Chủ tịch FiinGroup: Thị trường TPDN bắt đầu phát triển chiều sâu và tăng về chất

DIỄM NGỌC 22/09/2023 04:50

“Chúng ta đã trải qua giai đoạn bùng nổ thanh khoản như thời điểm năm 2018-2021, vì vậy yếu tố chiều sâu cũng rất quan trọng để giúp thị trường TPDN tăng trưởng bền vững”.

>>Mừng - lo trái phiếu doanh nghiệp

Khối lượng phát hành nhỏ giọt

Theo thống kê của FiinGroup, sau sự trầm lắng của năm 2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong năm nay vẫn tương đối nhỏ giọt. Toàn bộ giá trị phát hành trên thị trường sơ cấp khoảng 140.000 tỷ đồng và đa số là các hoạt động phát hành riêng lẻ chiếm hơn 90%.

Áp lực trả nợ TPDN trong thời gian tới và đến năm 2024 vẫn còn rất cao và không hề giảm đi so với năm 2023

Áp lực trả nợ TPDN trong thời gian tới và đến năm 2024 vẫn còn rất cao và không hề giảm đi so với năm 2023

Ông Lê Hồng Khang, Giám đốc phân tích FiinRatings cho rằng, điều này cũng phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều khó khăn, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư đã thay đổi, cũng như khả năng hấp thụ và nhu cầu vốn của doanh nghiệp đã suy giảm nhiều so với thời gian trước. Vì vậy, khối lượng 140.000 tỷ đồng tính đến thời điểm hiện tại được cho là tương đối đáng khích lệ.

Về quy mô thị trường đã bị thu hẹp đáng kể trong 2 năm trở lại đây, với độ giảm khoảng 25% tính từ đỉnh năm 2021 (1,6 triệu tỷ đồng), đến nay chỉ còn 1,2 triệu tỷ đồng. Ngoài những nguyên nhân có thể kể đến như khối lượng phát hành mới suy giảm, trái phiếu đến hạn,... thì một nguyên nhân rất đáng chú ý là hoạt động mua lại trái phiếu diễn ra cấp tập trong 2 năm trở lại đây đã gửi đi tín hiệu rằng, vị thế thanh khoản của những doanh nghiệp này tương đối tốt.

“Tuy nhiên, ít hay nhiều thì đây cũng là diễn biến không thuận lợi do thị trường gây ra, khiến doanh nghiệp buộc phải mua lại trái phiếu trước hạn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ban đầu của tổ chức phát hành”, ông Khang nhận xét.

Cũng theo chuyên gia tại FiinGroup, áp lực trả nợ trong thời gian tới và đến năm 2024 vẫn còn rất cao và không hề giảm đi so với năm 2023. Đặc biệt một số ngành nghề như bất động sản, khối lượng trái phiếu đến hạn chiếm khoảng 50% toàn khối lượng thị trường. Đây là một thách thức không nhỏ, không chỉ riêng ngành bất động sản mà một số ngành có mức độ liên thông cao như xây dựng, vật liệu xây dựng cũng sẽ chịu tác động. Điều này dẫn đến khái niệm “chậm trả trái phiếu” hoặc “mất khả năng thanh toán”.

“Theo thống kê của chúng tôi, tính đến tháng 6/2023, khối lượng giá trị trái phiếu chậm thanh toán chiếm khoảng 27%, con số này dự báo tăng thêm trong thời gian tới khi thời điểm đáo hạn đến gần. Một số ngành nghề có thể thấy là bất động sản và một số ngành khác chiếm tỉ trọng lớn.

Tuy nhiên, điểm sáng là 65% các trái phiếu có vấn đề về chậm trả đã đạt được các thỏa thuận đối với nhà đầu tư liên quan đến tái cấu trúc và gia hạn thời gian thanh toán. Có thể thấy, các thành viên tham gia thị trường đã ngồi lại với nhau, tìm kiếm các giải pháp để xử lý vấn đề, hài hòa lợi ích - rủi ro cho các bên và tránh sự đổ vỡ dây chuyền gây thiệt hại nhất là với phía nhà đầu tư”, ông Lê Hồng Khang bày tỏ lạc quan.

>>Ngân hàng rủi ro khi trái phiếu doanh nghiệp bất động sản mắc kẹt?

