Quy chuẩn, tiêu chuẩn là rất cần thiết và phải tuân thủ nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước lại đưa ra quy định “công bố hợp quy”, đây là cái gốc của mọi bất cập, cần được bãi bỏ.
Hiện nay, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật chi phối toàn bộ cách thức tiếp cận và phương thức quản lý chất lượng sản phẩm của hàng hóa Việt Nam. Các quốc gia đưa ra các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để người dân và doanh nghiệp tham chiếu trong hoạt động kinh doanh và cơ quan Nhà nước có căn cứ để kiểm tra xử lý.
Tiêu chuẩn thể hiện thuộc tính kỹ thuật, thể hiện chất lượng sản phẩm hàng hóa, còn quy chuẩn kỹ thuật thể hiện giới hạn kỹ thuật và an toàn của sản phẩm đó. Nhưng ở Việt Nam, quá trình tổ chức thực hiện không đạt hiệu quả và gây ra sự xung đột.
Công bố hợp quy là việc làm thừa, phát sinh thêm chi phí và thủ tục hành chính, mà không có nước nào trên thế giới làm. Khi đăng ký sản phẩm, doanh nghiệp đã công bố sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng, an toàn và đây được xem là giấy khai sinh. Nhưng ở Việt Nam, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường lưu thông phải công bố hợp quy, tức là phải đến lấy mẫu lại, đánh giá lại quy trình, coi như là giấy khai sinh thứ hai.
Có một lô hàng đầu tiên đi kiểm nghiệm lại, thì trong vòng 2 năm, làm sao đảm bảo các lô hàng sau có chất lượng tốt như lô hàng đầu. Ở lĩnh vực nông nghiệp, nay một lô thức ăn, mai lại một lô thức ăn mới thì lại phải công bố hợp quy, mỗi lần làm như vậy mất 5 triệu đồng, 500 sản phẩm là 2 tỷ rưỡi, như vậy chi phí sẽ bị đẩy lên rất cao.
Đặc biệt, khi công bố hợp quy, lại coi như sản phẩm an toàn và chất lượng, dẫn đến lơ là hậu kiểm, tạo lỗ hổng pháp luật, mà hậu kiểm mới là chủ chốt. Vụ “sữa giả” vừa qua và đánh giá các sản phẩm sữa giả này đều được cơ quan quản lý xác nhận sự phù hợp, cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn. Tuy nhiên, giấy chứng nhận đó là cho lô sữa đầu tiên sản xuất, còn những lô sữa sau doanh nghiệp không làm như vậy nữa và cơ quan quản lý Nhà nước cũng không kiểm tra, giám sát nữa. Vì vậy có thể nói, quy định này chỉ mang tính hình thức, không có giá trị.
Do đó, cần bãi bỏ thủ tục công bố hợp quy, áp dụng mô hình của quốc tế là doanh nghiệp công bố quy chuẩn áp dụng cho sản phẩm và cơ quan quản lý kiểm tra, giám sát theo quản lý rủi ro.
Nên chuyển Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn thành một chương trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời, cần bỏ phân loại hàng hóa theo nhóm 1 và 2, mà phân loại theo nguy cơ (rủi ro thấp, trung bình, cao) để xác định tần suất hậu kiểm. Các hàng hóa có nguy cơ cao và dễ bị sử dụng không đúng mục đích như thuốc, vũ khí, vật liệu nổ thì cần phải đăng ký.