Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững của VCCI sẽ tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nắm bắt được những vận hội mới.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) khẳng định: Ban tổ chức đã tìm ra những cái tên xuất sắc nhất trong việc thực hiện phát triển bền vững thông qua việc tuân thủ các quy định pháp luật, đổi mới sáng tạo trong các mô hình kinh doanh bền vững, cắt giảm chất thải, áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất...
Bước sang năm thứ 5 triển khai, dù gặp nhiều thách thức từ đại dịch Covid-19, Chương trình Đánh giá, Công bố các doanh nghiệp bền vững Việt Nam 2020 vẫn ghi nhận số lượng hồ sơ tham gia đông đảo của hơn 500 doanh nghiệp từ các lĩnh vực khác nhau, không phân biệt quy mô và thành phần kinh tế.
- Cùng với việc hoàn thiện thể chế pháp luật, ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) trong thập kỷ hành động từ năm 2021 đến 2030?
Doanh nghiệp chính là hạt nhân quan trọng để thực thi các mục tiêu PTBV, bởi mỗi hoạt động của doanh nghiệp đều tạo ra những tác động nhất định đến cộng đồng và môi trường xung quanh. Một ví dụ điển hình là mới đây một hệ thống siêu thị lớn của Việt Nam đã hoàn toàn ngưng kinh doanh ống hút nhựa trong toàn chuỗi. Khi đó hàng loạt các đơn vị sản xuất sản phẩm này chuyển sang sản xuất và kinh doanh ống hút giấy, ống hút thủy tinh sử dụng nhiều lần. Như vậy chỉ với một sáng kiến của doanh nghiệp đã không chỉ giúp định hướng cho người tiêu dùng có thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp, các nhà cung ứng đối tác có ý thức tìm tòi phát triển những sản phẩm mang tính bền vững hơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp với nguồn lực dồi dào cả về nhân lực, vật lực, tài lực có thể đóng góp nhiều kiến nghị chính sách hữu hiệu, thiết thực cho Chính phủ, các cơ quan quản lý, thúc đẩy PTBV trên mô hình hợp tác công - tư.
- Từ Chương trình đánh giá công bố các doanh nghiệp bền vững Việt Nam mà VBCSD-VCCI đã tổ chức từ năm 2016 đến nay đã có sự thay đổi như thế nào trong nhận thức và hành động của cộng đồng doanh nghiệp, thưa ông?
Đối với doanh nghiệp, khoảng 10 năm trước đây, doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR), hỗ trợ cộng đồng theo tính chất “trao con cá”, chứ không phải “trao cần câu”, tập trung vào hiệu quả trước mắt thay vì lợi ích dài hạn của cộng đồng. Nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây, kể từ khi VBCSD-VCCI phát động Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam, tư duy kinh doanh nhân văn, bền vững của doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện rõ nét. Doanh nghiệp đã hiểu rằng PTBV không phải là chi phí, gánh nặng cho doanh nghiệp, mà thực chất là lợi ích sát sườn. Nhiều doanh nghiệp đã tích hợp các mục tiêu PTBV vào chiến lược kinh doanh.
- Theo ông đâu là phương thức để xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp bền vững và trách nhiệm trong một xã hội đang thay đổi?
Chắc chắn trên hành trình xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam PTBV và trách nhiệm sẽ luôn cần có sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ cũng như VCCI. Nhưng “chìa khoá” ở trong tay chính các doanh nghiệp. Chúng tôi hiểu sâu sắc rằng kinh doanh tốt hơn sẽ tạo ra một thế giới tốt hơn.
Con đường đến năm 2030 không dài, nếu không hành động ngay từ bây giờ, rất có thể chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau. Không phải là những hành động lớn lao, doanh nghiệp hãy bắt đầu từ việc thay đổi tư duy kinh doanh, nghiên cứu kĩ lưỡng 17 Mục tiêu PTBV, lựa chọn những mục tiêu phù hợp để lồng ghép vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp và áp dụng Bộ chỉ số CSI để có thể quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn. Khi doanh nghiệp đã chủ động để chuyển mình, đã chuẩn bị kĩ càng nội lực mạnh mẽ, tất yếu lợi nhuận và tăng trưởng trong dài hạn sẽ đến.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm