Dù được đánh giá là có nhiều lợi thế để phát triển du lịch trải nghiệm, mạo hiểm, song đến nay, Cô Tô vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng này.
>>>Quảng Ninh: Tăng sức bật cho ngành du lịch
>>>Phát triển du lịch cộng đồng Quảng Ninh (Kỳ III): Cần giải pháp bền vững
Nhiều tiềm năng chưa được khai phá
Huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh được thiên nhiên ban tặng cho 70 đảo lớn nhỏ, trong đó, có 3 đảo lớn: Đảo Cô Tô lớn là 1.780 ha, đảo Thanh Lân là 1.887 ha, đảo Trần là 512 ha, còn lại là các đảo diện tích nhỏ lẻ khác.
Cô Tô có các bãi biển đẹp, thơ mộng, đặc biệt, còn giữ được nguyên vẻ hoang sơ. Bãi biển Hồng Vàn, Vàn Chảy, Nam Hải, Ba Châu, Hải Quân với không khí trong lành, cát trắng mịn trải dài… Bên cạnh đó, các ghềnh đá mang màu huyền thoại phần nổi phần chìm dưới làn nước quanh năm xanh ngắt và hàng nghìn ha rừng nguyên sinh… Đây chính là tiềm năng để Cô Tô khai thác và xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, trong đó có sản phẩm du lịch trải nghiệm, mạo hiểm gắn với thiên nhiên.
Thời gian qua, nhiều cơ sở du lịch trên địa bàn huyện Cô Tô cũng đã xây dựng các tour du lịch trải nghiệm, mạo hiểm để thu hút khách như: Tour khám phá các đảo Cô Tô con, hòn Sư Tử, hòn Cá Chép; tour du lịch ngắm biển trên thuyền, cano, một ngày làm ngư dân; cắm trại, đi bộ, leo núi tham quan, khám phá những bãi biển hoang sơ, bãi đá trầm tích, khám phá các đảo nhỏ kết hợp với hoạt động nhặt rác bảo vệ môi trường… Tuy có nhiều lợi thế để phát triển, song du lịch tại Cô Tô được đánh giá là chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của mình.
Như tại xã Thanh Lân - xã đảo có diện tích lớn nhất trong quần thể các đảo của huyện Cô Tô. Nơi đây được ví như một ốc đảo xanh giữa biển cả mênh mông. Trên đảo có nhiều bãi biển thơ mộng, hoang sơ với mặt nước xanh trong, cát trắng mịn êm, các bãi đá trầm tích có nhiều hình thù khác nhau. Rừng tự nhiên được bảo vệ và gìn giữ, trong đó có những cánh rừng nguyên sinh có trảng cỏ đẹp dưới bóng mát của cánh rừng chõi, rừng dứa thuận lợi cho phát triển du lịch khám phá, cắm trại kết hợp cùng với hoạt động trải nghiệm câu cá, câu mực, bắt ốc trên biển.
Đặc biệt các rạn san hô ở đây đang được bảo vệ rất nghiêm ngặt và trong tương lai sẽ trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong những năm qua, du lịch Thanh Lân chưa tạo được điểm nhấn, cách khai thác du lịch tại đây vẫn còn manh mún, tự phát.
>>>Phát triển du lịch cộng đồng Quảng Ninh (Kỳ II): Nhiều thách thức cần hóa giải
>>>Quảng Ninh: Đổi mới để du lịch không mang tính mùa vụ
Theo ông Phạm Việt Anh – Đại diện trang du lịch Bay Nhé cho biết, du lịch trải nghiệm, mạo hiểm là dòng sản phẩm du lịch mang tính độc, lạ, có khả năng thu hút khách lưu trú dài ngày, chi tiêu nhiều và đang mở ra cơ hội cho Cô Tô phát triển du lịch bốn mùa. Tuy nhiên, sự gắn kết giữa các cơ sở làm du lịch chưa cao, dẫn đến việc khai thác còn manh mún, chưa nhất quán.
Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro liên quan tới tính mạng, sức khỏe của du khách và tác động tiêu cực lên môi trường tự nhiên. Do vậy, để khai thác lợi thế, tiềm năng của dòng sản phẩm du lịch này, chính quyền địa phương cần có những cơ chế, chính sách, quan tâm đầu tư bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Cần cơ chế, chính sách đặc thù
Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh, kinh tế - xã hội của huyện đảo Cô Tô có nhiều thay đổi. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế, văn hóa và xã hội được đầu tư trên địa bàn huyện đảo đã phát huy tác dụng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển. Từ một huyện đảo nghèo, giờ đây Cô Tô đã "vươn mình" trở thành huyện đảo du lịch nổi tiếng, là điểm đến thu hút nhiều du khách tham quan và không ngừng tăng qua các năm.
Hiện, Cô Tô đang tập trung tăng cường công tác quảng bá, kích cầu, xây dựng các sản phẩm du lịch mới. Trong đó, sản phẩm du lịch trải nghiệm, mạo hiểm, gắn với thiên nhiên đang trở thành xu hướng mới, thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong nước và khách nước ngoài.
Theo các chuyên gia nhận định, để sản phẩm du lịch trải nghiệm, mạo hiểm phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Cô Tô cần có cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Bên cạnh đó, huyện Cô Tô cần xây dựng tiêu chuẩn bảo đảm an toàn cho du khách cũng như bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên. Ngoài việc đầu tư về hạ tầng, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cần chú trọng công tác đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm đến, nâng cao kỹ năng, trình độ của những hướng dẫn viên bản địa giúp họ đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Theo đại diện UBND xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện xã Thanh Lân đang xúc tiến, hỗ trợ các đơn vị doanh nghiệp trẻ trong xã xây dựng các tour du lịch lặn ngắm san hô, nếu được đưa vào hoạt động thì đây sẽ là địa điểm đầu tiên của miền Bắc có loại hình du lịch này.
Còn theo ông Trịnh Đăng Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, để đưa du lịch Cô Tô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, cần sự vào cuộc không những của chính quyền địa phương mà còn cần sự hỗ trợ từ các đơn vị lữ hành, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.
Có thể bạn quan tâm