Để doanh giới có thể phát triển mạnh mẽ và cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vấn đề cốt lõi là cần một nền doanh trí mới và một nền quản trị mới.
Trước hết, để hiểu rõ hơn về vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đối với sự phát triển của đất nước trong suốt 50 năm qua, chúng ta hãy quay ngược dòng lịch sử để nhìn lại những thăng trầm của nền kinh thương Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử.
Đầu thế kỷ 20, các nhà Nho yêu nước và các trí thức Tây học đã nhận thấy vai trò của phát triển doanh thương đối với sự phú cường của quốc gia, họ hiểu rằng chỉ có phát triển kinh tế và kinh doanh mới có thể “phú quốc, cường binh”, từ đó mới có độc lập và tự do. Do đó, một thế hệ doanh nhân đã xuất hiện, thế hệ doanh nhân này tạm gọi là thế hệ doanh nhân 1.0, những người đặt nền móng cho nền kinh thương Việt Nam.
Sau năm 1945, đất nước chủ trương triển khai nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, không có thị trường, nên cũng không có kinh doanh và doanh nhân.
Đến năm 1986, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã “nhìn thẳng vào sự thật” và thực hiện “những điều cần làm ngay”, trong đó quyết định chuyển từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trên cơ sở đó, đến năm 1990, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ra đời, chủ yếu là thừa nhận nhưng không khuyến khích kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, đây cũng được xem là dấu mốc về sự xuất hiện của thế hệ doanh nhân 2.0. Và không ít những doanh nghiệp ra đời trong thời kỳ này đã từng bước phát triển trở thành các tập đoàn lớn mạnh sau này.
Đến năm 1999, Luật Doanh nghiệp mới ra đời, đây có thể xem là cuộc cách mạng thực sự trong lịch sử kinh thương Việt Nam. Nếu như Luật công ty năm 1990 với tư tưởng chủ đạo là người dân chỉ được làm những gì Nhà nước cho phép, thì Luật Doanh nghiệp mới là một cuộc cách mạng thực sự về tư tưởng quản lý của Nhà nước đối với khu vực này. Và tư tưởng mang tính cách mạng đó là, Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, còn người dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm.
Đây cũng là lần đầu tiên luật hóa và hợp thức hóa tư tưởng cốt lõi về quyền tự do kinh doanh của người dân. Do đó, từ năm 2000, chúng ta có một thế hệ doanh nhân thứ ba, tạm gọi là thế hệ Doanh nhân 3.0. Và cũng từ đây, kinh tế và kinh doanh ở Việt Nam bắt đầu bùng nổ cả về số lượng doanh nghiệp và quy mô doanh nghiệp.
Năm 2025, trong bối cảnh đất nước kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất, đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nền kinh thương Việt Nam đứng trước sóng gió lớn đến từ chính sách thuế quan của Mỹ và từ những biến động của thời đại.
Tuy nhiên, với ngọn cờ “vươn mình” đang được phất lên mạnh mẽ, tin rằng, những khó khăn trước mắt sẽ biến thành cơ hội, và đây sẽ là cơ hội để chúng ta đẩy nhanh quá trình xây dựng một mô hình tăng trưởng mới, một chiến lược quốc gia mới.
Để làm được điều này, đòi hỏi chúng ta cần phải có một chiến lược nhân lực quốc gia mới, và muốn có nhân lực mới, nhân tài mới thì chắc chắn phải có một nền giáo dục mới, cho nên, việc cải tổ sâu rộng giáo dục quốc gia sẽ là con đường tất yếu.
Cùng với đó, chúng ta phải phát triển một thế hệ doanh nhân mới, một nền quản trị mới, một nền doanh trí phù hợp với kỷ nguyên vươn mình. Vai trò của doanh nhân đã rõ ràng, nhưng để hiện thực được thì chỉ có một con đường duy nhất để đi, đó là phải có một nền “doanh trí mới cho kỷ nguyên vươn mình”. Chúng ta cần một thế hệ doanh nhân mới cho nền kinh thương mới. Đồng thới, ngọn cờ vươn mình cũng phải mạnh mẽ, quyết liệt và bền bỉ.
Một thế hệ doanh nhân mới là một thế hệ doanh nhân không chỉ có năng lực lãnh đạo hay tài năng kinh doanh, mà còn phải có tính nhân bản, có chiều sâu văn hóa và có tinh thần ái quốc - Một thế hệ doanh nhân rất nhân loại, rất dân tộc, nhưng cũng rất chính mình - Một thế hệ doanh nhân luôn tâm niệm rằng, kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm dịch vụ tốt lành.
Để doanh giới có thể phát triển mạnh mẽ và cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vấn đề cốt lõi là một nền doanh trí mới, và một nền quản trị mới, hướng đến một nền quản trị và kinh doanh nhân bản và ái quốc. Hay nói cách khác, quản trị và kinh doanh nhân bản và ái quốc là nền tảng của doanh trí mới, của quản trị mới.