Tại phiên họp của Thường trực Chính phủ vừa qua, Thủ tướng đã giao NHNN nghiên cứu cho vay tái cấp vốn lãi suất 0% để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động.
Theo các chuyên gia, việc cho doanh nghiệp vay không lãi suất để trả lương sẽ giúp doanh nghiệp cầm cự qua mùa dịch. Tuy nhiên để có thể được triển khai trong cuộc sống, cần làm sáng tỏ nhiều vấn đề..
Ông Hoàng Thế Hải, đại diện lãnh đạo một công ty dệt may ở Bắc Ninh cho biết, từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất của Công ty gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn cung nguyên vật liệu, trong khi nhiều đơn hàng cũng bị hủy. Thế nhưng, Công ty vẫn phải duy trì mức lương cơ bản khoảng 5-6 triệu đồng/tháng cho người lao động. Đây là một gánh nặng lớn đối với tất cả doanh nghiệp trong ngành dệt may nói chung, kể cả những ngành thâm dụng lao động.
Không có nguồn trả lương có thể dẫn tới việc doanh nghiệp buộc phải sa thải lao động. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp khi dịch bệnh qua đi, mà tiềm ẩn nhiều vấn đề gây bất ổn xã hội.
Bởi vậy việc cho doanh nghiệp vay không lãi suất để trả lương cho người lao động được đánh giá là một chính sách rất khả thi và đầy tính nhân văn không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp, mà với cả người lao động trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, theo một chuyên gia tài chính- ngân hàng, để chính sách này có thể đi vào cuộc sống, cần làm sáng tỏ một số vấn đề.
Theo Luật NHNN năm 2010, cho vay tái cấp vốn của NHNN chỉ dành cho các TCTD, chứ không dành cho doanh nghiệp. Theo vị chuyên gia nói trên, chỉ đạo trên của Chính phủ có thể hiểu là NHNN sẽ cho các TCTD vay tái cấp vốn với lãi suất 0% để các TCTD sẽ cho vay không lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện trả lương cho người lao động.
Tuy nhiên, nếu dùng Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia để thực hiện chính sách này, e rằng quy mô là không lớn, bởi quỹ này còn được sử dụng cho nhiều mục đích khác phục vụ mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ; còn nếu sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì cần phải được Quốc hội thông qua.
Có thể bạn quan tâm
06:10, 02/04/2020
06:36, 14/03/2020
11:05, 31/03/2020
05:15, 28/03/2020
Do nguồn lực hạn hẹp, trong khi nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp là rất cấp bách, nên cần phải có quy định cụ thể về đối tượng thụ hưởng, mức độ hỗ trợ để tránh các trường hợp trục lợi.
Nếu thực hiện chính sách này, cần quy định các TCTD chi trả thẳng tiền lương vào tài khoản của người lao động dựa trên bảng lương của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các TCTD có phải trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản cho vay này hay không? Nếu doanh nghiệp phá sản, thì rủi ro này được xử lý thế nào?.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ để khuyến khích các TCTD tham gia việc này. Bởi các TCTD cũng phải tốn kém nhiều chi phí và cả nhân lực trong việc thực hiện chính sách này.