Bên cạnh những đóng góp về ngân sách, việc làm và chuyển giao khoa học công nghệ, hiện các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang khá tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.
Nền kinh tế tuần hoàn, đại diện cho cơ hội kinh doanh trị giá 4.5 nghìn tỷ USD, là tiềm năng lớn cho sự tăng trưởng kinh tế thế giới. Bằng việc phục hồi và tái sử dụng chất thải thành các nguồn lực khác nhau và đưa vào quá trình sản xuất, kinh tế tuần hoàn là triết lý sản xuất sạch hơn và tiết kiệm hơn, góp phần bảo vệ môi trường đồng thời thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng đến một tương lai bền vững. Việc hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần thực hiện Thỏa thuận Paris và 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc.
Hiện nay, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang khá tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, một trong những điểm sáng đó là sáng kiến “Zero Waste to Nature” (tạm dịch: Không xả thải ra thiên nhiên). Đây là hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ dự án Trung tâm Kinh tế tuần hoàn (VCCE) chủ trì bởi Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp thực hiện với Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (“UVN”), Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (“CCBVL”), và Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam (“Dow”).
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VBCSD chia sẻ: phát triển bền vững và nền kinh tế tuần hoàn là cơ hội lớn nhất để chuyển dịch dây chuyền sản xuất và thói quen tiêu dùng kể từ Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất diễn ra vào 250 năm trước, bởi thông qua việc áp dụng những chiến lược đổi mới theo định hướng tuần hoàn, sự linh hoạt và dẻo dai của nền kinh tế toàn cầu sẽ được củng cố và đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người và cộng đồng.
Là bước đi tiên phong hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, sáng kiến Zero Waste to Nature hướng đến bốn (04) mục tiêu: (1) giải quyết các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa; (2) xây dựng lộ trình để hình thành và thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững; (3) phát triển chuỗi giá trị theo định hướng kinh tế tuần hoàn cũng như kiến nghị chính sách để tạo điều kiện cho việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ: “Không xả thải ra thiên nhiên” là sáng kiến có ý nghĩa to lớn về mặt xã hội cũng như về kinh tế và rất cần có sự chung tay, đồng hành của Chính phủ, các tổ chức, các doanh nghiệp và cộng đồng đặc biệt là người dân …cùng nỗ lực hành động, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và bảo vệ hành tinh xanh cho thế hệ tương lai.
Tại Unilever, chúng tôi cam kết 100% bao bì nhựa sẽ được tái chế, tái sử dụng và phân hủy được cho đến năm 2025. Ở Việt Nam, chúng tôi tự hào đi tiên phong triển khai sáng kiến “Không xả thải ra thiên nhiên” cùng với các đối tác của mình dựa trên mô hình phân loại, thu gom rác thải nhựa tập trung và xử lý bằng công nghệ Creasol+ của Unilever . Đây chính là viên gạch nền móng mà Unilever vinh dự góp vào để xây dựng lên mô hình kinh doanh bền vững, tạo thêm giá trị gia tăng cho hệ thống thu gom và xử lý rác thải, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Unilever sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và mở rộng hợp tác với các đối tác để có thể nhân rộng mô hình này trên toàn quốc và giúp hiện thực hóa sứ mệnh “Zero Waste to Nature” của Unilever nói riêng và Việt Nam nói chung.”
Sáng kiến Zero Waste to Nature sẽ được triển khai trong vòng 05 năm (2018-2022), thí điểm tại Tp. Hồ Chí Minh, sau đó sẽ tiếp tục được nhân rộng tại các đô thị lớn trên toàn quốc.
Ông Sanket Ray, Tổng Giám Đốc Coca-Cola Việt Nam chia sẻ: “ Hiện nay, khoảng 44 quốc gia trên thế giới không có hệ thống quản lý rác thải đúng chuẩn và 59 quốc gia thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết để tái chế rác thải. Quản lý rác thải một cách hợp lý, hiệu quả là một trong những vấn đề cốt lõi có tác động đến không chỉ môi trường nhưng là nền kinh tế các quốc gia. Mục tiêu phát triển bền vững của Coca-Cola là tiếp tục tập trung vào việc sử dụng bao bì có khả năng tái chế 100%, sử dụng nhiều chất liệu tái chế hơn trong sản xuất bao bì sản phẩm, hỗ trợ các hoạt động thu gom, phân loại rác thải tại nguồn cũng như tăng cường tuyên truyền giúp người tiêu dùng hiểu rõ về tái chế: cái gì, bằng cách nào và ở đâu. Thông qua sự kiện, chúng tôi muốn truyền cảm hứng đến người tiêu dùng về việc tái chế như một phần của phong cách sống không rác thải và thân thiện với môi trường. Thông qua những hoạt động của công ty và cùng với các đối tác, mục tiêu của chúng tôi là giúp xây dựng một môi trường xanh hơn và tạo nên những giá trị kinh tế bền vững cho quốc gia.”
Ông Tomoyuki Sasama, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dow Việt Nam (Dow) chia sẻ: “Một trong những mục tiêu phát triển bền vững 2025 của Dow là thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn bằng cách cung cấp các giải pháp để giải quyết các vấn đề môi trường, nâng cao nhận thức về tái chế và tái sử dụng nhựa và tạo môi trường kinh doanh bền vững cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng nhựa. Dow rất vinh dự hợp tác cùng thúc đẩy triển khai các giải pháp kinh tế tuần hoàn giữa các chuỗi giá trị đa dạng ở các địa phương khác nhau.”