Doanh nghiệp

DIỄN ĐÀN NÔNG NGHIỆP 2025: Đổi mới sáng tạo là chìa khóa xanh hóa nông nghiệp

Thanh Trà - Tuấn Ngọc 16/07/2025 16:12

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữ vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi nông nghiệp từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang phát triển bền vững, hiệu quả hơn.

Tại Diễn đàn Nông nghiệp 2025 với chủ đề “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 16/7/2025, ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã chia sẻ quan điểm về vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang phát triển chiều sâu, bền vững hơn.

ongchingoc (1)
Ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam khẳng định kinh tế tuần hoàn hiện nay đang là xu thế tất yếu.

Theo ông Ngọc, khái niệm kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp không còn mới mẻ mà đã được đề cập và thực hiện từ hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên, sự chuyển biến về nhận thức và hành động mới thực sự rõ nét trong những năm gần đây. “Đến giờ, nói đến kinh tế tuần hoàn thì ai cũng khẳng định một điều: đây là xu thế tất yếu. Và chính sự tất yếu đó đòi hỏi một nền sản xuất phải chuyển đổi mạnh”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét và yêu cầu phát triển bền vững đặt ra cao hơn, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào nông nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà đã trở thành nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả và lan tỏa rộng, ông Ngọc cho rằng cần đặt khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào vị trí trung tâm. “Chuyển đổi tích cực phải là chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp. Mà muốn làm được điều đó thì vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là rất quan trọng”, ông nói.

Một tín hiệu tích cực được ông nhắc đến là Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, phê duyệt Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030. Theo ông, đây là một chính sách kịp thời, phản ánh đúng yêu cầu của thực tiễn. “Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào lợi ích to lớn mà quá trình chuyển đổi này có thể mang lại”, ông chia sẻ.

Tuy vậy, ông Ngọc cũng cho rằng vẫn còn một số khó khăn nhất định trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là ở khía cạnh chính sách. Một số quy định pháp luật liên quan hiện vẫn mang tính khái quát, cần được rà soát và điều chỉnh để phù hợp hơn với đặc thù của mô hình sản xuất tuần hoàn. Ngoài ra, cách tiếp cận trong quản lý vẫn chủ yếu dựa trên tư duy sản xuất tuyến tính, trong khi các mô hình mới lại đòi hỏi sự linh hoạt và tính mở cao hơn. Những khoảng trống này phần nào ảnh hưởng đến khả năng thử nghiệm, triển khai các giải pháp đổi mới sáng tạo trong thực tiễn.

Ông cho rằng để xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho kinh tế tuần hoàn, trước hết phải xuất phát từ thực tiễn sản xuất. “Muốn ra được tiêu chí, tiêu chuẩn hay quy chuẩn thì phải có mô hình thực tế. Nhưng hiện nay nhiều mô hình mới chỉ đang làm dở dang, chưa đủ điều kiện để xây dựng tiêu chuẩn”, ông nói.

Trên cơ sở đó, ông đề xuất cho phép địa phương được tiếp cận khoa học công nghệ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện xây dựng mô hình thử nghiệm. Thông qua các mô hình này, địa phương có thể đề xuất và hoàn thiện bộ tiêu chí kỹ thuật, từ đó làm cơ sở cho việc nhân rộng và chuẩn hóa sau này.

toancanh4 (1)
Diễn đàn Nông nghiệp 2025 với chủ đề “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp” là nhịp cầu lan tỏa kinh tế tuần hoàn đến gần hơn với người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh vấn đề về chính sách và thể chế, ông Ngọc cũng đặc biệt nhấn mạnh khó khăn về tài chính. Phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ nông dân. Việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là tài chính xanh, là thách thức rất lớn. Trong khi đó, đầu tư cho sản xuất tuần hoàn bao gồm cả xử lý phụ phẩm, tái chế, phát triển sản phẩm sinh học lại đòi hỏi nguồn lực đáng kể và dài hạn. Vì vậy, theo ông, rất cần có các chính sách tín dụng đặc thù để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này nếu muốn thúc đẩy kinh tế tuần hoàn một cách thực chất..

Theo ông Ngọc, để kinh tế tuần hoàn thực sự phát huy hiệu quả, điều quan trọng là làm sao để những nội dung trao đổi tại diễn đàn không chỉ dừng lại ở lý thuyết hay khuyến nghị, mà có thể tiếp tục lan tỏa thông qua nhiều kênh truyền thông, tiếp cận được tới người dân và doanh nghiệp một cách thực chất. Việc thúc đẩy mô hình tuần hoàn cần được xem là một quá trình chuyển đổi tư duy lâu dài, trong đó chính sách, công nghệ và đổi mới sáng tạo chỉ có thể phát huy nếu gắn chặt với thực tiễn đời sống sản xuất. Từ đó, từng bước hình thành một nền nông nghiệp xanh, bền vững và có năng lực cạnh tranh cao hơn trên thị trường trong nước và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
DIỄN ĐÀN NÔNG NGHIỆP 2025: Đổi mới sáng tạo là chìa khóa xanh hóa nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO