Doanh nghiệp

Cơ hội chuyển mình trong chuỗi cung ứng điện tử

Hạnh Lê 16/07/2025 03:59

Sự đồng hành và cam kết của Chính phủ củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước chuyển mình trong chuỗi cung ứng.

Điểm đến sản xuất điện tử - bán dẫn chiến lược

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao nhất 6 tháng đầu năm của các năm từ 2021 đến nay.

Trong đó, thu hút FDI vào công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Các ngành điện tử, máy tính… đóng vai trò chủ lực cho thấy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính cho tăng trưởng công nghiệp trong những tháng cuối năm.

foxconn.jpg
Foxconn Việt Nam đầu tư vào ngành điện tử khoảng 1,5 tỷ USD

Ông Trần Hồng Quân - Giám đốc thương mại RX Tradex Vietnam cho rằng, trong bối cảnh địa chính trị và công nghệ toàn cầu biến động, các tập đoàn lớn định vị Việt Nam là bước đi chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu thay vì là điểm đến gia công chế tạo như trước đây. Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất điện tử - bán dẫn chiến lược của khu vực châu Á.

Các “ông lớn” toàn cầu tập trung nhiều vào Việt Nam. Chỉ trong ngành điện tử, Foxconn đầu tư vào Việt Nam 1,5 tỷ USD, Luxshare đã xây dựng 6 nhà máy thu hút 40 ngàn nhân lực…

Vị trí chiến lược “đắc địa” và tình hình chính trị kinh tế ổn định đảm bảo cho sự đầu tư lâu dài của các doanh nghiệp, theo ông Trần Hồng Quân, là một trong những lý do hàng đầu để các tập đoàn, doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam là “bến đỗ” đầu tư. Tiếp đến là nguồn nhân lực có tính cạnh tranh cao ở khu vực, trong đó, đa phần là dân số trẻ - lực lượng nòng cốt sản xuất công nghệ cao, sẵn sàng tiếp nhận cái mới, có tư duy đổi mới sáng tạo, khả năng thích ứng công nghệ nhanh.

Sự đồng hành của Chính phủ cũng là một điều kiện rất quan trọng. Ông Trần Hồng Quân cho biết thêm, những năm qua Việt Nam dành nguồn lực lớn đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng gồm hạ tầng giao thông, kỹ thuật, hạ tầng về cơ sở dữ liệu. Điều này đảm bảo chắc chắn cho các khoản đầu tư và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.

Từ dòng vốn FDI, sản xuất và xuất khẩu điện tử trong nước được thúc đẩy. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử đạt hơn 134,5 tỷ USD, đóng góp hơn 1/3 vào tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Trong 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu ngành tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt hơn 60,8 tỷ USD, tăng hơn 39% so với cùng kỳ năm trước, giúp ngành tiếp tục giữ vững vị thế là ngành mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế xuất khẩu.

Cơ hội chuyển mình

Với những kết quả tích cực trên, Cục Thống kê nhận định, dù phải đối phó với một số thách thức song nửa cuối năm 2025, động lực tăng trưởng của nền kinh tế sẽ đến từ việc FDI chế biến chế tạo. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng cao, Cục Thống kê cho rằng, các doanh nghiệp và chính sách cần phải linh hoạt, chủ động ứng phó và cải thiện chuỗi cung ứng nội địa.

nguon nhan luc
Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội chuyển mình tham gia đầu chuỗi cung ứng (ảnh minh hoạ)

Ông Trần Hồng Quân đồng quan điểm khi nhấn mạnh đến sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tự nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế bởi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp nào đạt chuẩn chất lượng quốc tế sẽ đón nhận được nhiều cơ hội hơn. Ngoài ra, các bộ ngành có liên quan cần đầu tư nâng cấp nguồn nhân lực chất lượng cao thích ứng với đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu sản xuất chất lượng cao.

Đặc biệt, trong những tháng cuối năm và năm tiếp theo, định hướng và hỗ trợ của Chính phủ rất quan trọng để doanh nghiệp từ gia công cuối chuỗi có cơ hội chuyển mình tham gia vào đầu chuỗi, nâng cao giá trị sản xuất, đóng góp lớn vào trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Định hướng này đã được thể hiện tại Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị định vị hướng phát triển là tập trung vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và các chiến lược quan trọng khác.

Điển hình, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với những định hướng thúc đẩy nội lực, từ đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực nội địa hóa cho đến chủ động trong nghiên cứu và sản xuất công nghệ lõi. Đây cũng là một trong những quan tâm lớn của doanh nghiệp. Theo ông Trần Hồng Quân, qua dữ liệu từ các cuộc thăm dò ý kiến của các khách hàng, doanh nghiệp thì có tới 41% quan tâm đến tự động hoá, ứng dụng công nghệ hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cơ hội chuyển mình trong chuỗi cung ứng điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO