Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ vẫn chưa “chốt” sẽ kéo dài thời gian áp dụng cơ chế giá điện cố định (giá FIT) đối với các dự án điện gió, điều này đang khiến nhiều doanh nghiệp thấp thỏm không yên.
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Anh Tuấn, TGĐ Công ty CP TTP Phú Yên (TPPPY) đại diện cho Tập Đoàn B.Grimm Power 2 tại Việt Nam với Diễn đàn doanh nghiệp. Để gỡ vướng mắc này, mới đây, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu cơ chế đấu thầu, đấu giá áp dụng cho các dự án điện gió để nâng cao tính minh bạch, cạnh tranh. Bộ Công Thương sẽ phải báo cáo cơ chế này lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 9/2020.
- Chủ trương thu hút doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT) đã thực sự hấp dẫn chưa, thưa ông?Hiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào điện tái tạo còn chưa rõ ràng, một số thủ tục chồng chéo, có những vấn đề liên quan cả Luật hay các quy định về quản lý thuế. Đơn cử, về chính sách đất đai, trong khi dự án điện mặt trời được hỗ trợ miễn phí tiền thuê đất thì với dự án điện gió, doanh nghiệp phải bỏ tiền thuê mặt biển.
Ví dụ với dự án điện gió tại Trà Vinh mà Tập đoàn B.Grimm đang nghiên cứu và khảo sát công suất 120 MW với khu vực triển khai dự án dự kiến khoảng 2.100 ha đang dự kiến phải trả mức giá thuê mặt biển tối thiểu 3 triệu đồng/1ha/năm. Như vậy doanh nghiệp sẽ phát sinh chi phí khoảng 6.3 tỷ đồng/năm, tương đương mức 315 tỷ đồng/50 năm triển khai dự án. Cùng với đó, đàm phán việc trả tiền thuê mặt biển của điện gió hiện cũng chưa thống nhất là trả tiền một năm hay nhiều năm?
Đặc biệt, thời gian thủ tục cấp phép kéo dài cũng là trở ngại. Bởi những dự án thường có công suất trên vài trăm MW sẽ có tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, những dự án lớn trên 5.000 tỷ đồng địa phương sẽ phải trình ra Chính phủ và Quốc hội, trong khi ưu đãi có thời hạn.
Dự án điện gió của chúng tôi tại Trà Vinh mới đang ở bước chờ bổ sung quy hoạch của Thủ tướng. Mà đợt bổ sung lần 1 vào tháng 6 vừa qua doanh nghiệp đã bị lỡ vì một số giấy tờ, thủ tục không quan trọng. Chúng tôi phải tiếp tục chờ đợt bổ sung lần 2.
- Với những rào cản kể trên, doanh nghiệp có đề xuất cụ thể nào, thưa ông?
Như đã nói ở trên, một lần lỡ một chút về thủ tục là kéo theo tất cả các khâu phía sau chậm lại. Nếu được êm xuôi, dự án điện gió Trà Vinh là điện gió ngoài khơi, thông thường là 18-24 tháng thi công. Điện gió các tubin phải hiệu chỉnh theo thông số doanh nghiệp đặt hàng, chứ các hãng không sản xuất trước. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 cũng đang khiến hoạt động sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị khó khăn. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị cần có những đổi mới, rút gọn hơn về thủ tục xin đầu tư, triển khai dự án.
Trên thực tế, lĩnh vực điện gió chỉ thực sự thu hút đầu tư sau khi có Quyết định số 39/2018 của Thủ tướng với mức giá ưu đãi áp dụng với các dự án điện gió.
- Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa giao Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế đấu thầu, đấu giá áp dụng cho các dự án điện gió, doanh nghiệp có đề xuất gì?
Có thể thấy, năm 2019 là một năm “đột phá” của NLTT tại Việt Nam. Chỉ trong vòng khoảng gần 2 năm, kể từ khi có chính sách về giá ưu đãi được ban hành, Việt Nam đã có khoảng 5.000 MW từ điện mặt trời và điện gió được bổ sung mới. Tăng tỷ lệ nguồn điện NLTT chiếm tỷ lệ ~10% công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam.
Việc Chính phủ nghiên cứu và triển khai cơ chế đấu thầu, đấu giá áp dụng cho các dự án điện gió có thể giảm đi cơ chế “xin – cho”, sử dụng tài nguyên hiệu quả và giảm được giá thành. Để đảm bảo cơ chế đấu giá, đấu thầu các dự án điện gió được minh bạch, Chính phủ cần xây dựng các tiêu chí cụ thể sát với mục đích của cơ chế, Việc quy hoạch các dự án cần được nghiên cứu kỹ, công khai sớm để tạo sự minh bạch.
Bên cạnh đó, các tiêu chí như công nghệ, tỷ lệ chiếm đất, ký quỹ hoặc bảo lãnh từ ngân hàng với số tiền phù hợp để đảm bảo việc thực hiện dự án của chủ đầu tư cần được lưu ý.
Cuối cùng, là hạ tầng truyền tải cần được hoàn thiện, đảm bảo giải tỏa công suất cho các dự án trong quy hoạch, đồng thời chính quyền địa phương cần cam kết và bàn giao đất sạch cho phía chủ đầu tư.
- Xin cảm ơn ông!
Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương:
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam khoảng 6,5%-7%, từ nay tới năm 2030 Việt Nam cần có một nguồn điện năng vô cùng lớn. Nếu tính cả các nguồn dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2020 khoảng 4.300 MW, trong đó sẽ có khoảng gần 2.000 MW điện gió và mặt trời mới vào vận hành, thì công suất mới đạt gần 60.000 MW. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2025, dự kiến nhu cầu công suất nguồn điện của hệ thống phải đạt 90.000 MW. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm Việt Nam cần bổ sung thêm 5.000 MW. Trong khi đó, các nguồn điện năng chủ yếu như nhiệt điện, thủy điện cơ bản đều đã khai thác hết.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN):
Năng lượng tái tạo hiện nay còn phát triển nóng và tập trung ở một số địa phương nên đã ảnh hưởng lớn đến việc giải tỏa công suất cũng như việc điều độ, vận hành hệ thống điện. Hiện nay, chúng ta đang thiếu hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho điện mặt trời áp mái. Đây là vấn đề cần được quan tâm vì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành hệ thống điện trung, hạ áp trong thời gian sắp tới.
Có thể bạn quan tâm
04:21, 06/08/2020
15:06, 05/08/2020
21:33, 04/08/2020
08:38, 30/07/2020
04:00, 30/07/2020