Doanh nghiệp

Khơi thông kết nối chuỗi cung ứng doanh nghiệp

Nguyễn Chuẩn - Hải Ngân 03/07/2025 01:16

Dù có nhiều tiềm năng, nhưng tỷ lệ các doanh nghiệp nội địa tại Hải Phòng tham gia vào chuỗi cung ứng cho các khu công nghiệp vẫn đang là một vấn đề thách thức.

Với 18 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động cùng hệ thống cảng biển nước sâu tại Lạch Huyện, Hải Phòng đang đứng trước cơ hội vàng để trở thành trung tâm công nghiệp – logistics hàng đầu khu vực. Tiềm năng phát triển là rất lớn, thế nhưng, tỷ lệ doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng cho các khu công nghiệp vẫn còn rất thấp.

img_0059-1-.jpg
Tọa đàm "Nâng cao năng lực chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Việt Nam" vừa được Hội Doanh Nghiệp cung ứng Khu Công nghiệp tổ chức.

Theo số liệu từ Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, chỉ có dưới 30% nhu cầu cung ứng của các khu công nghiệp được đáp ứng bởi doanh nghiệp nội địa, trong đó rất ít là doanh nghiệp đến từ Hải Phòng. Trong đó, hơn 80% sản lượng gia công chi tiết máy, cơ khí chính xác hiện vẫn phục vụ các công ty FDI trong và ngoài khu công nghiệp, còn 20% xuất khẩu đi các thị trường nước ngoài.

Theo ông Phạm Trung Tình – Giám đốc Công ty TNHH Ankine Việt Nam, doanh nghiệp Hải Phòng đang gặp khó khăn lớn khi tiếp cận khách hàng FDI. Họ thường phải qua trung gian tại Hà Nội hoặc Bắc Giang. Sự thiếu hụt thông tin và kênh kết nối trực tiếp khiến tỉ lệ doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là doanh nghiệp Hải Phòng tham gia chưa đầy 30% tổng nhu cầu của khu công nghiệp.

img_0069(1).jpg
Ông Phạm Trung Tình – Giám đốc Công ty TNHH Ankine Việt Nam.

Trong khi đó, theo chia sẻ từ bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Chính xác và Thương mại Trung Hòa, doanh nghiệp cũng đã đầu tư mạnh vào máy móc và đào tạo nhân sự chuyên sâu để phục vụ các đơn hàng trong nước. Nhờ đó, đến nay công ty đã cung ứng 80% sản lượng cho các công ty trong khu công nghiệp và giữ 20% doanh thu từ xuất khẩu. Tuy vậy, bà vẫn kêu gọi thêm các chính sách hỗ trợ để mở rộng kết nối với doanh nghiệp FDI.

Trên thực tế, Hải Phòng không thiếu lợi thế về hạ tầng. Năm 2024, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 106,5 triệu tấn, trong đó 7,2 triệu TEU container, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2020–2024 là 7,2% đối với container. Hệ thống đường bộ, cầu Tân Vũ–Lạch Huyện, đã giảm chi phí vận chuyển, thúc đẩy luồng hàng qua khu công nghiệp. Đây chính là tiền đề để doanh nghiệp nội địa gia tăng và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, rào cản chất lượng và tiêu chuẩn đang là những vấn đề mà doanh nghiệp nội địa nói chung và doanh nghiệp tại Hải Phòng nói riêng đang gặp nhiều thách thức. Theo chia sẻ từ lãnh đạo các doanh nghiệp tại hội thảo “Nâng cao năng lực chuỗi cung ứng doanh nghiệp Việt Nam” được tổ chức tại Hải Phòng mới đây, một trong những lý do khiến doanh nghiệp trong nước khó chen chân vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI là khâu đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn đầu vào. Các nhà đầu tư nước ngoài thường đặt yêu cầu khắt khe về ISO, chứng chỉ xuất xứ và bảo hành. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa chưa sẵn sàng về mặt nhân lực và thiết bị để đáp ứng.

Bên cạnh đó, khó khăn về vốn cũng là “điểm nghẽn”. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 21,8% doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo gặp trở ngại do thiếu vốn; 26,3% bị nợ đọng xây dựng cơ bản ảnh hưởng đến dòng tiền. Ngoài ra, công nghệ số và tự động hóa chưa được áp dụng rộng rãi. Việc thiếu nền tảng số hóa khiến doanh nghiệp chậm kết nối, chia sẻ đơn hàng qua các nền tảng kết nối doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.

Để giải quyết vấn đề này, Hải Phòng đã triển khai các chương trình thí điểm “một cửa” kết nối doanh nghiệp – FDI tại Ban Quản lý Khu kinh tế. Đồng thời, Sở Công Thương phối hợp với VCCI tổ chức diễn đàn, hội nghị kết nối hàng năm. Tuy nhiên, để tạo bước đột phá, cần phải có sự đẩy mạnh đào tạo, hỗ trợ cấp chứng chỉ chất lượng cho doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng sàn giao dịch số chuyên ngành, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận hợp đồng. Cùng với đó là cơ chế tín dụng ưu đãi, bảo lãnh vay vốn máy móc tự động hóa.

Theo ông Phạm Trung Tình, doanh nghiệp không chỉ muốn bán sản phẩm, mà hướng đến xây dựng hệ sinh thái công nghiệp tại Hải Phòng. Doanh nghiệp cần chia sẻ thông tin, nguồn lực và liên kết chặt chẽ. Việc hình thành các cụm liên kết chuyên ngành sẽ giúp nâng cao năng lực đàm phán, tối ưu chi phí và đón nhận đơn hàng quy mô lớn.

Với tầm nhìn dài hạn, để tận dụng tối đa lợi thế của thành phố cảng, Hải Phòng cần đặt mục tiêu tăng tỉ lệ doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng lên 50% trong giai đoạn 2025–2030. Điều này đòi hỏi không chỉ hạ tầng mà cả nguồn nhân lực kỹ thuật cao, chính sách hỗ trợ đồng bộ và môi trường pháp lý minh bạch, ổn định.

Nhìn chung, việc nâng cao năng lực kết nối trong chuỗi cung ứng là chìa khóa để doanh nghiệp nội địa nói chung và Hải Phòng nói riêng, chuyển từ sản xuất đơn hàng nhỏ sang phát triển hệ sinh thái công nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, cần nỗ lực đồng bộ từ chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khơi thông kết nối chuỗi cung ứng doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO