Phân tích - Bình luận

Chiến thuật đàm phán thương mại “đa liên kết” của Ấn Độ

Trương Khắc Trà 27/07/2025 03:33

Nhờ chính sách “đa liên kết” trong thương mại, Ấn Độ cho thấy họ rất bình tĩnh trong đàm phán với Hoa Kỳ cho dù ngày hết hạn đang đến gần.

Ấn Độ và Anh đã hoàn tất Hiệp định thương mại tự do song phương
Ấn Độ và Anh đã hoàn tất Hiệp định thương mại tự do song phương

Mặc dù thời hạn bị áp thuế lên tới 26% đang đến gần nhưng các nhà đàm phán thương mại của Ấn Độ dường như bình tĩnh hơn so với nhiều quốc gia khác trước Hoa Kỳ. Thậm chí, New Delhi có phần cứng rắn khi từ chối mở rộng quyền tiếp cận thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ để bảo vệ nông dân trong nước.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal nói rằng: “Chúng tôi luôn rất nhạy cảm với lợi ích của nông dân, lợi ích của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và sẽ đảm bảo rằng các lĩnh vực kinh tế trọng yếu của chúng tôi được bảo vệ tốt”.

Trong khi các cuộc đàm phán thương mại đều đổ dồn về Mỹ thì Ấn Độ và Anh đã hoàn tất Hiệp định thương mại tự do song phương. Sameep Shastri, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp BRICS đánh giá: “thỏa thuận thương mại song phương giữa Ấn Độ và Anh đã gây ấn tượng mạnh mẽ với tất cả các cường quốc phương Tây”.

Vậy tại sao quốc gia Nam Á không sốt sắng đàm phán với Hoa Kỳ? Trước hết, về mặt chiến lược, Hoa Kỳ muốn gần gũi hơn với Ấn Độ. Nhà Trắng coi chính phủ của ông Narendra Modi là một đối tác mạnh mẽ có thể định hình bức tranh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Các nhà phân tích nhận thấy rằng, do chính quyền ông Trump chủ yếu tập trung vào việc ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc trên trường quốc tế, Ấn Độ được coi là một lựa chọn thay thế tiềm năng cho Trung Quốc trong nhiệm vụ sản xuất toàn cầu.

Vishnu Varathan, Giám đốc kinh tế và chiến lược tại Ngân hàng Mizuho, bình luận: “Khi Hoa Kỳ cố gắng giành lại vị thế trước sự vươn lên của Trung Quốc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, việc chuyển hoạt động sản xuất sang Ấn Độ trở thành một sự thỏa hiệp tự nhiên, và thậm chí có thể bổ sung cho sự dịch chuyển trở lại Hoa Kỳ”.

Ví dụ, Hoa Kỳ có thể kiểm soát một số phân khúc cao cấp của chuỗi sản xuất, vốn đòi hỏi nhiều công nghệ và lao động lành nghề hơn, trong khi Ấn Độ bổ sung cho phần còn lại bằng nguồn lao động rẻ hơn. Khi làm như vậy, Ấn Độ thực sự đã thay thế Trung Quốc.

Hoa Kỳ luôn muốn thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Ấn Độ
Hoa Kỳ luôn muốn thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Ấn Độ

Ấn Độ dưới thời ông Modi đang trỗi dậy khá bình lặng, họ cho thấy sự linh hoạt đa cực, không phụ thuộc quá nhiều vào bất cứ mối quan hệ nào. Sarang Shidore, Giám đốc chương trình Nam bán cầu tại Viện Quincy, cho rằng: đây là một phần trong sự chuyển hướng ngày càng tăng sang “chiến lược đa liên kết”.

Bên cạnh Vương quốc Anh, Ấn Độ đã thúc đẩy các cuộc đàm phán về các hiệp định thương mại tự do với Maldives, EU và nhiều quốc gia khác, đồng thời vẫn duy trì mối liên kết chặt chẽ với Washington, đối tác toàn cầu lớn nhất của mình.

Sự đa dạng hóa này mang lại cho Ấn Độ “bộ công cụ”, cả trên bàn đàm phán và trong việc điều hướng các cú sốc kinh tế toàn cầu. Nếu Hoa Kỳ áp đặt mức thuế quan cao hơn hoặc ràng buộc thương mại với các nhượng bộ khó khăn hơn, Ấn Độ có thể đẩy nhanh các thỏa thuận ở những nơi khác, qua đó làm giảm bớt tác động.

Đây không chỉ là một chiến thuật phòng ngừa rủi ro, mà cách tiếp cận này phản ánh thế giới quan rộng lớn hơn của các nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu là một cường quốc đang trỗi dậy hướng tới chủ nghĩa đa phương, đa liên kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chiến thuật đàm phán thương mại “đa liên kết” của Ấn Độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO