Theo ông Tô Hải, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Vietcap (VCI), hoạt động IPO và M&A kỳ vọng những tín hiệu khởi sắc hơn vào cuối năm, bù đắp cho đà chững lại từ sau Covid-19.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Chứng khoán Vietcap mới đây, Tổng Giám đốc công ty có vị thế hàng đầu trên thị trường ở mảng ngân hàng đầu tư cho biết, năm 2024 là năm trầm lắng nhất của hoạt động doanh nghiệp chào bán cổ phần ra công chúng (IPO) - thấp nhất trong 4 năm. Không chỉ lượng vốn đầu tư vào các thị trường IPO giảm mà tình trạng này xảy ra phổ biến ở cả Việt Nam lẫn Đông Nam Á.
Cuối năm 2024, có đợt IPO lớn nhất của chuỗi trà sữa Mixue - Trung Quốc (chuỗi này đã IPO huy động thành công 3,45 tỷ HKD và mới niêm yết vào tháng 3/2025 tại Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong (HKEX): còn tại Malaysia ghi nhận có thương vụ IPO chuỗi đồ ăn (99 Speed Mart đã huy động được 531 triệu USD tại Kuala Lumpur - thương vụ lớn nhất ở nước này trong vòng 7 năm qua), và một thương vụ đáng chú ý Mexico.
Ông Tô Hải cho biết chỉ có vài thương vụ lớn nhưng so với quá khứ thì giá trị không quá lớn, ví dụ thương vụ Mixue thì vốn hoá 10 tỷ USD.
Trong bối cảnh chung, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ghi nhận năm 2024 thị trường chỉ có Chứng khoán DNSE thực hiện IPO, huy động được 35 triệu USD.
"Năm 2025, các tín hiệu của thị trường cũng chưa rõ ràng. Triết lý của chúng tôi là phải bảo toàn vốn cổ đông trước khi tiến hành bất kỳ thương vụ nào. Trong khi đó có những thương vụ chưa hoàn tất, có những thương vụ với hợp đồng giá trị đã kéo dài 2 năm, do tình trạng chung của thị trường nên cũng chưa thu được phí tư vấn. Có nhiều nguyên nhân cho việc các thương vụ chưa hoàn tất, ví dụ chi phí quá cao; thủ tục pháp lý kéo dài.v.v...
"Đối với tư vấn bảo lãnh phát hành IPO, đó không phải là xu hướng đi ngang hoặc đi lên mà sự thay đổi tùy thuộc vào xu hướng chung. Có những năm tăng rất nhanh. Nhưng cũng có lúc chùng xuống, suy thoái, khiến chúng tôi phải luôn đề cao quản trị rủi ro trong vận hành. Tuy chưa thu được phí, khép lại hợp đồng nhưng chúng tôi luôn giữ tương tác với khách hàng và mở rộng tìm kiếm các khách hàng mới. Dù không thể đoán trước được điểm rơi của thị trường nhưng một số thương vụ lớn đã cho thấy những tín hiệu tích cực trở lại. Tôi kỳ vọng luật nới lỏng để IPO nhiều hơn, kỳ vọng cuối năm nay sẽ hồi phục trở lại", ông Hải cho biết.
Bên cạnh IPO, hoạt động ngân hàng đầu tư bao gồm mảng M&A (Mua bán và sáp nhập) cũng là nguồn đóng góp doanh thu cho các công ty chứng khoán, đặc biệt ở thời "hưng thịnh" của M&A.
"Năm 2024, thị trường Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực của hoạt động huy động vốn, theo đó chúng tôi nhận thấy những khó khăn và áp lực từ các yếu tố vĩ mô đã tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, nhưng đồng thời cũng mở ra xu hướng gia tăng nhu cầu huy động vốn và mua bán sáp nhập của doanh nghiệp nội địa để nắm bắt các cơ hội tăng trưởng được kỳ vọng trong tương lai.
Song song với nhu cầu này, trong năm 2024, các nhà đầu tư cổ phần tư nhân (private equity) vừa huy động được nguồn tiền mới sau đại dịch Covid-19 hay các doanh nghiệp lớn mạnh thêm sau đại dịch cũng có xu hướng tích cực tìm kiếm cơ hội mua tài sản tốt tại Việt Nam", CEO Vietcap cho biết.
Theo đó, chung cho toàn khối Ngân hàng đầu tư của Vietcap gồm các thương vụ tư vấn M&A và tư vấn, niêm yết, chào mua công khai, phát hành riêng lẻ sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ghi nhận doanh thu đạt 33,7 tỷ đồng (tăng 27,1% so với năm 2023).
Trong bối cảnh thị trường IPO chỉ "độc diễn" một thương vụ, thị trường M&A có sự suy giảm đáng kể với mức giảm 21% về số lượng thương vụ, giảm 54% về giá trị thương vụ so với cùng kỳ năm trước (nguồn: Cty Tư vấn thương vụ ASART), Vietcap đã hoàn tất các thương vụ đáng chú ý như: Tư vấn độc quyền cho Hợp Trí trong thương vụ chuyển nhượng 49% cổ phần cho Summit Agro International; Vietcap đóng vai trò là đại lý chào mua công khai cho Sabeco tăng tỷ lệ sở hữu tại Sabibeco từ 22,7% lên 65,9%. Tư vấn niêm yết Cổ phiếu CTCP Điện lực GELEX (GEE) trên sàn chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) với giá trị niêm yết 11.145 tỷ đồng (dựa vào giá tham chiếu ngày đầu tiên niêm yết). Tư vấn phát hành riêng lẻ Cổ phiếu CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) với giá trị thương vụ 3.000 tỷ đồng. Phát hành riêng lẻ Cổ phiếu CTCP Chứng khoán Vietcap (VCI) với giá trị thương vụ 4.022 tỷ đồng...
Bước sang năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng vẫn sẽ được hỗ trợ bởi các yếu tố như tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực, khung pháp lý dần được hoàn thiện, khả năng nâng hạng thị trường. Các yếu tố này sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tiềm năng tiếp cận dòng vốn mới của các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho giai đoạn phát triển tiếp theo của các dịch vụ ngân hàng đầu tư, ông Tô Hải cho biết.
Theo CEO Vietcap, "chúng tôi nhận thấy sự gia tăng nhu cầu huy động vốn và mua bán sáp nhập trải dài các phân khúc doanh nghiệp tầm trung và doanh nghiệp lớn từ nửa cuối năm 2024 sang đầu năm 2025. Điều này tạo ra tiềm năng các danh mục tư vấn đa dạng cho thị trường ngân hàng đầu tư tại Việt Nam nói chung và Vietcap nói riêng trong các năm tới. Cụ thể, từ năm 2024, mảng Ngân hàng đầu tư của Vietcap đang thực hiện cung cấp các dịch vụ tư vấn gồm IPO, các giao dịch M&A, tái cấu trúc và thoái vốn cho danh mục các thương vụ, bao gồm đa dạng các ngành nghề như bán lẻ & tiêu dùng, giáo dục, công nghiệp, vận chuyển hàng hóa. Chúng tôi đang nỗ lực để hoàn tất một số thương vụ lớn và ghi nhận
doanh thu trong năm 2025.
Đồng thời, chúng tôi cũng nỗ lực mở rộng tệp khách hàng bao gồm cả về chiều rộng (đặc biệt là các ngành nghề mới được Chính phủ đưa vào trọng tâm phát triển trong giai đoạn tới) và chiều sâu (mở rộng loại dịch vụ tư vấn cung cấp cho mỗi loại khách hàng)", ông Hải nói.
Liên quan đến một số thương vụ cụ thể đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trên thị trường, theo bà Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch HĐQT Vietcap, chẳng hạn với thương vụ Sacombank (STB) đấu giá cổ phần (theo kế hoạch kỳ vọng là hơn 32% cổ phần STB tại VAMC sẽ được NHNN phê duyệt cho phép Sacombank đấu giá cổ phần khi ngân hàng này hoàn tất đề án tái cơ cấu), thì Vietcap không phải là đơn vị tư vấn thực hiện.
Tuy nhiên ở thương vụ kỳ vọng sẽ là "cú nổ" lớn khi đi kèm hoạt động chuyển sàn UpCOM lên HSX, Masan Consumer (MCH) của Tập đoàn Masan đặt mục tham vọng huy động vốn lớn qua IPO, có thể xem là "thương vụ tỷ đô", một đại diện của Vietcap cho biết, MCH đã chia sẻ các ý định thực hiện trong năm 2025. Về mặt thực hiện, đội ngũ tư vấn và thương hiệu đã xúc tiến, nhưng để ra thị trường vẫn cân nhắc. Do nhiều năm nay thị trường không có thương vụ lớn nên doanh nghiệp mong muốn chọn thời điểm tốt nhất để đưa ra thị trường.