn công nghệ nào nắm giữ được vị trí dẫn đầu ở thị trường Ấn Độ cũng có khả năng tạo ra sự ảnh hưởng lớn đối với tương lai của ngành công nghệ toàn cầu.

Cuộc cạnh tranh này đang diễn ra trong bối cảnh cuộc đối đầu địa chính trị rộng lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc , nơi mà công nghệ là chiến trường trọng tâm và Ấn Độ đang trở thành một nhân tố ngày càng quan trọng.

Các thương vụ của Trung Quốc biến mất

Sự bùng nổ đầu tư của Trung Quốc vào thị trường công nghệ Ấn Độ mới diển ra trong những năm gần đây. Cách đây khoảng năm năm, đầu tư công nghệ Trung Quốc vào Ấn Độ không đáng kể. Nhưng làn sóng đầu tư bắt đầu bùng nổ vào năm 2017 và 2018, dẫn đầu là Alibaba và Tencent. Từ đầu năm 2017 đến tháng 6 năm nay, đầu tư vốn mạo hiểm của Trung Quốc vào Ấn Độ đạt trị giá 4,3 tỉ đô la Mỹ.

Các đại công ty công nghệ của Trung Quốc muốn xây dựng Ấn Độ trở thành thị trường ‘sân nhà’ thứ hai của họ. Trong số 10 kỳ lân công nghệ hàng đầu của Ấn Độ, tức các công ty khởi nghiệp trị giá hơn một tỉ đô la, có đến bảy kỳ lân nhận được sự hẫu thuẫn tài chính của các nhà đầu tư chiến lược đến từ Trung Quốc, nhưng chỉ có một kỳ lân được sự hỗ trợ của một nhà đầu tư chiến lược từ Mỹ.

"Họ (các nhà đầu tư Trung Quốc) đang cố gắng tái tạo ở Ấn Độ những gì họ đã làm thành công ở Trung Quốc", Amit Bhandari, nhà nghiên cứu ở tổ chức tư vấn Gateway House, nói.

Alibaba và Tencent có tham vọng xây dựng mạng lưới các công ty hỗ trợ hoạt động lẫn nhau ở đất nước đông dân thứ hai thế giới.

Tại Ấn Độ, Alibaba đã đầu tư vào Snapdeal, một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất nước, siêu thị trực tuyến BigBasket, ứng dụng thanh toán Paytm, trang tin tức tổng hợp 14 ngôn ngữ Dailyhunt, Công ty giao hàng Xpressbees, Công ty giao đồ ăn Zomato...

Trong khi đó, Tencent đã đầu tư vào hàng loạt lĩnh vực từ thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến, giao đồ ăn cho đến thương mại điện tử từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B) ở Ấn Độ. Các công ty Trung Quốc khác gồm Meituan Dianping, ByteDance, Xiaomi và Didi Chuxing cũng theo đuổi chiến lược tương tự với quy mô nhỏ hơn.

Công ty giao đồ ăn Zomato đã huy động được 560 triệu đô la vốn đầu tư và hơn một nửa số tiền đó đến từ Ant Group, công ty dịch vụ tài chính của Alibaba.

Tuy nhiên, sự căng thẳng chính trị gần đây giữa New Delhi và Bắc Kinh đã làm ách tắc nguồn vốn từ Trung Quốc đối với những công ty như Zomato.

Vào tháng 4, New Delhi thắt chặt các hạn chế đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng mục đích thực sự là để ngăn chặn các công ty Trung Quốc tranh thủ cơ hội trong đại dịch Covid-19 để thâu tóm các công ty Ấn Độ gặp khó khăn tái chính. Các quy định FDI mới của Ấn Độ đòi hỏi các khoản đầu tư đến từ những nước có chung đường biên giới với Ấn Độ phải được chính phủ Ấn Độ xét duyệt.

Ant Group đang trì hoãn kế hoạch bơm vốn với ít nhất 100 triệu đô la cho Zomato vì chưa rõ các quy FDI mới sẽ tác động ra sao đối với các cam kết đầu tư trước đó. Có những dấu hiệu cho thấy dòng vốn đầu tư Trung Quốc vào Ấn Độ đang chững lại.

Trong tháng 6 vừa qua, không có thương vụ huy động vốn ở Ấn Độ có sự tham gia của các nhà đầu tư Trung Quốc, trong khi đó, có chín thương vụ có sự góp mặt của các nhà đầu tư Mỹ.

