Cơ hội nào cho doanh nghiệp từ VIFTA?

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 06/08/2023 12:00

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) vừa chính thức được ký kết, mở ra chân trời mới cho doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Trung Đông.

Israel đứng thứ 8 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc hàng đầu của Việt Nam - Ảnh minh họa

Israel đứng thứ 8 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc hàng đầu của Việt Nam - Ảnh minh họa

>> Đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi số Việt Nam - Israel

VIFTA là một hiệp định toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực mà Việt Nam và Israel cùng quan tâm, như thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật, hải quan, mua sắm chính phủ…

Cơ hội rộng mở

Chọn Israel để đàm phán và ký kết FTA là chiến lược đúng đắn của các nhà ngoại giao và cơ quan hoạch định lộ trình thương mại Việt Nam. Bởi thị trường Israel là thị trường quy củ, tiêu chuẩn; giàu tiềm năng khoa học công nghệ để doanh nghiệp Việt Nam tiếp xúc, học hỏi hoàn thiện mình.

Cơ cấu các mặt hàng của Việt Nam và Israel không cạnh tranh loại trừ nhau mà có khả năng bổ trợ các mảng khiếm khuyết cho nhau. Việt Nam giàu tiềm năng sản xuất nông sản, nhưng thiếu quy trình công nghệ cao. Về lĩnh vực này, Israel là quốc gia hàng đầu thế giới.

Trong cơ cấu các mặt hàng nông sản, mặc dù quốc gia Trung Đông đạt được nhiều thành tựu vượt bậc về công nghệ canh tác, nhưng lại thiếu hụt nông sản nhiệt đới, như: thanh long, nhãn, vải, xoài; thủy sản giàu hàm lượng dinh dưỡng từ Việt Nam, như: cá ngừ, tôm.

Ngoài các sản phẩm tươi sống, Israel cũng là thị trường tiềm năng với mặt hàng đã qua chế biến. Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về vùng nguyên liệu nông sản nên chúng ta có thể kết hợp với công nghệ của Israel để tăng tỉ lệ hàng chế biến của Việt Nam ra thế giới.

Với lĩnh vực gỗ công nghiệp, hiện nay nhiều doanh nghiệp nội địa đang cố gắng khai phá thị trường Trung Đông khi các bạn hàng truyền thống bị suy giảm sức mua. Vì vậy, VIFTA sẽ mở thêm cơ hội cho các doanh nghiệp gỗ trong tương lai gần để tiếp cận thị trường này. Ngành da, giày, may mặc sẽ có thêm thị trường giàu tiềm năng, nhu cầu tiêu dùng lớn, khả năng thanh toán cao, góp phần đang dạng hóa, tránh rủi ro.

VIFTA không chỉ mang đến cơ hội cho doanh nghiệp ở thị trường Israel, mà còn góp phần mở rộng cánh cửa hợp tác thương mại ở Trung Đông. Israel là cửa ngõ vào UAE. Trong khi UAE là cửa ngõ đi ra toàn cầu, bởi vì các nhà buôn lớn đều đến Dubai tìm cơ hội hợp tác thông qua các chương trình xúc tiến đẳng cấp như Gulfood, Expo.

>> Kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Israel

Doanh nghiệp cần lưu ý gì?

Thành bại của FTA phần nhiều do doanh nghiệp quyết định. Trước thị trường mới, đặc trưng như Israel, các nhà xuất khẩu buộc phải trang bị kiến thức văn hóa, phong cách tiêu dùng, đặc biệt là quy định Kosher - tiêu chuẩn thực phẩm ăn kiêng của người Do Thái.

Luật Do Thái quy định, một loại thịt được xem là Kosher khi có nguồn gốc từ động vật nhai lại có móng guốc chẻ đôi như: cừu, bò, dê,...; một số loại gia cầm như: Gà, ngỗng, chim cút, bồ câu, gà tây. Thịt phải được làm sạch hết những dấu vết của máu trước khi nấu.

Theo Luật Phòng chống gian lận Kashrut, chỉ có Giáo trưởng Do Thái của Israel mới có thể phê duyệt sản phẩm Kosher để tiêu thụ tại đất nước mình. Giáo trưởng Do Thái Israel cũng có thể ủy quyền cho một cơ quan giám sát khác thay mặt mình thực hiện.

Hàng hóa xuất nhập khẩu ở Israel chịu quy định chặt chẽ, bởi “Luật tiêu chuẩn 1953” công bố các thông số kỹ thuật và tiêu chuẩn cho các sản phẩm và dịch vụ. Pháp luật Israel bắt buộc áp dụng nhiều tiêu chuẩn quốc tế để tối đa hóa lợi ích cho người tiêu dùng Israel trong một thị trường cạnh tranh.

Đáng chú ý, người tiêu dùng Israel rất nhạy cảm và tinh vi, thuộc nhóm văn minh nhất thế giới, đặc biệt thích hàng hóa ngoại nhập. Hai vấn đề được người Israel quan tâm hàng đầu với các sản phẩm là chất lượng và giá cả.

Tính cạnh tranh của thị trường Israel rất lớn. Ngoài Việt Nam, Israel đã ký rất nhiều FTAs với những nền kinh tế đạt tiêu chuẩn rất cao ở châu Âu và châu Mỹ, như: Thụy Sĩ, Na Uy, Canada, Hoa Kỳ,…

Nhiều chuyên gia cho rằng, để trụ vững ở thị trường Israel, các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng tiêu chuẩn tuy không quá cao nhưng rất đặc trưng. Mặt khác, cẩn trọng với phòng vệ thương mại với rất nhiều đối thủ mạnh.

PGS. TS. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, để tận dụng VIFTA một cách có hiệu quả, các doanh nghiệp Việt cần chủ động trong vấn đề tìm hiểu những cơ chế, chính sách, thị trường, những rào cản thương mại để từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và sức cạnh tranh khi thâm nhập thị trường Israel.

 Mức cam kết của Việt Nam và Israel về tỷ lệ tự do hóa thương mại đến cuối lộ trình. Nguồn: Bộ Công Thương, TTXVN

Mức cam kết của Việt Nam và Israel về tỷ lệ tự do hóa thương mại đến cuối lộ trình. Nguồn: Bộ Công Thương, TTXVN

Có thể bạn quan tâm

  • 9/11: Hội thảo thương mại quốc tế Việt Nam - Israel

    9/11: Hội thảo thương mại quốc tế Việt Nam - Israel

    06:37, 08/11/2022

  • VinFast chọn B-EV Motors làm đại diện phân phối xe điện tại Israel

    VinFast chọn B-EV Motors làm đại diện phân phối xe điện tại Israel

    19:00, 25/04/2022

  • Tăng cường hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam - Israel

    Tăng cường hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam - Israel

    16:39, 14/04/2022

  • Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu bơ sữa vào thị trường Israel

    Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu bơ sữa vào thị trường Israel

    10:03, 07/12/2021

  • Israel “ươm mầm” doanh nhân như thế nào?

    Israel “ươm mầm” doanh nhân như thế nào?

    04:50, 13/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cơ hội nào cho doanh nghiệp từ VIFTA?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO