Mặc dù tăng trưởng GDP quý III tăng mạnh nhưng thị trường chứng khoán lại có phiên đầu tuần phản ứng chậm.
Mở đầu tuần này, thị trường chứng khoán bước vào giờ giao dịch với sắc xanh trong nỗ lực phục hồi trở lại vùng 1.280 điểm. Tuy nhiên, nỗ lực đã không thể giữ được đến phút cuối với kết phiên, VN-Index giảm 0,67% điểm (-0,05%), đóng cửa tại 1.269,93 điểm. Thanh khoản khớp lệnh giảm với 497,2 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trên HoSE.
VN30-Index giảm 0,7% điểm (-0,06%), đóng cửa tại 1.335,48 điểm. Có 11 mã tăng giá với tiêu điểm STB, TPB, SSI, HPG, BCM 16 mã đóng cửa trong sắc đỏ như SSB, VNM, HDB, POW, MCN.
Khối ngoại bán ròng trên HoSE với giá trị 337,7 tỷ đồng, trong đó có VPB, HDB, VCG, OCB, GEX và mua nhiều tại STB, TCB, MWG, EIB, FRT...
Trong khi đó, HNX cũng về mức 232,47 điểm sau khi hạ 0,21 điểm (-0,09%); HNX30-Index tăng 1,21 điểm (0,24%), lên mức 508,21 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 1.100 tỷ đồng.
Nhìn lại thị trường chứng khoán (TTCK) theo diễn biến tuần qua đến phiên hôm nay, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) chia sẻ, trong tuần qua, VN-Index lại tiếp tục thoái lui trước ngưỡng 1.300 điểm, đây cũng là lần thứ 3 liên tiếp VN-Index chạm nhưng chưa thể vượt qua. Thanh khoản có dấu hiệu giảm và nhà đầu tư có sự thận trọng nhất định. Phần lớn nhóm ngành điều chỉnh, trong đó có cả những nhóm dẫn sóng như ngân hàng, chứng khoán. Điều này cho thấy nhà đầu tư có sự chốt lời nhất định trong 3 phiên vừa qua. Áp lực chốt lời rõ nhất là ngân hàng và chứng khoán.
Đến phiên 7/10, theo diễn biến phiên sáng, hầu hết các cổ phiếu này đã có tín hiệu phục hồi kỹ thuật ngắn hạn. Đây là nhịp hồi sau 3 phiên giảm. "Tôi vẫn nghĩ rằng trong nhịp này, những nhà đầu tư đã có lãi có thể tiếp tục giữ và cũng có thể nên canh chốt lời", ông Sơn nhận định.
Phân tích xu hướng thị trường ở góc độ kỹ thuật, trong tuần trước, VN-Index nhiều lần kiểm nghiệm ngưỡng 1.300 điểm không thành không và có khoảng 5 cây nến gần như đi ngang. Điều này cho thấy tín hiệu phân phối ngắn hạn đang xuất hiện. Đây là giai đoạn nhà đầu tư trong nước tương đối thận trọng trước vùng kháng cự vừa kỹ thuật, vừa tâm lý 1.300 điểm.
Sau cụm nến đi ngang, nhìn vào thanh khoản hạ nhiệt nhanh trong thời gian gần đây là tín hiệu nhiễu động của thị trường. Nếu xét theo tháng thì đã bước vào tháng thứ 8 kiểm nghiệm ngưỡng 1.300 điểm không thành công.
"Trong bối cảnh sideway liên tục, biên trên ở 1.295 – 1.305, biên dưới khoảng 1.175 – 1.200, biên giao động khoảng 100 điểm thì chiến lược giao dịch là cứ chạm cản trên thì chốt lời dần, thị trường xuống gần sát 1.200 thì cân nhắc giải ngân cho trung hạn.
Nhìn lại quá khứ, giai đoạn 2013 – 2015, thị trường cũng có khung sideway trước khi bật lên vào 2016 – 2017. Đây là giai đoạn đi ngang điển hình khi mà thị trường chưa có 1 gói gói hỗ trợ hay gói kích thích đủ mạnh để thị trường đi lên. Như giai đoạn 2016 – 2017, chúng ta có các câu chuyện như tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và làn sóng thoái vốn Nhà nước. Chu kỳ tăng thứ 2 sau Covid-19 thì có gói hỗ trợ về mặt lãi suất, chính sách tiền tệ nới lỏng.
Như vậy, TTCK Việt Nam thường phản ứng mạnh mẽ với các chính sách nới lỏng tiền tệ, đặc biệt là gói kích thích kinh tế. Trong thời điểm hiện tại, nhà đầu tư kỳ vọng gói hỗ trợ chính sách như Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất chính sách, dòng vốn hỗ trợ bơm vào thị trường tốt hơn, tác động tích cực trong năm 2025. Nếu lãi suất hạ thì TTCK chắn chắn có con sóng rất mạnh", ông Sơn nêu.
Tác động từ thông tin vĩ mô đáng lưu ý là trong cuộc họp ngày 4/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành nên đưa ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, cho người lao động tiếp cận được các chương trình mua nhà. Theo ông Sơn, đây là vốn mồi rất quan trọng. Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ đạo thì gói này có thể xuất hiện cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Kết hợp với chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nữa. Đây là điều kiện vừa cần và vừa đủ cho đợt sóng tăng mạnh.
"Còn ở thời điểm hiện tại, TTCK đang có nhiều thông tin gây nhiễu động. Ví dụ như trong tháng 10 có sự nhiễu động liên quan đến luân chuyển vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Tiếp theo là biến động của TTCK quốc tế khi mà Mỹ đang bước vào giai đoạn bầu cử. Gần đây, lần nào vào chu kỳ bầu cử Mỹ, thị trường có nhịp rung lắc mạnh, tăng cao vào cuối tháng 10 đầu tháng 11. Sau khi bầu cử Mỹ xong, thị trường thường có nhịp xuống đáy kỹ thuật và phục hồi vào giai đoạn cuối năm", ông nhấn mạnh.
Chia sẻ trong "Khớp lệnh – Tài chính thịnh vượng: Nhiễu Động", ông Sơn cũng thẳng thắn cho rằng, nếu thị trường phục hồi trong tuần này, ông sẽ lựa chọn chốt lời dần.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng nhận định vẫn còn dư địa cho các nhà quản lý tiền tệ giảm lãi suất điều hành, kết hợp với gói hỗ trợ thì đây là điều rất tích cực cho thị trường cuối năm nay và đầu năm sau.
"Nếu VN-Index có sự điều chỉnh thì đều là cơ hội giải ngân cho trung hạn", ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS lưu ý.