Phát triển các loại vật liệu xây dựng (VLXD) thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường đang trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất VLXD.
Tại Hội thảo “Vật liệu xây dựng cho các công trình trong tương lai - Thực trạng và xu thế phát triển” do Báo Xây dựng phối hợp với Viện Vật liệu xây dựng tổ chức mới đây tại Hà Nội, TS. Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết: Việt Nam đang là một trong những nước dẫn đầu về đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đạt khoảng 5,7% GDP, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ hai tại châu Á sau Trung Quốc.
Thách thức trong sử dụng vật liệu xây dựng mới
Cùng đó, hàng loạt công trình hạ tầng được khởi công xây dựng và hoàn thiện; hệ thống giao thông được mở rộng, các cảng biển, hàng không được nâng cấp, mở rộng tạo thuận lợi cho giao thông, vận tải nguyên, nhiên liệu sản xuất cũng như các loại sản phẩm VLXD. Trong đó, các vật liệu như xốp cách nhiệt; tấm lợp sinh thái; gạch bê tông nhẹ, kính tiết kiệm năng lượng Low - E, tấm ốp đất sét nung, ngói tráng men; gỗ ốp tường xanh; xi măng xanh; gạch ốp lát tái chế... được coi như vật liệu tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.
Tiềm năng sử dụng chúng trong các công trình xây dựng ở Việt Nam để tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường là rất lớn để hạn chế các mặt trái của khí hậu nóng ẩm. Bởi thực tế ở một số nước phát triển trước đã chứng minh, đầu tư vào những vật liệu xây dựng “xanh” giúp mang lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng sử dụng, vốn đầu tư không quá cao, thân thiện môi trường, trong khi thời gian thu hồi vốn ngắn.
Cơ hội, tiềm năng là vậy, tuy nhiên ông Lê Văn Tới - Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng chỉ rõ những thách thức trong việc sử dụng vật liệu xây dựng mới (VLXDM) tại Việt Nam.
Thứ nhất là thói quen. Theo ông Tới, thay thế cái cũ bằng cái mới thì bao giờ cũng khó khăn, phải có một sự đồng bộ. Thứ hai là lợi ích, lợi ích của việc sản xuất, sử dụng vật liệu cũ sẽ bị động chạm khi bị vật liệu mới thay thế.
Thứ ba, tính tùy tiện vẫn còn trong thiết kế và thi công công trình: Các vết nứt, khuyết tật tại những mảng tường khi sử dụng vật liệu xây không nung trong thời gian vừa qua cho thấy người thi công đã không thực hiện đúng kỹ thuật trong sử dụng vật liệu xây không nung. Nhiều công trình thiết kế sử dụng gạch bê tông khí chưng áp nhưng người thiết kế không chỉ rõ cần phải gia cường những điểm xung yếu, hoặc sử dụng lưới sợi tại những điểm cần thiết, trong khi kỹ thuật thi công cũng chưa có am hiểu thấu đáo về loại vật liệu này.
Thứ tư là sự thờ ơ đối với mục tiêu chung; mục tiêu tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường không mang lại lợi ích ngay cho cá nhân hoặc tổ chức cụ thể, trong đó có các chủ thể xây dựng.
Thiếu vắng các quy chuẩn
Ngoài những thách thức trên, một số vướng mắc cũng làm chậm tiến trình sử dụng VLXDM được ông Tới chỉ rõ: Thứ nhất, đang thiếu một số hướng dẫn trong cơ chế chính sách: Nhiều quy định tưởng chừng rất cụ thể nhưng khi áp dụng nhiều địa phương không thực hiện được, ví dụ như vay vốn ưu đãi đầu tư.
Thứ hai, đang thiếu vắng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật cần thiết: Một số tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cần thiết vẫn chưa được ban hành, hoặc chưa được điều chỉnh kịp thời.
Thứ ba, việc phát triển công trình xanh của nước ta ít được quan tâm. Trong thời gian qua, những công trình xanh đã thu hút được khách hàng, cho chủ đầu tư giá bán tốt hơn nhiều những dự án thông thường cùng vị trí. Tuy nhiên phát triển công trình xanh vẫn chưa được chú trọng đúng mức, kể cả góc độ quản lý nhà nước và góc độ hoạt động doanh nhiệp.
Thứ tư, vướng mắc do thiếu đôn đốc trong quản lý: Chưa khen thưởng kịp thời những địa phương, tổ chức cá nhân thực hiện tốt; chưa có sự phê bình, nhắc nhở đối với những địa phương chậm trễ trong việc thực hiện chính sách phát triển VLXD tiết kiệm năng lượng, thân thiên môi trường. Công tác thanh tra kiểm tra, xử phạt chưa phát huy tác dụng.
Để tăng cường sử dụng VLXDM ông Tới đề xuất cần bổ sung các hướng dẫn cần thiết về hỗ trợ và ưu đãi đầu tư VLXDM mà Nghị định 24a đã quy định; có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nhà ở chuyển hướng sang đầu tư công trình xanh; có chế tài xử lý hành chính đối với các chủ thể xây dựng không thực hiện quy định sử dụng VLXDM.
Các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm, đến việc sử dụng VLXD thân thiên. Đặc biệt đối với công trình “xanh” cần đưa ra các tiêu chí và thông số đặc thù cụ thể.
"Khuyến khích, hỗ trợ các trường, các trung tâm dạy nghề mở các khóa đào tạo ngắn hạn kỹ thuật cho công nhân sử dụng VLXDM. Đồng thời cần bổ sung chính sách để khuyến khích sử dụng công nghệ thi công tiên tiến, nhằm tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động trong sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện" - ông Tới đề xuất.