Cần nhiều thời gian

Về lãi suất phát hành TPDN trên thị trường hiện nay, Fiin Group cũng chỉ ra lãi suất bình quân đã tăng đâu đó khoảng 3%, bản thân các doanh nghiệp buộc phải nâng lãi suất để tăng khả năng thành công của phương án phát hành.

Hội thảo về giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp & Lễ ký kết hợp tác giữa FiinRatings và PVI AM

Hội thảo về giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp & Lễ ký kết hợp tác giữa FiinRatings và PVI AM

Hy vọng với các nỗ lực và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm lãi suất cho vay, cũng như các hành động tháo gỡ vướng mắc pháp lý đối với ngành bất động sản và các chỉ đạo liên quan sẽ giúp thị trường có nhiều tín hiệu tích cực, vì TPDN vẫn là kênh dẫn vốn trung - dài hạn quan trọng của nền kinh tế.

Dự báo về thị trường trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024, tại Hội thảo về giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp & Lễ ký kết hợp tác giữa FiinRatings và PVI AM, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup và Tổng Giám đốc FiinRatings nhìn nhận, với tốc độ hồi phục của thị trường còn chậm sẽ khó có bứt phá về khối lượng phát hành trong vòng 12 tháng tới.

Giai đoạn này, thị trường đang bắt đầu phát triển về chiều sâu và tăng về chất. Chúng ta đã trải qua giai đoạn bùng nổ thanh khoản như thời điểm năm 2018-2021, vì vậy yếu tố chiều sâu cũng rất quan trọng để giúp thị trường tăng trưởng bền vững.

Ông Nguyễn Quang Thuân cũng phân tích thêm, hiện nay nhiều ngân hàng đang thừa vốn còn doanh nghiệp bị áp lực phải trả lãi, nên nên sẽ rơi vào tình trạng ngân hàng và các tổ chức khác thay thế trái chủ cũ mua vào trái phiếu. Từ đó dẫn đến hai hiện tượng, một là một số ngân hàng trước đó tư vấn TPDN rất nhiều thì vừa qua tăng trưởng tín dụng mạnh, có những ngân hàng tăng trưởng tín dụng 10% trong vòng một quý. Hai là ngân hàng, hoặc các tổ chức khác thay thế trái chủ cũ.

“Tôi khẳng định thị trường có lành mạnh, vì thị trường TPDN hay bất kỳ thị trường nào hình thành không phải chỉ lấy tiền về sản xuất kinh doanh, mà phải có thanh khoản. Ngay cả như thị trường chứng khoán thanh khoản hàng tỷ USD một phiên, nên thị trường phải có thanh khoản, đảo nợ, tái cấu trúc...mới là điều hoàn toàn bình thường.

Việc phát hành liệu có bền vững hay không thì theo tôi sẽ chưa, mà cần rất nhiều thời gian, nhiều giải pháp; đặc biệt là khai thông cơ sở nhà đầu tư. Nhưng nhìn chung thị trường phát hành như trong 8 tháng đầu năm đã là một tín hiệu tốt, trong đó cấu trúc giao dịch, loại giao dịch, phát hành ra sao sẽ góp phần “hạ cánh mềm” của các doanh nghiệp. Thực tế, thị trường có hai chức năng là huy động vốn mới cho vào sản xuất kinh doanh từ nơi thừa tiền đến nơi cần tiền một cách dài hạn. Đồng thời tạo cơ chế giao dịch, minh bạch và chức năng thứ hai sẽ dần đáp ứng được”, ông Thuân dự báo.

Về phía PVIAM, bà Trịnh Quỳnh Giao -Tổng giám đốc - chia sẻ, thị trường TPDN mới đang bắt đầu có sự hồi phục. Là tổ chức đầu tư, hoạt động nhiều trên thị trường nhưng trong 6 tháng đầu năm 2023, PVIAM gần như không thể có một khoản đầu tư nào do môi trường lãi suất rất cao, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khó, các doanh nghiệp khan hiếm đơn hàng,...

Bắt đầu khoảng từ tháng 7-8/2023, các tổ chức vận hành bắt đầu có kế hoạch huy động vốn trở lại, gần đây nhất PVI AM mới giải ngân trong tháng 8, với hai giao dịch đầu tư khoảng hơn 1.000 tỷ đồng và đang thực hiện một số giao dịch lớn khác.

“Điều này cho thấy thị trường bắt đầu hồi phục đến từ nhu cầu luôn luôn tồn tại từ hai phía là tổ chức phát hành lẫn nhà đầu tư. Hiện tại quy mô của thị trường TPDN Việt Nam rất nhỏ (khoảng 11% GDP), trong khi so sánh với các nước lân cận là khoảng 30-40% GDP. Chúng tôi tin rằng chúng ta đã qua giai đoạn khủng hoảng và bắt đầu khôi phục dần dần”, bà Trịnh Quỳnh Giao bày tỏ lạc quan.

Giải pháp khôi phục thị trường

Về giải pháp khôi phục thị trường TPDN, ông Nguyễn Quang Thuân đề xuất nên chuẩn hoá, đào tạo cấp chứng chỉ cho các nhà tư vấn chuyên nghiệp. Cùng với đó là tiếp cơ sở hạ tầng như sàn giao dịch TPDN riêng lẻ phải có hàng hoá đưa lên, công bố thông tin, giám sát trong suốt quá trình đầu tư.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup và Tổng Giám đốc FiinRatings

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup và Tổng Giám đốc FiinRatings

Dù doanh nghiệp lãi 1.000 lần thì trái chủ cũng chỉ được hưởng lãi từ 10-13%, nên cần có sự minh bạch thông tin và trong dài hạn là mở rộng cơ sở nhà đầu tư. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao minh bạch thông tin thông qua các hạ tầng mềm như xếp hạng tín nhiệm để nâng cao niềm tin nhà đầu tư.

Ngoài ra, xếp hạng tín nhiệm độc lập sẽ có ý nghĩa cao hơn cho sự hồi phục và phát triển thị trường vốn nếu như được sử dụng rộng rãi bởi các nhà đầu tư, không chỉ những nhà đầu tư đại chúng hay cá nhân mà đặc biệt là các định chế tổ chức tài chính. Trong bối cảnh các quy định pháp lý còn chưa được áp dụng như thông lệ các thị trường trong khu vực và trên thế giới thì việc chủ động hợp tác giữa các thành viên thị trường sẽ từng bước góp phần phát triển bền vững của thị trường vốn Việt Nam

Riêng về kênh chào bán trái phiếu ra công chúng, hiện có sự chênh lệch với kênh riêng lẻ rất lớn. Trong môi trường lãi suất thấp thì nhu cầu đầu tư sẽ lớn, thông tin không đầy đủ và niềm tin chưa được khẳng định, nhưng theo tôi đó mới là kênh chuẩn của thị trường. Nếu vẫn thiếu thông tin như trước đây thì kênh phát hành trái phiếu ra công chúng vẫn rủi ro.

“Tôi gợi ý một đề xuất rằng, những doanh nghiệp đã niêm yết 5 năm chưa vi phạm trên các sàn HoSE, HNX thì được miễn phê duyệt xếp hạng tín nhiệm, hoặc phê duyệt nhanh. Đây là một trong những giải pháp, nhưng có thể ở thị trường Việt Nam vẫn chưa thể thực hiện được” ông Thuân gợi ý.

Bổ sung thêm đề xuất, bà Trịnh Quỳnh Giao cho rằng còn một thành phần nữa rất quan trọng trên thị trường đó là thành phần trung gian. Khi chúng ta đã có sàn giao dịch TPDN riêng lẻ, nhưng phải phát triển các thành phần trung gian tư vấn đầu tư và tạo các giao dịch. Vì vậy phải phát triển giao dịch thứ cấp sôi động, tạo nhu cầu mua bán của các nhà đầu tư cá nhân.

Có thể bạn quan tâm

  • Mừng - lo trái phiếu doanh nghiệp

    16:00, 14/09/2023

  • Hệ quả từ việc ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp "sân sau"

    05:30, 08/09/2023

  • Ngân hàng rủi ro khi trái phiếu doanh nghiệp bất động sản mắc kẹt?

    05:30, 02/09/2023

  • Cần thêm “cú hích” trái phiếu doanh nghiệp

    04:00, 25/08/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chủ tịch FiinGroup: Thị trường TPDN bắt đầu phát triển chiều sâu và tăng về chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO