Quần đảo Cát Bà đang trên hành trình trở thành Di sản thiên nhiên thế giới. Nếu được công nhận, đây sẽ là cột mốc quan trọng để phát huy thế mạnh của ngành du lịch Hải Phòng.
>>>"Đầu ra" cho thủy hải sản Cát Bà
>>>Cát Bà đón chào mùa du lịch biển
Quần đảo Cát Bà, TP Hải Phòng là nơi duy nhất ở Việt Nam hội tụ 4 danh hiệu quốc gia và quốc tế gồm: Vườn Quốc gia Cát Bà, Khu bảo tồn biển, Khu dự trữ sinh quyển thế giới và Top 10 vịnh đẹp nhất thế giới. Hiện Cát Bà đang đứng trước cơ hội được UNESCO công nhận là một phần của Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2022 này.
Đòn bẩy phát triển du lịch
Tháng 9/2013, UBND TP Hải Phòng từng xây dựng hồ sơ đề cử riêng quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học gửi Trung tâm Di sản thế giới UNESCO. Tuy nhiên, UNESCO lại khuyến nghị nối dài quần đảo Cát Bà với vịnh Hạ Long thành một quần thể di sản. Đến năm 2016, Văn phòng Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) tại Việt Nam cũng đã có công văn khẳng định sự cần thiết của việc mở rộng vịnh Hạ Long với quần đảo Cát Bà để xây dựng hồ sơ đề cử Di sản thế giới.
Đến đầu năm 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ VH-TT-DL tiến hành các thủ tục cần thiết gửi hồ sơ đề cử di sản “Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà” tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO.
Theo kế hoạch, trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8/2022, UNESCO sẽ họp bàn, trong đó có nội dung đánh giá hồ sơ để công nhận Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Như vậy, sau 8 năm chuẩn bị hồ sơ, thực hiện việc đề cử, rất có thể trong thời gian tới, Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà sẽ chính thức trở thành Di sản thiên nhiên thế giới. Chính quyền địa phương và các chuyên gia đều kỳ vọng, khi quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới cùng với vịnh Hạ Long của Quảng Ninh thì đây sẽ là cột mốc quan trọng để phát huy thế mạnh của ngành du lịch TP Hải Phòng.
Theo ông Bùi Tuấn Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, nếu Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới sẽ nâng tầm vị thế của huyện đảo Cát Hải nói riêng và TP Hải Phòng nói chung đối với quốc tế. Cùng với đó, Quần đảo Cát Bà sẽ nhận được sự quan tâm đầu tư rất lớn của các tổ chức quốc tế trong công tác bảo tồn các giá trị về đa dạng sinh học, cảnh quan, địa mạo, địa chất nổi bật, đặc sắc, ngoại hạng toàn cầu, giữ gìn món quà vô giá của thiên nhiên ban tặng cho muôn đời sau. Từ đó, tạo nền tảng cho du lịch Cát Bà phát triển bền vững và trở thành trung tâm du lịch quốc tế trong tương lai không xa.
Cũng theo ông Mạnh, việc quần đảo Cát Bà cùng Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới sẽ thu hút một lượng lớn khách quốc tế và trong nước tới tham quan, khám phá vẻ đẹp của Cát Bà; thu hút nhiều nhà đầu tư lớn đối với du lịch sinh thái của Quần đảo Cát Bà, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân của huyện đảo làm giàu bằng nghề du lịch, dịch vụ. Người dân cũng sẽ nâng cao ý thức, thức trách nhiệm về bảo vệ cảnh quan, môi trường.
>>>Vườn Quốc gia Cát Bà: Mắt xích không thể thiếu trong phát triển du lịch Hải Phòng
>>>Hải Phòng: Vẻ đẹp quyến rũ của tuyến đường nghìn tỷ ở Cát Bà
Còn theo ông Hoàng Tuấn Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Phòng, kể từ khi vịnh Lan Hạ - nằm trong quần đảo Cát Bà trở thành thành viên của Tổ chức các vịnh đẹp nhất thế giới, vịnh Lan Hạ nói riêng, quần đảo Cát Bà nói chung được biết tới nhiều hơn, du lịch Cát Bà phát triển rõ nét thông qua lượng khách đến đây. Thời gian tới, nếu Quần đảo Cát Bà cùng vịnh Hạ Long trở thành Di sản thiên nhiên thế giới rõ ràng sẽ giúp quảng bá cho quần đảo Cát Bà, giúp du khách biết đến quần đảo Cát Bà nhiều hơn, từ đó tạo đòn bẩy phát triển du lịch.
Cần xây dựng sản phẩm khác biệt
Mới đây, tại cuộc khảo sát lần cuối cùng tại Quần đảo Cát Bà và Vịnh Hạ Long của Đoàn đánh giá của IUCN, các chuyên gia đã may mắn được bắt gặp đàn Voọc Cát Bà – loài linh trưởng đặc hữu chỉ có tại quần đảo Cát Bà, một trong những thể hiện rõ nét nhất cho tiêu chí đa dạng sinh học nơi đây. Phía chuyên gia của IUCN cũng đánh giá cao khả năng hồ sơ Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà sẽ được thông qua, trở thành Di sản thiên nhiên thế giới sau cuộc họp tới đây của UNESCO.
Nếu quần đảo Cát Bà thành Di sản thiên nhiên thế giới cùng vịnh Hạ Long thì sẽ rất tốt cho việc bảo tồn những giá trị thiên nhiên đang có của Cát Bà. Và xa hơn, là nỗ lực xây dựng đảo Cát Bà trở thành trung tâm du lịch sinh thái của cả nước và quốc tế.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Lợi – Bí thư xã Việt Hải, huyện Cát Bà cho biết, Việt Hải là một trong những địa bàn nằm trong vùng được đề cử Di sản thiên nhiên thế giới. Trong thời gian tới, nếu quần đảo Cát Bà được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới, địa phương sẽ tiếp tục quan tâm đến việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị mà thiên nhiên ban tặng. Đồng thời, khai thác triệt để lợi thế, tiềm năng của Việt Hải để phục vụ cho du lịch. Trong đó, thế mạnh mà địa phương đang khai thác đó chính là phát triển mạnh về du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái.
Trước xu thế hợp tác cùng phát triển giữa các địa phương, việc đề cử di sản chung giữa TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh giúp tăng cường liên kết vùng; bảo tồn, gìn giữ; phát huy các giá trị nổi bật của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, quần đảo Cát Bà. Tuy nhiên, nếu chỉ khoác lên mình danh hiệu mà không có gì để phát triển danh hiệu đó thì sẽ là điều không ổn.
Theo ông Phạm Hà - CEO Lux Group cho biết, ngay từ thời điểm này, du lịch Hải Phòng cần xây dựng sẵn các kế hoạch để xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch di sản, xây dựng thêm các sản phẩm du lịch cao cấp, khai thác tối đa giá trị di sản. Nếu Hải Phòng phát triển du lịch hạ tầng đồng bộ, xây dựng cảng biển du lịch đón các tàu du lịch, đồng bộ với vịnh Hạ Long để phát huy hiệu quả sự liên kết thì nếu được công nhận di sản, du lịch Hải Phòng sẽ càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Còn theo ông Hoàng Tuấn Anh, khi Cát Bà thành Di sản thiên nhiên thế giới mong rằng các cơ quan chức năng ở TP Hải Phòng sẽ có chiến lược tốt hơn, quan tâm đặc biệt hơn để du khách biết đến Cát Bà. Điều quan trọng là phải xây dựng được các sản phẩm du lịch (tour, tuyến, lễ hội) để du khách trải nghiệm sự khác biệt của Cát Bà, thấy xứng đáng là Di sản thiên nhiên thế giới. Đó phải là một hệ thống liên hoàn, chuyên nghiệp từ cơ sở vật chất, nhân lực và đậm đà màu sắc văn hóa.
Có thể bạn quan tâm