“Mong rằng Hà Nội sẽ đi đầu cả nước trong việc thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy” -Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh kỳ vọng tại kỳ họp thứ 20 HĐND thành phố Hà Nội, sáng 9/12/2024.
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong các thời kỳ của lịch sử dân tộc, Thủ đô luôn phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, chủ động, năng động, sáng tạo, ý chí quyết tâm vượt khó, tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời bám sát tình hình thực tiễn, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, chung sức, đồng lòng, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thành phố Hà Nội chiếm 1% về diện tích và 8,5% về dân số cả nước, nhưng đóng góp 16% GDP cả nước, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa, Hà Nội chiếm tỷ trọng gần 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Năm 2023, quy mô GRDP ước đạt 1,3 triệu tỷ đồng, khoảng 55 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người đạt 6.350 USD, gấp 1,47 lần bình quân cả nước. Thu ngân sách năm 2024 dự kiến đạt trên 492 nghìn tỷ đồng, thu nội địa chiếm 93,8% tổng thu, tăng trưởng ước đạt khoảng 6,8 - 7%.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, kết quả xây dựng nông thôn mới là dấu ấn nổi bật nhất. Sự nghiệp phát triển văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, công tác bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả tích cực. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng...
“Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội tiếp tục là điểm sáng, tiêu biểu trong hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố. Chất lượng hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, thực chất, hiệu lực, hiệu quả, từ việc tổ chức các kỳ họp, các hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình và quyết định các vấn đề quan trọng.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã ban hành 296 nghị quyết, trong đó nhiều nội dung quan trọng, cấp thiết, kịp thời tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc, khó khăn, khai thông những “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; việc chuẩn bị nội dung trình kỳ họp Hội đồng nhân dân được chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng, thiết thực, hiệu quả; tinh thần “đổi mới, thực chất, hiệu quả” từ Quốc hội được lan tỏa đến Hội đồng nhân dân cấp Thành phố.
Công tác phối hợp giữa Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố và các cơ quan, tổ chức hữu quan được tăng cường, chủ động, thể hiện rõ sự đồng hành và hiệu quả”. - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Những thành tựu mà Thành phố đạt được rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho cho rằng tiềm năng, lợi thế của Thủ đô chưa được khai thác, phát huy đầy đủ, đúng mức; Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; năng lực cạnh tranh so với khu vực và thế giới còn thấp. Hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, phát triển đô thị, trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường còn bất cập; nhiều dự án lớn chậm được triển khai, gây lãng phí nguồn lực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy và công tác cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, đây là những vấn đề mà Thành phố cần tiếp tục quan tâm, giải quyết.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 đã thông qua nhiều nội dung quan trọng về Hà Nội, trong đó Quốc hội đã xem xét, thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với tỷ lệ rất cao (95,06%); đặc biệt ngày 27/11/2024, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và có thông báo kết luận chỉ đạo hết sức quan trọng, cụ thể, đây là những cơ sở quan trọng để triển khai Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị.
Bước sang năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng lần thứ 13, chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Thành phố thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm như sau:
Thứ nhất, thành phố cần quyết liệt hơn nữa việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện thành công các đột phá chiến lược, tháo gỡ những ách tắc, điểm nghẽn về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực. Chủ động ban hành các cơ chế, chính sách triển khai thi hành Luật Thủ đô trong năm 2025 với những cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển đột phá, tạo động lực dẫn dắt cả vùng, cả nước, trong đó phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền Thành phố Hà Nội.
Trong Luật Thủ đô có gần 90 nội dung quy định nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của Hội đồng Nhân dân thành phố trong việc cụ thể hoá quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trong các lĩnh vực; cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần thu hút, khai thác, phát huy, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, phát huy cao nhất những tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Bên cạnh đó cần triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đã được phân cấp cho Hội đồng nhân dân được quy định tại các Luật mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu (trong đó các dự án sử dụng đất và quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, xem xét các dự án sử dụng tài nguyên tại địa phương); các nhiệm vụ trong Luật Đất đai (sửa đổi) (tăng cường vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân trong việc quản lý, quy hoạch và phân bổ đất đai tại địa phương); Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (thẩm quyền trong việc phê duyệt các đề án sử dụng tài sản công, việc sử dụng tài sản công trong các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp)…
Thứ hai, thành phố tập trung triển khai đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031 đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ; kiên quyết không để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Trước mắt phải quyết tâm hoàn thành việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Đây là chủ trương lớn của Đảng, là Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị, tôi mong rằng Hà Nội sẽ đi đầu cả nước trong việc thực hiện chủ trương này.
Thứ ba, song song với việc triển khai các nhiệm vụ nêu trên, tôi đề nghị Hà Nội tập trung ưu tiên nguồn lực, tạo bước đột phá mạnh hơn nữa về hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh và hiện đại, có tính kết nối cao; tập trung quản lý quy hoạch gắn với các kế hoạch triển khai thực hiện trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội; tập trung chỉ đạo quyết liệt, có biện pháp, giải pháp căn cơ, đồng bộ, khả thi trong xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, rác thải, nước thải, ô nhiễm không khí, chống úng ngập.
Thứ tư, tập trung phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giải quyết hiệu quả các dự án chậm triển khai, khai thác tối đa hiệu quả nguồn lực đất đai, đưa các tài nguyên, tiềm năng của Thành phố trở thành động lực và nguồn lực phát triển, thực sự mang lại lợi ích cho xã hội. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức và mỗi người dân.
Thứ năm, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới trong hoạt động, phải luôn là “hình mẫu tiêu biểu” của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đổi mới tư duy trong quá trình xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền. Quan tâm giám sát việc tuân thủ pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tư pháp, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội; chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, đôn đốc giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri và các kết luận sau giám sát.
“Sự bứt phá đi lên của Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với Thủ đô mà tác động rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Phát huy những kết quả đạt được, tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và Nhân dân Thủ đô tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, Thủ đô sẽ ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại, góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới và phát triển mạnh mẽ của đất nước”. - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.