Doanh nghiệp

DIỄN ĐÀN NÔNG NGHIỆP 2025: Kinh tế tuần hoàn cho nông nghiệp bền vững

Bài: Hạnh Lê; Ảnh: Tuấn Ngọc 16/07/2025 17:00

Các nhà khoa học tập trung các giải pháp tuần hoàn với giá thành hợp lý để có thể ứng dụng rộng rãi, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Phát biểu tại Diễn đàn nông nghiệp 2025: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các bên liên quan tổ chức, PGS TS Đào Thế Anh - nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp nhấn mạnh: về bản chất, nông nghiệp bền vững phải tuần hoàn. Trong những giai đoạn trước, nông nghiệp Việt Nam đã nổi tiếng với mô hình VAC.

ongtheanh.jpg
PGS TS Đào Thế Anh - nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp.

Khác với mô hình tuyến tính hiện nay, sử dụng các đầu vào hoá học, đơn giá trị, tập trung năng suất, giá thành thì kinh tế tuần hoàn mang lại đa giá trị, cho phép đa dạng hoá các giá trị khác ngoài sản phẩm chính như lúa gạo, cà phê…

Theo PGS TS Đào Thế Anh, kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích, ngoài lợi ích kinh tế là lợi ích về môi trường như giảm nguyên liệu và năng lượng đầu vào hoá học, giảm chất thải và khí nhà kính, các tài nguyên trong hệ thống được sử dụng nhiều lần… Bên cạnh đó là lợi ích về xã hội, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng, tăng cường sự hợp tác và tham gia của các bên thông qua kinh tế chia sẻ.

Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững đến năm 2030 với cách tiếp cận phát triển sinh thái trên13 nguyên tắc, trong đó ưu tiên hàng đầu là kinh tế tuần hoàn. “Đây là một trong giải pháp tối quan trọng để đạt mục tiêu nông nghiệp bền vững. Hiện nay Viện Khoa học nông nghiệp đang hỗ trợ xây dựng mạng lưới trao đổi kinh nghiệm, công nghệ, quản trị liên quan đến kinh tế tuần hoàn” - PGS TS Đào Thế Anh cho biết thêm.

Đi vào một số lĩnh vực cụ thể trong nông nghiệp, theo PGS TS Đào Thế Anh, lúa gạo chiếm diện tích lớn nhất với mức độ thâm canh cao, phát thải khí nhà kính tương đối cao, khoảng 25%. Từ cam kết của Chính phủ thực hiện Netzero vào năm 2050, sản xuất lúa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường ưu tiên đi đầu giảm phát thải thông qua việc thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Bên cạnh đó, theo thống kê phụ phẩm nông nghiệp hàng năm lên đến 156,8 triệu tấn – một khối lượng lớn nhưng mới được tái sử dụng khoảng 30%. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà khoa học, trong kinh tế tuần hoàn, không nên gọi là phụ phẩm nông nghiệp mà gọi là tài nguyên để được khai thác hiệu quả hơn, tránh lãng phí, gây ô nhiễm môi trường.

khachmoi1(1).jpg

Từ góc độ khoa học công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Đề án phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng với kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030. Đề án tập trung hơn vào nghiên cứu chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp với nhiều mục tiêu cao.

Cụ thể, trong trồng trọt, 50% phụ phẩm được xử lý và tái chế, tái sử dụng, trong đó 80% rơm rạ được thu gom và tái sử dụng; 60% hộ gia đình và 100% trang trại áp dụng các công nghệ và kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi và được tái sử dụng… Việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn được kỳ vọng giúp tăng ít nhất 20% giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị nông sản.

Theo PGS TS Đào Thế Anh, hiện Viện và các nhà khoa học đang tập trung vào các giải pháp tuần hoàn như các loại vi sinh vật mới, các chế phẩm mới với giá thành hợp lý để có thể ứng dụng rộng rãi, phổ biến trên diện rộng, nhất là hợp tác xã, hộ nông dân.

Không chỉ ở những lĩnh vực trên, thực tế cho thấy, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp còn nhiều tiềm năng khác. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã đã áp dụng thành công, mang lại hiệu quả nhất định như sử dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp (phục vụ chế biến nông sản, sử dụng pin mặt trời để phục vụ tưới tiêu và cung ứng năng lượng để tái sản xuất). Một số quốc gia trên thế giới đã khuyến khích trang trại sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng xanh.

toancanh(1).jpg
Diễn đàn Nông nghiệp 2025 thu hút đông đảo các khách mời tham dự.

Ngoài ra, sử dụng nước tiết kiệm trong sản xuất và tuần hoàn trong chế biến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tái sử dụng bao bì nhựa, bao bì có khả năng phân huỷ.

Đề cập tới Nghị quyết 57 phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vừa được Bộ Chính trị ban hành, PGS TS Đào Thế Anh nhấn mạnh: các giải pháp kinh tế tuần hoàn và sinh thái cần đa dạng hoá, phù hợp với các chuỗi giá trị, hệ sinh thái khác nhau.

Cùng với đó, theo Luật Khoa học công nghệ mới, có 2 mảng chính là nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Với doanh nghiệp, đây là hoạt động mới, nhiều sản phẩm chưa có tiêu chuẩn trong khi việc xây dựng tiêu chuẩn này cần thời gian. Do đó, hoạt động đổi mới sáng tạo ở địa phương cần được thực hiện trong phạm vi cấp địa phương để thử nghiệm thúc đẩy các sản phẩm tuần hoàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
DIỄN ĐÀN NÔNG NGHIỆP 2025: Kinh tế tuần hoàn cho nông nghiệp bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO