Nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ- Trung bùng nổ khiến không ít tập đoàn đã dịch chuyển sản xuất, kinh doanh từ Trung Quốc sang các nước khác.
Trong cuộc khảo sát mới đây của Reuters, 24% các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết đang xem xét trì hoãn hoặc giảm đầu tư vào Trung Quốc; và 18% cho biết đang xem xét chuyển sản xuất sang các nước khác, đặc biệt là Đông Nam Á.
Điểm đến Đông Nam Á
Adastria, nhà bán lẻ quần áo của Nhật Bản đã chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á. Từ đầu năm nay, Adastria bắt đầu mua sợi chỉ từ Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Thông qua hợp tác chặt chẽ với các đối tác ở Đông Nam Á, Cty này hy vọng sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như giảm thời gian và chi phí cần thiết cho việc vận chuyển.
Không chỉ có Adastria, mà nhiều Cty khác cũng đang chọn Đông Nam Á là trung tâm sản xuất mới, thay vì Trung Quốc. Trong đó phải kể đến Fast Retailing, Cty điều hành thương hiệu chuỗi quần áo Uniqlo, đang chuyển dần sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và một số quốc gia khác...
GS.Hisayoshi Hashimoto tại Học viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản đánh giá, mức độ căng thẳng thương mại Mỹ- Trung lần này rất nghiêm trọng. Điều này sẽ làm cho các Cty đã từng thành công ở Trung Quốc, sẽ hoạt động khó khăn hơn. Do đó, sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sẽ diễn ra tại doanh nghiệp có biên lợi nhuận thấp.
Thách thức đối với Việt Nam
Theo GS.Hisayoshi Hashimoto, chi phí lao động ở hầu hết các nước ASEAN thấp hơn ở Trung Quốc nhưng năng suất lao động ở các quốc gia này không cao. "Năng suất của lao động của Việt Nam hiện nay vẫn kém hơn nhiều so với Trung Quốc nếu tính sản lượng trên mức lương chi trả. Tuy nhiên, chi phí nhân công rẻ của Việt Nam sẽ bù đắp cho sự thiếu hụt về tiến bộ khoa học công nghệ”, GS.Hisayoshi Hashimoto cho biết và cảnh báo, với sự bùng nổ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thế mạnh nguồn lao động giá rẻ sẽ mất dần lợi thế.
Nếu các tập đoàn ồ ạt chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ làm dấy lên lo ngại nước ta sẽ trở thành "công xưởng sản xuất” của thế giới. Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa trong ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ phát triển, chuyển hướng việc làm cho người lao động để bước lên những bậc thang cao hơn của chuỗi giá trị.