Chân giá trị của lãnh đạo và nhân tài

Diendandoanhnghiep.vn TS. Giản Tư Trung - Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE cho rằng, việc định nghĩa lại lãnh đạo và nhân tài, cũng như tìm về bản chất và chân giá trị của lãnh đạo & nhân tài là hết sức quan trọng.

Bởi, theo TS Giản Tư Trung, đây là những chân dung dẫn đường cho đội ngũ bứt phá và quyết định sự thành bại của doanh nghiệp.

- Thưa ông, vì sao chúng ta nên định nghĩa lại lãnh đạo và nhân tài?

Theo tôi, có nhiều lý do để chúng ta tìm về chân giá trị của lãnh đạo và nhân tài. Bởi lẽ, khi nhìn rộng ra cộng đồng doanh nghiệp hiện nay, chúng ta đang thấy có sự lẫn lộn giữa “lãnh đạo” và “cầm quyền”, giữa “quản trị” và “cai trị”, giữa “doanh nhân”, “trọc phú” và “con buôn”, giữa “thực tài” và “ngụy tài”. Trong khi chúng ta hiểu rằng, “không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng”.

Nhưng lý do quan trọng nhất để định nghĩa lại lãnh đạo và nhân tài vẫn là bối cảnh của thời cuộc, bởi tất cả mọi thứ đều sẽ phải thay đổi theo bối cảnh của thời cuộc. Hiện nay, có những bối cảnh đan xen đang diễn ra buộc chúng ta phải suy ngẫm và thay đổi.

Một là thời đại 4.0, đất nước chúng ta đang tiến vào kỷ nguyên số. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta quá quan tâm tới 4.0 về công nghệ mà ít để ý tới 4.0 về kinh tế, về chính trị và đặc biệt là 4.0 về văn hóa - một yếu tố rất quan trọng để xây dựng một nền quản trị thành công.

Thứ hai, có thể nói đến thời “mở cửa” và “gỡ cửa”. Ở bối cảnh thời cuộc này buộc người Việt Nam chúng ta phải trở thành “người trái đất”. Khi đất nước đóng cửa, chúng ta chỉ là người Việt Nam, nhưng khi đất nước “mở cửa” và “gỡ cửa” thì dù muốn hay không chúng ta vẫn phải trở thành người của trái đất. Đây là nhờ vào giao thông phát triển, truyền thông phát triển đã đưa thế giới đến gần chúng ta.

Chiến lược đa dạng thị trường và khách hàng, đẩy mạnh xuất hàng sang thị trường chưa bị ảnh hưởng COVID-19 giúp gỗ Hiệp Long cân đối nguồn thu

Chiến lược đa dạng thị trường và khách hàng, đẩy mạnh xuất hàng sang thị trường chưa bị ảnh hưởng COVID-19 giúp gỗ Hiệp Long cân đối nguồn thu

Tiếp đó là thời VUCA (Biến động, Bất định, Phức tạp, Mơ hồ). Ở trong thời đại này, chúng ta phải học cách để sống chung với sự bất định của tương lai và bất định cũng là một phần tất yếu của cuộc sống.

Gần đây nhất là chúng ta đang phải sống trong thời Corona. Tuy mới xuất hiện, nhưng hiện thế giới đã có hơn 160 triệu ca nhiễm và hơn 3 triệu ca tử vong. Riêng tại Mỹ đã có hơn 34 triệu ca nhiễm và gần 600 nghìn ca tử vong, trong khi số ca tử vong trong sự kiện 11/9 là 3.000 người. Đại dịch này là một trong những thảm kịch bi thương và chết chóc nhất trong lịch sử loài người. Nếu dành một từ để nói về thời này thì đó là “tang thương”.

Nếu như chúng ta không hiểu đặc tính của thời đại này thì làm sao để lãnh đạo, làm sao để làm kinh doanh, không biết làm sao để sống và làm việc...

Trong một thời đại mà mọi giá trị đều bị thách thức, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn và nhiều niềm tin bị đổ vỡ, thì chúng ta càng cần phải định nghĩa lại mọi thứ, cần tìm về bản chất của mọi vấn đề và trả lại chân giá trị cho mọi chuyện. Trong đó, việc tìm về chân giá trị của lãnh đạo và nhân tài là hết sức quan trọng, bởi lẽ đây là những chân dung dẫn đường cho đội ngũ làm việc hiệu quả hơn và quyết định sự thành bại của doanh nghiệp.

Chuyển đổi số sẽ là xu thế hoạt động của doanh nghiệp trong thời kỳ COVID-19 và hậu COVID-19. (FPT chuyển dịch từ Công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin thành Tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện. Ảnh: FPT)

Chuyển đổi số sẽ là xu thế hoạt động của doanh nghiệp trong thời kỳ COVID-19 và hậu COVID-19. (FPT chuyển dịch từ Công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin thành Tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện. Ảnh: FPT)

- Vậy theo ông, chúng ta phải làm cách nào để tìm lại những giá trị này?

Muốn tìm lại những giá trị này, cần tìm đến những giá trị phổ quát và những nguyên lý trường tồn. Nếu không chạm được đến những nguyên lý này thì cuộc đời của chúng ta sẽ bị lung lay.

Và để sống được trong thời đại này, chúng ta phải cần đến một “cái neo” để neo cuộc đời chúng ta lại, neo công ty của chúng ta. Và cái neo đó chính là những giá trị phổ quát và những nguyên lý trường tồn.

Vậy một câu hỏi đặt ra “điều gì thì trường tồn?”. Theo tôi đó chính là “nhân bản”, mọi thứ đều thay đổi, chỉ có “nhân bản” là bền vững theo thời gian. Nhân là người, bản là gốc, “nhân bản” tức là lấy con người làm gốc, cụ thể hơn là lấy phẩm giá của con người làm gốc; lấy độc lập, tự do và hạnh phúc của con người làm gốc. Nếu chúng ta sống một cách nhân bản, lãnh đạo một cách nhân bản, làm việc một cách nhân bản, thì tôi tin ở đâu cũng đúng, thời nào cũng đúng.

- Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế ra sao để “sống còn” trong bối cảnh khốc liệt như hiện nay, thưa ông?

Theo tôi có 4 tâm thế mà chúng ta có thể lựa chọn để sống trong thời buổi này: Thứ nhất là bước vào với một tâm thế thụ động (passive); thứ hai là ứng phó (reactive) với sự thay đổi của môi trường & hoàn cảnh; thứ ba là tâm thế chủ động (active), chúng ta sẽ chủ động bước vào thời cuộc đó một cách đàng hoàng, vững chãi; thứ tư là tâm thế kiến tạo (proactive), tức là chúng ta không chỉ chủ động thích ứng với thời cuộc mà còn tham gia vào việc kiến tạo thời cuộc mới và đóng vai trò dẫn dắt trong thời cuộc đó.

Chỉ có những nhà lãnh đạo và nhân tài thực thụ mang trong mình tinh thần khai phóng mới có khả năng chọn lựa tâm thế kiến tạo (proactive) và dẫn dắt đội ngũ của mình “sống còn” và làm việc hiệu quả với tâm thế này.

Hiện nay, chúng ta cổ vũ mạnh mẽ cho một nền giáo dục khai phóng, bởi vì đích đến của giáo dục khai phóng là con người tự do và phải có 3 đặc tính: có nhân tính, có quốc tính và có cá tính. Trong đó lấy nhân tính làm nền tảng, đây là đặc tính quan trọng nhất không chỉ của giáo dục Việt Nam, mà là của cả nhân loại.

Nói một dễ hiểu, giáo dục khai phóng là khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của con người, hay giáo dục khai phóng là khai minh và giải phóng, khai minh chính mình và giải phóng bản thân ra khỏi sự vô minh, giáo điều, ra khỏi sự tăm tối và ấu trĩ.

Lãnh đạo khai phóng là người có khả năng dẫn dắt thành công những con người tự do để cùng nhau đạt được tầm nhìn và mục tiêu chung. Bởi những con người tự do họ không đi theo lãnh đạo, mà đi theo cái tầm nhìn và giá trị tốt đẹp mà lãnh đạo đưa ra, hay nói cách khác là đi theo “lá cờ” mà lãnh đạo dựng lên.

- Nói sâu về thuật lãnh đạo, hiện nay, nhiều người vẫn đang mơ hồ giữa các khái niệm “quản trị” với “cai trị”, hay “lãnh đạo” với “cầm quyền”. Vậy theo ông, những khái niệm này có quan hệ gì với nhau?

Theo tôi, trong lĩnh vực quản trị, có những khái niệm còn quan trọng hơn cần phân định, đó là: Quản trị thì khác với cai trị, lãnh đạo thì khác với cầm quyền, doanh nhân thì khác với trọc phú hay con buôn. Đây không phải là vấn đề thuật ngữ hay câu chữ, mà sự phân định này chính là bản chất sâu xa của quản trị, của lãnh đạo, của kinh doanh.

Quản trị là khoa học và nghệ thuật khiến cho người khác muốn làm một công việc mà mình cần họ làm. Còn cai trị là dùng quyền lực để buộc người khác phải làm cái việc mà mình muốn họ làm. Như vậy, sự khác biệt ở đây chính là, một bên là dùng quyền lực, một bên là dùng khoa học và nghệ thuật, một bên là buộc phải làm, còn một bên là tự nguyện làm, tự hào làm.

Còn một khái niệm nữa, đó là “siêu cai trị”. Siêu cai trị là dùng khoa học và nghệ thuật khiến cho người khác muốn làm cái việc mà mình cần họ làm. Nghe qua ta thấy khái niệm “quản trị” và “siêu cai trị” là giống hệt nhau nhưng thực ra là rất khác nhau.

Khác ở chỗ, nền tảng của quản trị là dựa trên sự khai minh, khai sáng (đội ngũ là những con người khai sáng và tự do), còn nền tảng của “siêu cai trị” là sự vô minh hay u minh/tăm tối (đội ngũ là thực chất là những con người vô minh tăm tối, nhưng đã bị tẩy não và nhồi sọ nên lúc nào cũng ngộ nhận nghĩ mình là những con người khai sáng và tự do). Siêu cai trị thể hiện rất rõ ở những chế độ độc tài (như Adolf Hitler) hay các tổ chức tà giáo (như Bin Laden).

Nếu một người lãnh đạo không nỗ lực liên tục khai minh chính mình và khai minh đội ngũ của mình thì sẽ khó có thể có quản trị đích thực, mà chỉ có cai trị hay siêu cai trị mà thôi.

Nhà lãnh đạo đích thực là người coi trọng công việc mà ở cương vị của mình phải làm, luôn cố gắng phát triển các năng lực cần thiết để làm tốt những việc đó, và như vậy họ luôn trên hành trình thực học và khai minh để phát triển bản thân tạo nhằm ra những giá trị và hệ quả là sẽ làm nên các thành tựu cho mình và cho đời.

Còn nhà cầm quyền thì thường không quan tâm đến việc phải làm, năng lực phải có, sự học phải qua, mà thường chỉ quan tâm chức vụ mà mình đang ngồi, quyền lực mà mình đang nắm và quyền lợi mà mình được hưởng.

Nếu dựa vào mối quan tâm giữa nhà lãnh đạo và nhà cầm quyền thì sự khác biệt lớn nhất giữa họ, đó là: Một bên quan tâm đến năng lực, còn một bên quan tâm đến quyền lực; một bên quan tâm nhiều đến chiếm hữu thụ hưởng, một bên quan tâm nhiều đến kiến tạo giá trị.

- Ông có thể chia sẻ thêm về khái niệm “nhân tài”, nhất là khía cạnh tài năng của người làm lãnh đạo?

Đối với người đang làm lãnh đạo, cần hiểu rõ về thế mạnh của mình là có tài về lãnh đạo hơn, hay có có tài về chuyên môn hơn, để có thể lựa chọn trở thành một nhà lãnh đạo giỏi hay một nhà chuyên môn giỏi. Bởi lẽ, thà là một chuyên gia giỏi còn hơn làm một ông sếp tồi.

Do đó cần phải định nghĩa lại khái niệm “nhân tài” và xác định được cái tài của mình. Cần lưu ý, “giỏi” hay “tài” không có nhiều ý nghĩa, bởi nó chỉ là tính từ, nó chỉ có nghĩa khi đi kèm với một danh từ nào đó, tức là “giỏi gì”, “tài gì”, chứ không phải giỏi một cách mơ hồ chung chung, không phải một người thông minh thì cái gì cũng giỏi.

Theo tôi, ở góc độ của tổ chức, nhân tài là người giải quyết được những vấn đề, làm được những công việc mà người đứng đầu cho là quan trọng. Còn ở góc độ vĩ mô, nhân tài là người có tố chất và khả năng vượt trội trong ngành nghề và lĩnh vực của họ.

Riêng với lãnh đạo, hai tài năng quan trọng nhất là tài về chiến lược và tài về dụng nhân. Nói cách khác, một trong những tài năng quan trọng nhất của nhà lãnh đạo chính là tài phát hiện ra tài năng của người khác, tài phát huy được tài năng của người khác, đặc biệt là tài giúp cho những người bình thường có thể làm được việc khó.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Chân giá trị của lãnh đạo và nhân tài tại chuyên mục Doanh nhân của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713426328 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713426328 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10