Các ứng dụng di động Trung Quốc cũng trở thành ‘nạn nhân’ trong cuộc căng thẳng Ấn-Trung. Sau vụ xung đột biên giới, lấy lý do an ninh quốc gia, New Dehi ra lệnh cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc từ cuối tháng 6 bao gồm TikTok, đang có hơn 200 triệu người dùng ở Ấn Độ.

Mới đây, Ấn Độ tiếp tục cấm thêm một số ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm ứng dụng trình duyệt Mi Browser - vốn được cài đặt sẵn trên các điện thoại thông minh của Xiaomi (Trung Quốc), công ty dẫn đầu về doanh số điện thoại thông minh tại Ấn Độ.

Thung lũng Silicon nắm bắt cơ hội vàng

Các công ty công nghệ ở Thung lung Silicon của Mỹ đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội vàng khi tâm lý chống Trung Quốc ở Ấn Độ dâng cao. William Bao Bean, đối tác của Công ty đầu tư mạo hiểm toàn cầu SOSV, có trụ sở tại Thượng Hải, cho rằng những căng thẳng gần đây với Trung Quốc đang đẩy Ấn Độ "hướng tới hệ sinh thái Mỹ".

Vào giữa tháng 7, Google thông báo thành lập Quỹ Google vì số hóa Ấn Độ để đầu tư 10 tỉ đô la vào Ấn Độ trong 5-7 năm tới. Ngay sau đó, Google quyết định chi 4,5 tỉ đô la để mua 7,73% số cổ phần của Công ty viễn thông và dịch vụ kỹ thuật số Jio Platforms, một công ty con của Tập đoàn Reliance Industries thuộc sở hữu của tỉ phú giàu nhất Ấn Độ Mukesh Ambani.

Trước đó, hồi tháng 4, Facebook thông báo chi 5,7 tỉ đô la để nắm giữ 9,99% cổ phần của Jio Platforms. Một tháng sau đó, Quỹ đầu tư toàn cầu KKR (Mỹ) đồng ý mua 2,32% cổ phần của Jio Platforms với giá 1,5 tỉ đô la.

Các vụ này chỉ tập trung vào một công ty nhưng là một bước phát triển từ các thương vụ đầu tư và nỗ lực trước đó của các công ty công nghệ Mỹ nhằm chinh phục thị trường số hóa non trẻ của Ấn Độ.

Google Pay của Google đang là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán số hóa lớn nhất ở Ấn Độ sau khi ra mắt vào năm 2017. Đứng ở ở các vị trí ngay sau đó là PhonePe của Công ty thương mại điện tử Flipkart thuộc sở hữu của Walmart (Mỹ) và Amazon Pay của Amazon. Ấn Độ cũng là thị trường lớn nhất của Facebook xét về số người dùng. Công ty mạng xã hội này đang chuẩn bị ra mắt dịch vụ thanh toán số WhatsApp Pay ở Ấn Độ

Nhìn chung, cách tiếp cận đầu tư của các nhà đầu tư Mỹ ở Ấn Độ khác với các đối thủ Trung Quốc. “Các nhà đầu tư Mỹ chủ yếu góp vốn trong khi đó, các nhà đầu tư Trung Quốc, đặc biệt là các tập đoàn Internet khổng lồ muốn nhân bản hệ sinh thái tại Ấn Độ giống như ở quê nhà”, nhà nghiên cứu  Amit Bhandari, nói.

Karthik Reddy, người đồng sáng lập Quỹ đầu tư Blume Ventures, cho rằng tâm lý chống Trung Quốc và nỗi lo Trung Quốc thâu tóm công nghệ khiến Ấn Độ thay đổi các quy định FDI tạo ra một sân chơi công bằng hơn với các công ty Mỹ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc chỉ tạm thời giảm đầu tư ở Ấn Độ. Madhur Singhal, Giám đốc Công ty tư vấn Praxis Global Alliance, nhận định các công ty Trung Quốc không hoàn toàn bị ngăn chặn bởi các quy định FDI mới.

Ông William Bao Bean của SOSV nói rằng vẫn còn quá sớm để tuyên bố Mỹ chiến thắng trong cuộc chiến công nghệ ở Ấn Độ. Ông nói: “Tiền và công nghệ Trung Quốc vẫn rất mạnh ở Ấn Độ. Đây mới chỉ một chiến thắng đơn lẻ của các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Các đối thủ công nghệ Mỹ-Trung 'so găng' ở Ấn Độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO